Cùng suy ngẫm về câu chuyện giáo dục
Cả nước từng bàn tán xôn xao câu chuyện một cậu học trò lớp 6 ở TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) bị trả về lớp 1 vì lý do không đủ khả năng tự đọc, tự viết thành thạo các con chữ, thậm chí ngay cả tên của chính mình. Có lẽ sức nóng của dư luận không phải bén lửa bởi tính chất lạ lùng của câu chuyện, lại càng không phải chuyện cậu bé là một dị nhân… mà nó xuất phát từ một căn bệnh đã di căn vào tận xương tủy của ngành giáo dục từ vài chục năm qua “bệnh thành tích”.
Ảnh minh họa |
Bệnh thành tích là bệnh chạy theo thành tích. Biểu hiện cụ thể ra bên ngoài của căn bệnh này là những bản báo cáo được xây dựng công phu, với những con số ảo hoàn hảo, cao ngất ngưởng nhằm đánh lừa người khác để được khen thưởng nhưng lại phản ánh không đúng với thực tế.
Trở lại câu chuyện của cậu bé ở TP.Sóc Trăng. Sau 5 năm miệt mài “kinh sử” với bạn bè cùng trang lứa, cộng thêm sự nâng đỡ của thầy cô trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, đùng một cái cậu phải quay trở lại vạch xuất phát của bậc học tiểu học vì được cho là học sinh ngồi nhầm lớp. Có thể nói, thực tế cậu bé ấy đã ngồi nhầm đến 5 lớp chứ không đơn thuần chỉ ngồi nhầm vào lớp 6. Vả lại các thầy cô đã từng dạy cho cậu bé từ lớp 1 đến lớp 5 không thể không hiểu được khả năng đọc viết của cậu học trò đáng thương này. Chính họ lại càng hiểu rõ hơn ai hết những quyết định của họ về sự lựa chọn hoặc “đẩy lên lớp”, hoặc để cậu bé lưu ban khi năm học kết thúc. Giờ đây cậu bé cũng đã quyết định theo cha ra đồng để tập kế nghiệp mưu sinh. Và chắc cậu cũng chẳng cần quan tâm đến chuyện đi tìm câu trả lời “tại sao lại như vậy?”. Thế nhưng với cậu bé, đây không chỉ là câu chuyện buồn mà còn là một nhát cắt khứa vào ký ức về một thời đi học. Câu chuyện về cậu bé trên con đường đi tìm con chữ lại kết thúc thật chua chát, để lại quá nhiều trăn trở cho những ai đang quan tâm và ngày đêm thao thức với sự nghiệp trồng người.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, trên đỉnh cao vinh quang của sự học, con em của đất Việt đã làm nên những kỳ tích đáng trân trọng, được cộng đồng quốc tế khâm phục và ngưỡng mộ. Nhưng hiện nay, dưới mái trường phổ thông trên cả nước đã, đang và sẽ còn bao nhiêu cô cậu học trò ngồi nhầm lớp? Thế nhưng một thực tế đáng buồn là chẳng được mấy người và ít có tập thể nào mạnh dạn đứng lên phản ánh, đấu tranh với căn bệnh nan y trong giáo dục. Chẳng những thế mà giờ đây các nhà quản lý giáo dục đang tìm cách che đậy sự thật đáng buồn để đổi lấy các danh hiệu nào là trường đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn phổ cập giáo dục - chống mù chữ cấp độ này, cấp độ kia…
Việt Nam đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, đó chính là khát vọng tột cùng của nhân loại “vì một thế giới không ai bị bỏ lại phía sau”. Và dường như mục tiêu về phổ cập giáo dục tiểu học của Việt Nam đã hoàn thành. Những con số hoàn hảo không phải do các cơ quan trung ương tự nặn ra, mà nó bắt đầu được hình thành từ những nhà quản lý trường học. Để sớm đạt được thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, dường như họ “không cho phép” học sinh được lưu ban. Có nơi còn phớt lờ ý kiến tâm huyết của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh, bất chấp dư luận xã hội để giương cao ngọn cờ thành tích, giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia…
Đặc biệt, một nghịch lý đang hiện hữu trong trường học là khi học sinh lớp 1 sau một năm học vẫn chưa thể đọc được các con chữ vẫn cứ “đẩy” lên lớp, trong khi những đứa trẻ được sinh ra có chăng chỉ giống nhau về thời gian mang thai nhưng khả năng phát triển trí não, môi trường gia đình, điều kiện dinh dưỡng của trẻ không hề giống nhau. Cho nên cần phải có thời gian để những trẻ chậm phát triển đuổi kịp những đứa trẻ bình thường. Việc học tập của một con người là không giới hạn. Trường học là nơi đầu tiên trang bị cho trẻ kỹ năng sử dụng thành thạo con chữ, con số sau đó mới học được nhiều điều to lớn hơn. Ví như người nông dân ra đồng trước tiên phải biết sử dụng thành thạo các công cụ lao động, sau đấy mới mơ ước về những vụ mùa bội thu. Vậy, nguyên nhân sâu xa và căn cốt của câu chuyện chính là “căn bệnh thành tích”. Nó đang từng ngày gặm nhấm cái nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà cả xã hội hằng tôn vinh.
Là những ai luôn lao tâm, khổ tứ cho sự học của nước nhà, cần tôn trọng và đồng tình hưởng ứng với quyết định của Ban Giám hiệu Trường THCS Lê Vĩnh Hòa TP.Sóc Trăng. Vì họ chính là những người đã dũng cảm thừa nhận sự thật phũ phàng và không muốn những học sinh như cậu bé trên tiếp tục ngồi nhầm lớp. Với cú sốc về câu chuyện giáo dục ở Sóc Trăng sẽ là hồi chuông thức tỉnh lương tri, trách nhiệm của những nhà quản lý giáo dục trường học, những nhà giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng.
Thật quá muộn để chúng ta nói về điều này, nhưng việc tự đấu tranh với tư tưởng để chấp nhận sự thật và bắt tay ngay vào việc sửa chữa sai lầm kể từ ngày hôm nay mới là điều mong đợi lớn lao của toàn xã hội. Giá trị đích thực của mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục nhất thiết phải được xây dựng vững chắc từ những viên gạch đầu tiên, để thật sự không còn ai bị bỏ lại phía sau.
BÙI THẮNG LỢI