Ưu tiên nhiều công trình bức thiết, trọng điểm
Thời gian qua, các cấp ngành từ tỉnh, huyện đang nỗ lực gỡ vướng về những khó khăn, bức thiết trong đầu tư xây dựng cơ bản ở Đại Lộc.
Vướng mắc, ách tắc
Năm 2016, trên địa bàn Đại Lộc, một số công trình xây dựng cơ bản lớn, có tính kế thừa của năm 2015 được xúc tiến hoàn thành như: tuyến đường ĐH3. ĐL (từ cầu Quảng Huế đi xã Đại Phong), công trình khu thể dục - thể thao trung tâm huyện, cầu Giao Thủy. Ngoài ra, huyện còn xây dựng, nâng cấp đối với một số công trình: trạm xá xã Đại Đồng, ba trường học tại 3 xã Đại Phong, Đại Minh, Đại Cường. Từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ và 40% nguồn đối ứng của huyện, một số công trình giao thông được khởi công xây dựng trong năm 2016 như: tuyến đường từ xã Đại Thắng đi Đại Minh (ĐH4.ĐL), Đại Lãnh đi Đại Hưng (ĐH13.ĐL), ĐH8.ĐL từ Đại Phong đi Nhà máy cồn Đại Tân giáp với xã Đại Chánh, Đại Thạnh…
Đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường dẫn đầu trao quà cho đơn vị thi công tại cầu Giao Thủy. Ảnh: H.L |
Hiện, nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở Đại Lộc vẫn còn lớn ở cấp huyện lẫn cấp xã. Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, hiện, nợ đọng xây dựng cơ bản của huyện còn 13 tỷ đồng, huyện phấn đấu trả xong khoản nợ này trong năm 2018-2019. Riêng cấp xã, tính đến 8.2016, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới 60 tỷ đồng, chủ yếu tập trung nhiều vào các xã đã và đang tập trung cán đích nông thôn mới. Cụ thể, với Đại Hiệp, dù đã về đích cuối năm 2014, song đến thời điểm này, xã vẫn còn nợ tới 9 tỷ đồng xây dựng cơ bản, điều kiện trả nợ của Đại Hiệp cũng như các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. “Để có thể tạo điều kiện các xã trả nợ đọng xây dựng cơ bản, đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh giúp đỡ các xã trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho các xã này khai thác quỹ đất để trả nợ. Bởi nhiều doanh nghiệp thi công công trình xây dựng cơ bản ở các địa phương khi vướng nợ thì khó thu hồi nợ hay thu hồi nợ kiểu nhỏ giọt. Phần huyện không đủ điều kiện hỗ trợ các xã trang trải nợ nần. Có những xã hụt thu vào thời điểm cuối năm, huyện phải hỗ trợ ngân sách” - ông Mai nói.
Đại Lộc đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thi công các công trình, dự án trọng điểm. Cụ thể, với dự án cầu Giao Thủy (khởi công từ 3.2015), dù tiến độ thi công rất đạt, song vướng mắc từ khâu giải tỏa, bồi thường đối với 17 hộ dân thuộc Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (cũ). Việc mở rộng tuyến ĐT 609B, đoạn từ cầu Giao Thủy đi ngã tư Ái Nghĩa cũng vướng một số nhà dân. Công trình Lừ - Đại Phong (tuyến ĐH3.ĐL qua xã Đại Phong) hiện vướng khâu kiểm kê, đo đạc lại diện tích đất của một hộ thuộc vùng giải tỏa trắng để có hướng bồi thường…
Kiến nghị công trình cấp thiết
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường thống nhất chủ trương của các sở ban ngành về phân bổ kinh phí triển khai hạng mục kè thôn Quảng Đại trong năm 2017; chủ trương bố trí vốn tuyến ĐT 609B từ Trường THCS Nguyễn Trãi đi QL 14B trong năm 2018 cũng như việc sửa chữa, nâng cấp một số đoạn tuyến ĐT 609B đi Hòa Đông. Phó Bí thư Phan Việt Cường nhấn mạnh thêm, đối với Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Sở GD-ĐT thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, mở rộng diện tích, tạo điều kiện để trường đạt chuẩn vào năm 2017. Đối với dự án di dời Trường THCS Nguyễn Trãi, thống nhất chủ trương giao cho huyện Đại Lộc chủ động lập dự án, làm chủ đầu tư, kết hợp nguồn xã hội hóa, nguồn thu bồi thường giải tỏa, khai thác quỹ đất để thực hiện. Đối với tuyến ĐT 609, đoạn từ Phiếm Ái (Đại Nghĩa) đi cầu Quan Âm (Đại Quang), từ Hà Tân (Đại Lãnh) đi An Điềm (Đại Hưng), cầu Ba Khe 1, Ba khe 2, Ba khe 3 (Đại Lãnh) vốn là những công trình nằm trong dự án nâng cấp đường ĐT 609, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai theo phân kỳ… |
Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Phan Xuân Quang đề xuất tỉnh hỗ trợ các công trình cấp thiết như: tuyến kè chống sạt lở thôn Quảng Đại (xã Đại Cường) dự kiến chiều dài 1.000m; tuyến ĐH 1 (từ ngã ba Ái Nghĩa đi Hòa Đông) - vùng thấp lụt, thường xảy ra tai nạn vào mùa mưa lũ; tuyến đường tránh phía tây Ái Nghĩa dài 1,8km - đường cứu hộ cứu nạn của huyện, đường nằm trong quy hoạch đô thị; cầu Trà Đức - nối liền xã Đại Phong và Đại Tân. Đồng thời kiến nghị tỉnh về việc cho phép và hỗ trợ kinh phí nâng cấp đền tưởng niệm Trường An; di dời Trường THCS Nguyễn Trãi đảm bảo an toàn giao thông; hỗ trợ kinh phí xây dựng mặt bằng, mở rộng diện tích xây dựng Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017… Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Đại Lộc còn đề xuất về một số công trình do tỉnh quản lý, đầu tư nằm trên địa bàn hiện đã xuống cấp, cần phải sửa chữa, nâng cấp như: tuyến ĐT 609B, từ ngã ba Hòa Đông đi Đại Hiệp; tuyến đường ngã ba Hòa Đông đi QL 14B, nhằm giảm tải cho tuyến ngã ba Hòa Đông đi Đại Hiệp; tuyến ĐT 609 từ Phiếm Ái (Đại Nghĩa) đi cầu Quan Âm (Đại Quang)… tạo vệt thông suốt, đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, với đặc thù Đại Lộc có 9 xã đồng bằng, 9 xã miền núi, hạ tầng thiếu đồng bộ, đây cũng là vùng thấp lụt nên cần xem xét danh mục bố trí vốn đặc thù so với các địa phương khác. Song, tùy theo mức độ bức thiết mà bố trí vốn, triển khai xây dựng, cần có lộ trình trung hạn, ngắn hạn, quy định cụ thể thời gian bố trí vốn cho phù hợp. Cần rà soát nguồn lực nào từ địa phương, nguồn nào từ tỉnh, nguồn nào khai thác quỹ đất. Có thể xem xét, đưa vào kế hoạch trung hạn đối với một số công trình chưa được bố trí vốn trong năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát triển. “Tuy nhiên, huyện cần hạn chế tối đa phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản thời gian tới, cần rà soát kỹ việc triển khai các công trình, dự án” - Phó Chủ tịch Trần Đình Tùng nhấn mạnh.
HOÀNG LIÊN