Thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 07/11/2016 10:10

Sau nhiều năm đàm phán, có lúc bế tắc, một hiệp định về biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung với thông điệp: cứu lấy trái đất.

Ngày 4.11.2016, Hiệp định Paris về chống BĐKH chính thức đi vào hiệu lực. Hơn 90 quốc gia, chiếm hơn 55% lượng khí thải toàn cầu đã đặt bút ký - một con số kỷ lục từ trước đến nay để bắt đầu hiện thực hóa cam kết, quyết định tương lai của hành tinh. Dù không mang tính ràng buộc pháp lý, hiệp định thể hiện thiện chí và thái độ nghiêm túc của các quốc gia, khuyến khích các chính phủ chủ động tham gia chống BĐKH, thay vì gây áp lực. Giờ đây, các chính phủ đã ý thức rõ ràng về hệ lụy cuộc sống gây ra từ BĐKH như trong thời gian qua và được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn trong thời gian tới nếu chúng ta không ra tay hành động. Còn quá sớm để nói về hiệu quả sau khi Hiệp định Paris dài 31 trang có hiệu lực, nhưng ít ra, các chính phủ, nhà hoạch định cũng phác thảo được chính sách và chiến lược phát triển quốc gia về vấn đề trên.

Hình ảnh “Trái đất cười” được lan tỏa khắp nơi để chào mừng thời khắc lịch sử về chống BĐKH. Ảnh: twitter.com
Hình ảnh “Trái đất cười” được lan tỏa khắp nơi để chào mừng thời khắc lịch sử về chống BĐKH. Ảnh: twitter.com

Ngân hàng Thế giới (WB) vạch ra 4 ưu tiên mà thế giới cần nhanh chóng hành động theo Hiệp định Paris về BĐKH. Thứ nhất, trong vòng 15 năm tới, việc đầu tư hạ tầng trên thế giới ước đạt hơn 90.000 tỷ USD, trong đó chủ yếu tập trung vào các nước đang phát triển. Đầu tư đúng hướng giúp các nước giảm thiểu khí thải cac-bon, ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế bền vững, chấm dứt đói nghèo. Thứ hai, Cơ quan Năng lượng quốc tế vào tuần trước cho biết năm 2015 là năm lịch sử về năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời được sử dụng trên toàn cầu lần đầu tiên vượt qua điện năng được sản xuất ra từ than đá. Tuy nhiên, tại châu Á, nơi nhu cầu năng lượng đang gia tăng và một số quốc gia sử dụng nhiên liệu truyền thống như giải pháp chính. Bởi vậy, các quốc gia cần được hỗ trợ, giúp đỡ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu truyền thống như than đá, khí đốt…, tác nhân chính khiến nhiệt độ trái đất gia tăng, và thay thế bằng nguồn nhiên liệu sạch. Thứ ba, giúp đỡ các quốc gia xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH, nền kinh tế xanh và hệ thống sinh thái như sử dụng hiệu quả nguồn nước, xây dựng nền nông nghiệp thông minh ứng phó BĐKH, hệ thống cảnh báo sớm, giảm rủi ro thảm họa. Nếu không, sẽ có thêm 100 triệu người rơi vào nghèo đói vào năm 2030. Và cuối cùng, thế giới cần một quỹ tài chính để hỗ trợ các cộng đồng bị tổn thương do thiên tai hay BĐKH gây ra.

Liên hiệp quốc đặt mục tiêu huy động hàng nghìn tỷ USD, kể cả từ nguồn vốn tư nhân để giúp các quốc gia ứng phó với BĐKH. Trong đó ưu tiên cho các quốc gia nghèo và đang phát triển. Những quốc gia tài trợ đã có những cam kết mạnh mẽ trong Hiệp định Paris. Tại hội nghị Liên hiệp quốc về BĐKH (COP-22) diễn ra từ 7 đến 18.11 tại Marrakesh, Maroc, đại diện của 200 quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ tập trung thảo luận các điểm chính của Hiệp định Paris, các chính sách công nghệ và tài chính cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu của văn kiện này.

NAM VIỆT

NAM VIỆT