An toàn với internet

XUÂN THỌ 02/11/2016 08:37

Đó là chủ đề của buổi tọa đàm - chia sẻ vừa được Câu lạc bộ Không gian đọc Hội An (thuộc Trường Đại học Phan Châu Trinh) phối hợp với Trường THPT Trần Quý Cáp (TP.Hội An) tổ chức vừa qua.

Toàn cảnh buổi tọa đàm - chia sẻ. Ảnh: XUÂN THỌ
Toàn cảnh buổi tọa đàm - chia sẻ. Ảnh: XUÂN THỌ

Nhạc sĩ (NS) Tuấn Khanh, thạc sĩ Lê Viết Chung - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ThS. Nguyễn Thanh Thúy - Chủ tịch Hội quán các bà mẹ… đã có những trao đổi, chia sẻ, định hướng bổ ích cho các sinh viên và học sinh về cách sử dụng internet an toàn.

Thế giới phẳng đầy… “ổ gà”

Mở đầu buổi tọa đàm - chia sẻ, các khách mời chia sẻ rằng, cuốn “Thế giới phẳng” (tên tiếng Anh là The world is flat) của nhà báo người Mỹ Thomas Lore Friedman viết cách đây hơn 10 năm nói về thế giới đang phẳng bởi tính toàn cầu hóa, mà internet là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nắm giữ chìa khóa để khởi động và điều hành cổ máy khổng lồ ấy. Giữa năm 2014, Thomas L.Friedman có chuyến thăm Việt Nam, và ông thú nhận rằng là “thế giới đang phẳng” chứ không phải “thế giới đã phẳng rồi” như mình đã viết. Đồng thời nhà báo kỳ cựu này cũng dự đoán, trong 10 năm tới, sự chênh lệch về trình độ công nghệ và internet trên thế giới sẽ bị san phẳng; và nếu ai đó đứng yên, sẽ bị cả thế giới bỏ lại. Trong cuốn sách của mình, internet là thứ mà Thomas L.Friedman đề cập nhiều nhất: nhờ nó mà người Ấn làm thuê cho người Mỹ hay những nước khác, mà không cần phải dùng đến hộ chiếu; nhờ internet mà một nội trợ, hay nhân viên văn phòng có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận thêm một hoặc thậm chí là nhiều công việc…

Tại buổi tòa đàm - chia sẻ, các khách mời nói về sự kiện Internet Day (SID). Đây là một sự kiện toàn cầu được khởi xướng tại châu Âu vào năm 2004 và đến nay đã được đón nhận tại 114 quốc gia với sự tham gia của chính phủ cũng như các công ty công nghệ hàng đầu. Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng  (Live & Learn) - một tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam - đang phối hợp với The SecDev Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận của Canada chuyên về bảo mật online - triển khai dự án SID tại Việt Nam nhằm cung cấp cho bạn trẻ những kỹ năng cần thiết để sử dụng internet an toàn cũng như bảo vệ thông tin cá nhân khỏi hacker và các mối nguy khác từ internet. Dự án đã khởi động với các hoạt động như tổ chức cuộc thi “Online đúng cách - Không lo bị hack” trên facebook. Tổ chức chuỗi sự kiện tại một số trường học trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre và Cần Thơ; xây dựng trang web chia sẻ kiến thức về an toàn internet.

Tất nhiên, đối với chúng ta bây giờ, hình thái công việc ấy không còn quá xa lạ. Nhưng thử hỏi, chúng ta sẽ nghĩ gì về nó vào một thập kỷ trước? Và ở một thập kỷ trước, khi internet đang làm thế giới trở nên phẳng hơn, thì cũng là lúc nó bắt đầu xuất hiện các… “ổ gà”. Ở thời đại internet bùng nổ, thì “ổ gà” không những nhiều mà còn… khá to, trở thành những cái bẫy chết người khi chúng ta chủ quan trên mặt phẳng. “Ổ gà” vừa đề cập, đó chính là những rủi ro ở không gian mạng, là virus, spam, malware…, giăng đầy để chực chờ tấn công người dùng. Nếu như internet là cỗ máy quan trọng nhất giúp… san phẳng thế giới, thì mạng xã hội, mà đại diện tiêu biểu là facebook chính là động cơ chủ lực đẩy mạnh tiến trình này. Với facebook, có 2 mặt tích cực - tiêu cực, vì ở trên thế giới phẳng nên khó được nhận diện, do đó, hiệu quả - hậu quả luôn đồng hành với nhau bất cứ lúc nào.

