Giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong nhà trường
Việc tham gia các dự án về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như chủ động xây dựng phương án phù hợp với điều kiện cơ sở đã góp phần hạn chế thiệt hại trong trường học, nhất là vào mùa mưa bão.
Trang bị kiến thức
Hai năm qua, cán bộ và người dân phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) thường xuyên được tập huấn kiến thức và các kỹ năng cần thiết để phòng chống trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Qua triển khai dự án “Nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trường học và cộng đồng các huyện ven biển tỉnh Quảng Nam”, do tổ chức SEEDS ASIA (Nhật Bản) tài trợ, cán bộ và người dân địa phương đã nắm được phương pháp và kỹ năng vẽ sơ đồ khu vực ảnh hưởng do bão lũ, cách di tản đến nơi an toàn và chuẩn bị túi dụng cụ cần thiết khi tránh trú bão lũ... Ông Lê Hồng Sinh, khối phố Hà My Trung, phường Điện Dương, cho biết: “Khi dự án triển khai tại địa phương, bà con nhân dân trong thôn được trang bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết để ứng phó trước, trong và sau khi có bão lũ xảy ra. Nhờ có sơ đồ phòng tránh thiên tai mà bà con chủ động trong việc trú tránh ở những nơi an toàn”.
Các trường bán trú tại Nam Trà My vẫn đủ nguồn lương thực cho học sinh trong mùa mưa lũ. Ảnh: N.T |
Tham gia dự án, Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng (phường Điện Dương, Điện Bàn) tổ chức nhiều tiết dạy và sinh hoạt ngoại khóa về phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho học sinh nhà trường. Qua hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh đã khảo sát và vẽ được sơ đồ khu vực trường học để di tản đến nơi an toàn khi có bão lũ xảy ra. Học sinh được hướng dẫn sử dụng túi dụng cụ khẩn cấp với những vật dụng cần thiết bên mình khi đi tránh trú bão, lũ. Em Lê Nguyễn Hạnh Nguyên, học sinh Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng, cho biết: “Các tiết học về phòng chống giảm nhẹ thiên tai rất vui và bổ ích với chúng em. Qua hướng dẫn của các thầy cô giáo, chúng em vẽ được sơ đồ khu vực trường học nên biết được những nơi nào an toàn trong trường để trú ẩn nếu bão xảy ra. Chúng em cũng tự trang bị bộ dụng cụ cần thiết để theo ba mẹ và các cô chú xung kích di tản đến nơi an toàn”.
Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng là một trong 6 trường học ở 6 địa phương ven biển Quảng Nam (gồm Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành), được Sở GD-ĐT triển khai dự án trên. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức cơ bản về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và cách phòng tránh, các em học sinh và phụ huynh nhà trường còn được giáo viên lồng ghép giảng dạy các tình huống bão lũ xảy ra thực tế trên địa bàn để xây dựng phương án phòng tránh phù hợp. Qua 2 năm triển khai, chương trình đã tổ chức giảng dạy gần 340 tiết học về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho học sinh THCS tại các trường mô hình; tập huấn nhân rộng cho hơn 650 cán bộ, quản lý và giáo viên của 218 trường tại 6 địa phương ven biển; đồng thời hỗ trợ các hoạt động về giảm nhẹ rủi ro thiên tai của tỉnh. Bên cạnh đó, chương trình cũng tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, các hội thi về giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tham quan các mô hình giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại các trường mô hình. Từ năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT đã đưa giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào nhiệm vụ năm học cấp tiểu học và THCS và có kế hoạch giảng dạy nội dung này.
Chủ động ứng phó
Đầu tháng 11.2015, UBND tỉnh chính thức ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, tập trung cho cấp cơ sở trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai. Qua đó, các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm hoạt động của các năm trước để nhân rộng mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 51,6 tỷ đồng cho 5 năm. |
Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại Nam Trà My gây chia cắt hoàn toàn từ trung tâm hành chính huyện về 2 xã Trà Dơn, Trà Leng và huyện giáp ranh Bắc Trà My. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác xây dựng phương án ứng phó với mưa bão từ trước nên không xảy ra tình trạng thiếu đói ở các xã và đặc biệt là tại các trường bán trú, nơi mà có gần 2.500 em học sinh đang theo học. Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học (PTDTBT-TH) Trà Nam, hơn 140 em học sinh tại đây đều ở lại bán trú trong những ngày mưa lũ. Hiện trong kho dự trữ lương thực của đơn vị trường ước tính còn hơn 2 tấn gạo. Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bán trú, nhìn chung nhà trường thực hiện đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác lưu trữ mẫu thức ăn đảm bảo đúng quy trình và cập nhật vào sổ lưu mẫu. Em Nguyễn Thị Thanh Tiên, học sinh lớp 7/1 - Trường PTDTBT-THCS Trà Mai tâm sự: “Mùa mưa lũ thì lớn, đất sạt lở, nhà em ở xa nên không về được phải ở lại trường bán trú. Ở đây, thức ăn đầy đủ, có chăn gối ấm và nhất là em không phải bỏ học buổi nào”.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trà Mai chia sẻ: “Trong những ngày qua trên địa bàn huyện Nam Trà My nói chung, xã Trà Mai nói riêng mưa lớn gây sạt lở, chia cắt nhiều nơi. Trước tình trên, nhà trường đã huy động các em học sinh ở nội trú tại trường và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, nguồn gạo 36 của Chính phủ cấp cho học sinh bán trú trong kho của nhà trường vẫn còn khoảng 3 tấn để lo cho các em đủ ăn trong thời gian chờ khắc phục tuyến đường.
LAN NHI - TUẤN TÚ