Chương trình SEQAP: Nâng chất lượng giáo dục miền núi

XUÂN PHÚ 02/11/2016 08:52

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) được triển khai tại các trường tiểu học của 36 tỉnh trên cả nước từ năm 2010 với mục tiêu tăng thời gian học tập cho học sinh ở trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Quảng Nam có 48 trường được triển khai SEQAP.

Học sinh miền núi được hỗ trợ ăn trưa bán trú tại trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Học sinh miền núi được hỗ trợ ăn trưa bán trú tại trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Niềm vui từ SEQAP

Trường Tiểu học & THCS Kim Đồng nằm trên địa bàn xã Phước Đức của huyện Phước Sơn có 376 học sinh (HS). Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, ngoài điểm trường trung tâm và 3 điểm trường lẻ tại các thôn. Với hơn 80% HS là người dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt còn nhiều hạn chế nên chất lượng học tập chưa đồng đều và khá thấp là bài toán nan giải đối với nhà trường. Tuy nhiên, kể từ khi được chọn để triển khai chương trình SEQAP, chất lượng giáo dục của trường đã có những chuyển biến rõ nét. Theo cô Nguyễn Thị Huệ - Phó hiệu trưởng, triển khai chương trình SEQAP, nhà trường chuyển từ dạy học một buổi sang dạy học cả ngày. Nhờ đó, trường có thời gian để tăng cường kỹ năng tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, lồng ghép các hoạt động trong giờ nghỉ trưa tại trường. Bên cạnh sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, phụ huynh cũng hưởng ứng tích cực, giúp HS được hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường. “Qua 5 năm triển khai SEQAP, tỷ lệ HS trong độ tuổi trên địa bàn ra lớp, tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học đều đạt 100%, không có HS nghỉ học giữa chừng. Chất lượng giáo dục cũng tăng lên thấy rõ. Sau 5 năm, tỷ lệ HS yếu giảm từ 6,03% xuống còn 2,69%; các hoạt động ngoài giờ thu hút được nhiều HS tham gia. Có thể khẳng định, SEQAP đã góp phần hình thành những kỹ năng ban đầu và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện “đức - trí - thể - mỹ” cho HS tiểu học miền núi” - cô Huệ chia sẻ.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, dự án SEQAP mang đầy tính nhân văn đối với học trò miền núi, vùng dân tộc thiểu số. “Chất lượng giáo dục thấp và tình trạng bỏ học giữa chừng là những vấn đề nan giải lâu nay của giáo dục miền núi, vùng khó khăn. SEQAP là chương trình giúp tháo gỡ những tồn tại đó và thực tế đã làm cho công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành quả nhất định, chất lượng giáo dục nâng cao một cách bền vững, hạn chế việc HS bỏ học do khó khăn về kinh tế. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng và phụ huynh đối với việc học tập của con em cũng như xây dựng trường chuẩn quốc gia” - ông Quốc chia sẻ.

Nam Giang là một trong những huyện nghèo, dân cư thưa thớt, phân tán nhỏ lẻ nên mạng lưới trường lớp không tập trung. Hơn nữa, điều kiện miền núi nên HS nơi đây chủ yếu học 1 buổi/ngày; vì vậy, chất lượng dạy và học không cao. Từ năm 2010, chương trình SEQAP đến với 6 trường tiểu học của huyện với tổng số HS gần 1.900 em như một làn gió mới cho công tác nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, khi Bộ GD-ĐT khởi động chương trình SEQAP, ngành đã tham mưu cho huyện đề ra các giải pháp tổ chức dạy học cả ngày gắn với xây dựng trường chuẩn như tuyển dụng giáo viên để bố trí đủ 1,5 người/lớp theo định biên dạy cả ngày; đảm bảo mỗi trường đều có giáo viên các bộ môn. Nhờ đó, 100% số lớp của 6 trường thực hiện SEQAP đều được học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện cho các trường tăng cường kiến thức, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí của SEQAP đã đầu tư xây dựng được 9 phòng học, 5 công trình vệ sinh, 1 nhà đa năng, giúp các trường đạt chuẩn quốc gia và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3. Ông Bình nói: “Với huyện Nam Giang, qua nhiều năm thực hiện chương trình dạy học cả ngày đã giải quyết có hiệu quả việc huy động 100% HS trong độ tuổi ra lớp, không xảy ra hiện tượng bỏ học. Thực tế cho thấy nơi nào tổ chức việc học cả ngày thì nơi đó thực hiện tốt mục tiêu giáo dục tiểu học và sớm hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục tiểu học”.

Chất lượng nâng cao

Mục tiêu của SEQAP là hỗ trợ chuyển đổi nhà trường từ dạy một buổi sang dạy cả ngày nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục tiểu học. Để thực hiện điều này, chương trình hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức bữa ăn trưa cho HS bán trú. Bắt đầu được triển khai từ năm 2010 tại 11 trường tiểu học, đến nay mở rộng ra 48 trường của 8 huyện miền núi gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nông Sơn và Hiệp Đức. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong 6 năm qua, SEQAP đã hỗ trợ hơn 92 tỷ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, tổ chức cho HS ăn trưa bán trú tại trường. Cạnh đó, còn có hơn 3 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng của tỉnh, huyện.

Đánh giá hiệu quả của SEQAP, ông Nguyễn Tấn Từ - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, sau 6 năm triển khai thực hiện đã giúp cho giáo dục miền núi của tỉnh giảm khá nhiều tỷ lệ HS bỏ học do hoàn cảnh khó khăn; hơn 6.300 HS nghèo, xa nhà được hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú tại trường. Đặc biệt, với việc chuyển sang dạy học cả ngày, chất lượng giáo dục tiểu học miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến rõ nét. “Do điều kiện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, muốn đảm bảo yêu cầu kỹ năng kiến thức các môn học của chương trình cần có giải pháp tăng thời lượng học cả ngày và SEQAP đã đáp ứng nhu cầu đó. Có thể nói, đến nay SEQAP đã đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra khi triển khai tại 48 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đều ra lớp, giảm thấp nhất số HS bỏ học, chất lượng HS khá giỏi tăng từ 23% lên 26,1%, HS yếu giảm từ 10% xuống còn 2,1%. Điều kiện cơ sở vật chất của giáo dục miền núi cũng được đầu tư nâng cấp khang trang” - ông Từ nói.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