Diễn biến khó lường dịch sốt xuất huyết ở Núi Thành
(QNO) - Tính đến 31.10, Núi Thành đã có 455 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết và dịch bệnh đang có dấu hiệu lan rộng. Phía địa phương và ngành y tế đang khẩn cấp đối phó và tìm cách dập dịch.
|
Dịch sốt xuất huyết tại Núi Thành vẫn đang diễn biết bất thường, có nguy cơ tiếp tục lan rộng. (Trong ảnh: Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã quá tải do số ca mắc bệnh sốt xuất huyết). |
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lan rộng
Ngày 8.11, tại Khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, các ca nhập viện vì bị sốt xuất huyết vẫn không giảm. Theo bác sĩ Vũ Đức Tượng – Trưởng khoa Y học nhiệt đới, khoa bắt đầu tiếp nhận, thu dung các trường hợp bị sốt xuất huyết vào khoảng tháng 6 với các bệnh nhân đến từ Quảng Ngãi và người địa phương ở Núi Thành.
Người dân cần ý thức phòng chống dịch sốt xuất huyết Theo Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông Châu Ngọc Phúc cho rằng, sự chủ quan là một nguyên nhân đã khiến dịch bùng phát. Năm 2016 là lần đầu tiên xã Tam Mỹ Đông bị dịch sốt xuất huyết hoành hoành. “Lâu nay, vẫn có tuyên truyền nhưng cách tuyên truyền không hiệu quả nên kiến thức phòng chống dịch bệnh của bà con vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ chưa ý thức bảo vệ môi trường sống, vẫn cứ để xuất hiện các ổ bọ gây, lăng quăng. Đến khi có dịch, chúng tôi đến tuyên truyền thì mới có ý thức chấp hành” – ông Châu Ngọc Phúc chia sẻ. Bác sĩ Phạm Công Vân – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành, cho biết, dịch sốt xuất huyết xảy ra mạnh tại Núi Thành trong hai năm 2015, 2016. Nguyên nhân khách quan được xác định là diễn biến của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng, phát triển nhanh. Và bác sĩ Vân cho rằng để dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn có một phần do công tác tuyên truyền của Trung tâm, các trạm y tế và các địa phương chưa tốt. “Dù rằng vẫn tuyên truyền qua kênh truyền thanh của huyện, kênh truyền thông của trung tâm nhưng chưa theo dõi hiệu quả của tuyên truyền đến đâu nên khiến người dân chủ quan. Vừa qua, khi xuống cơ sở nơi có dịch xảy ra, nhiều khu vực tồn tại nhiều ổ bọ gậy, nhiều hộ gia đình vẫn cho rằng việc phòng chống dịch là của các cơ quan y tế. Chính vậy, ngoài các biện pháp tổ chức phòng ngừa, dập dịch của cơ quan chức năng, mong bà con nhân dân cần tự ý thức cao trong việc tự phòng chống dịch bệnh” – bác sĩ Phạm Công Vân nói. |
Theo thống kê, đến tháng 10, số ca bị sốt xuất huyết tăng đột biến với bình quân từ 15 – 25 trường hợp phải nhập viện mỗi ngày. “Đến nay, số lượng bệnh nhân phải nhập viện quá lớn và đã vượt quá quy mô số giường bệnh của khoa, buộc chúng tôi phải trưng dụng cả phòng khám, hành lang để đón tiếp, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết tại Núi Thành đang có chiều hướng lan rộng thêm, số ca mắc bệnh tăng nhanh trong vài tuần gần đây, bệnh viện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để khám, điều trị” – bác sĩ Tượng cho hay.
Tại xã Tam Mỹ Đông – nơi dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông Châu Ngọc Phúc cho biết: “Hiện nay, dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu dừng lại, số người mắc bệnh mới vẫn còn. Trước đây vào tháng 6, dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thôn Phú Quý 1, ngay lập tức chúng tôi báo cáo huyện và Trung tâm Y tế huyện để xử lý. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ở thôn Phú Quý 1 có dấu hiệu giảm thì lại bùng phát ở các thôn khác”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành, tính đến nay, toàn huyện có 455 trường nhiễm sốt xuất huyết, là địa phương có số ca nhiễm sốt xuất huyết cao thứ nhì của tỉnh (sau TP.Hội An). Chưa có trường hợp nguy kịch hay tử vong do sốt xuất huyết. Cả 17/17 xã thị trấn đều phát hiện có người bị sốt xuất huyết và từ khi xuất hiện dịch đến nay đã phát hiện 135 ổ dịch nhỏ. “Hiện nay, xã Tam Mỹ Đông có đến 168 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết tại 6/6 thôn, xã Tam Nghĩa là 85 trường hợp, thị trấn Núi Thành có 30 trường hợp. Hiện tại, dịch đang có dấu hiệu tiếp tục lan rộng và bùng phát tại một số xã khác như Tam Anh Nam, Tam Giang và thị trấn Núi Thành” – bác sĩ Thái cho biết.
Khẩn cấp chống dịch
Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, Trung tâm Y tế huyện Núi Thành đã nhanh chóng cử cán bộ xuống cơ sở, triển khai phun 34 lít hóa chất diệt muỗi tại 4.000 hộ gia đình ở 15 ổ dịch trên địa bàn huyện. Riêng xã Tam Mỹ Đông phun trên toàn xã với 1.890 hộ ở 6/6 thôn. Cùng với đó, chính quyền 17/17 xã, thị trấn đã huy động các lực lượng triển khai đến từng hộ dân phát tờ rơi tuyên truyền, phát động nhân dân diệt bọ gậy, lăng quăng.
Trung tâm Y tế huyện Núi Thành đề nghị người dân hợp tác, tự ý thức phòng chống dịch bệnh. (Trong ảnh: Phun hóa chất dập dịch tại khu vực Khối 6, thị trấn Núi Thành sáng ngày 8.11). |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, khi có dịch bệnh sốt xuất huyết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương nhanh chóng có biện pháp cụ thể dập dịch, tránh các diễn biến dịch theo chiều hướng xấu. “Ngày 3.11, UBND huyện đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu huyện để chỉ đạo, triển khai các biện pháp khẩn để với dập tắt dịch. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền bằng các xe lưu động, tiếp tục phát tờ rơi… để người dân tự diệt bọ gậy, lăng quăng, đảm bảo môi trường sống ngăn không cho dịch tiếp tục bùng phát. Cùng với đó, sẽ chỉ đạo Trung tâm Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, phát hiện kịp thời các ổ dịch mới, khoanh vùng và thực hiện dập dịch ngay lập tức” – ông Ngô Đức An cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái, sau khi nhận được sự chỉ đạo của UBND huyện Núi Thành, trung tâm đã lên kế hoạch cụ thể về tuyên truyền và dập dịch trong thời gian tới. “Hiện nay, nhân lực của trung tâm, các trạm y tế là ít nên đề nghị các địa phương phối hợp điều động thêm các lực lượng tại chỗ để hỗ trợ. Chúng tôi đang xin kinh phí để dự trù phun hóa chất tại 20 ổ dịch dự kiến có thể xảy ra từ đây đến cuối năm 2016. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế, cán bộ y tế thôn không được chủ quan tránh nguy cơ tái bùng phát dịch” – bác sĩ Thái nói.
ĐOÀN ĐẠO