Thống kê sản lượng thủy hải sản: "Chim trời cá nước"
Con số sản lượng thủy hải sản khai thác định kỳ ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển được xem là số liệu rất quan trọng để định hướng, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện công tác thống kê gặp nhiều khó khăn, sai lệch và được ví như kiểu “chim trời cá nước” rất khó đoán định.
Một lần khi đọc bản báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của một địa phương ven biển, tôi thắc mắc rằng mùa vụ vừa qua nghề mành mùng liên tục trúng đậm cá ngừ, ròng rã trong một tháng, nhiều phương tiện chở khẳm cá ngừ vào bờ và bán với giá rẻ như cho nhưng vẫn thấy con số báo cáo sản lượng hải sản khai thác được ở địa phương không khác mấy so với vụ trước thì được giải thích: “ở đây chủ yếu là suy ra anh ơi, làm răng tính cho nổi. Lấy giá trị rồi ước ra sản lượng thôi”.
Thật ngạc nhiên, vậy mà tôi cứ tưởng, con số này có thể tương đối và bộ phận thống kê cơ sở phải rất mệt nhọc “đong đếm”, hoặc phải có một “thuật toán” nào đó rất khoa học. Ông Trương Công Hùng, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình) nói vui rằng, chuyện thống kê sản lượng thủy hải sản mà ngư dân trên địa bàn xã khai thác chủ yếu được “ước chừng khoảng” và mỗi nơi làm mỗi kiểu. Đặc thù của nghề biển là… thất thường, chuyến biển này có thể chở lút ghe nhưng chuyến sau có thể lỗ tổn. Rồi thời gian chuyến biển cũng khác nhau, hải sản thì đủ chủng loại, giá cả chênh lệch một trời một vực, cùng một chủng loại nhưng giá trị rất khác nhau ở cùng thời điểm và phụ thuộc theo kiểu được mùa mất giá. Đặc biệt, sản lượng hải sản mà ngư dân khai thác được tiêu thụ ở nhiều nơi, chính ngư dân cũng không nhớ hết… Đây là những cái khó khiến công tác thống kê gặp nhiều bất cập. Cũng vì khó nắm bắt được sản lượng nên các địa phương thường áp dụng kiểu tính toán lấy giá trị suy ra sản lượng.
Ông Nguyễn Tiến Thức - công chức Văn phòng thống kê xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, đặc thù của nghề biển địa phương là khai thác gần bờ. Ngư dân chủ yếu tối đi sáng vô nên khó áp dụng kiểu tính chuyến biển như ở các địa phương khác. Vì vậy xã Tam Tiến áp dụng phương pháp lấy thu nhập một năm của ngư dân để suy ra sản lượng đánh bắt. Ví dụ, ở ngành nghề giã cào, địa phương có khoảng 30 phương tiện, lấy thu nhập trong năm của một phương tiện đạt hiệu quả cao nhất cộng với thu nhập của một phương tiện trung bình, cộng với thu nhập của một phương tiện đạt thấp nhất rồi chia ba. Sau đó lấy kết quả này nhân với 30 để được con số tổng thu nhập. Muốn tính sản lượng thì căn cứ vào số tổng thu nhập đem “ước chừng khoảng” với giá cả thị trường hải sản ở một số chủng loại. “Chỉ có cách này thôi chứ khó quá, không thể như lúa ở trên ruộng mà đong đếm được. Nghề biển nhiều kiểu khai thác, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất mỗi phương tiện rất khác nhau nên việc lấy thu nhập suy ra sản lượng sẽ thiếu chính xác, nhưng đành chịu thôi…” - ông Thức nói.
Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục phó Chi cục Thủy sản Quảng Nam, hiện công tác thống kê sản lượng khai thác thủy hải sản hằng năm có rất nhiều phương pháp và nhiều địa phương, đơn vị cùng thực hiện, nhưng con số có tính pháp lý phải là con số được đưa ra từ cơ quan thống kê. Hằng năm, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cũng triển khai thống kê và dựa vào đội ngũ cộng tác viên cơ sở. Đội ngũ này sẽ khảo sát từng nhóm ngành (bằng phiếu), lấy số bình quân mỗi phương tiện và tính tổng phương tiện. Ông Giỏi cho biết: “Bên thống kê họ cũng làm bằng phương pháp riêng, mình cũng triển khai thống kê nhưng chủ yếu để phục vụ công tác chuyên ngành. Tôi thử một lần so sánh thì thấy con số bên họ cao hơn mình, những năm gần đây bên thống kê đều tham khảo con số của chi cục. Nói chung việc thống kê sản lượng thủy hải sản vô cùng khó khăn, nhưng chuyên ngành của mình thực hiện thì tương đối hơn, mình có đội ngũ khảo sát thực tế, còn địa phương thì rất bất cập, thậm chí còn dựa vào quan điểm của lãnh đạo ở địa phương đó mà đưa ra những con số”.
MINH ĐỨC