Tại buổi tọa đàm, ở phần trò chơi, các bạn học sinh - sinh viên được tiếp cận với những kiến thức mà từ đó sẽ biết được nên hay không bấm vào những link được mời gọi… Lời khuyên được đưa ra là, nếu không chắc chắn đó là link “sạch”, thì hãy nhấc máy gọi hoặc nhắn tin hỏi phải chính chủ nhân của facebook đó vừa chia sẻ điều gì cho mình hay không; còn nếu đó người lạ, hoặc chỉ là… bạn trên facebook, thì tốt hơn hết là bỏ qua link ấy. Khi được tích lũy dần những kinh nghiệm ứng xử trên internet (hay facebook), chúng ta sẽ dần trở nên an toàn hơn khi hòa nhập vào thế giới phẳng này.

Facebook - 2 bộ mặt  đối lập

Đối tượng được hướng đến trong buổi tọa đàm - chia sẻ là học sinh sinh viên nên vấn đề an toàn với internet được khu biệt ở cách sử dụng facebook. Ngoài những cạm bẫy được giăng đầy ở mạng xã hội, mà cụ thể ở đây là về công nghệ, thì chính những thứ chúng ta đăng tải hằng ngày, bằng nhiều cách khác nhau, ranh giới giữa hiệu quả và hậu quả rất mong manh. Thậm chí, trong sự trỗi mạnh của tâm lý đám đông luôn áp đặt cái nhìn tiêu cực, thì cái tốt thường “được” lướt qua và hẳn nhiên, những chấn thương về tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Về vấn đề này, ThS. Chung đưa ra 2 tình huống, để từ đó nhắn gửi các em nên hay không nên đăng gì.

ThS. Chung khuyên học sinh sinh viên cần cân nhắc kỹ trước khi đăng gì đó lên facebook.  Ảnh: XUÂN THỌ
ThS. Chung khuyên học sinh sinh viên cần cân nhắc kỹ trước khi đăng gì đó lên facebook. Ảnh: XUÂN THỌ

Tình huống được đưa ra là: có một học sinh tranh cãi với thầy giáo dạy toán về kết quả của một bài toán, bởi 2 người đưa ra 2 kết quả khác nhau. Ấm ức, học sinh bèn đăng nội dung sự việc, bài toán và 2 kết quả lên facebook. Tình huống 2: một chàng trai và cô gái vừa mới có tình cảm, dắt nhau đi chơi, chụp hình, rồi về chàng trai đăng hình lên facebook để… khoe mình có người yêu. Câu hỏi cho cả 2 tình huống trên là, đăng facebook như vậy là đúng hay sai?

Ở cả 2 tình huống trên, sau khi nghe các bạn học sinh sinh viên đưa ra và phản biện cho nhận định của mình, ThS. Chung khuyên rằng cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng lên facebook, nhất là những vấn đề liên quan đến người khác. Như ở tình huống 1, học sinh cần phải biết kiềm chế tính hiếu thắng của mình, bởi nếu như kết quả mà học sinh này thu được từ các anh chị khóa trên ở facebook không như mình mong muốn, thì sẽ dễ bị tổn thương về tâm lý; còn ngược lại, chẳng khác gì cậu học sinh này “đẩy” thầy giáo của mình vào vũng lầy mang tên “thầy giáo dạy dốt”. Còn ở tình huống thứ 2, lời khuyên được ThS. Chung đưa ra là, nên hỏi ý kiến bạn gái có đồng ý để mình đăng hình lên facebook hay không. Đồng thời ThS. Chung cũng gợi ý các bạn dành thời gian, sử dụng facebook một cách hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học hành; hay làm việc nhóm, thảo luận nhóm trên facebook…

Đừng run sợ trước internet

NS Tuấn Khanh cho rằng internet xuất hiện ở Việt Nam như là một phép màu, thông qua các trạm tìm kiếm khổng lồ, mà quen thuộc nhất là Google, chúng ta dễ dàng tìm kiếm, kiểm chứng những thứ đang hoài nghi. Về 2 tình huống mà ThS. Chung đưa ra để học sinh, sinh viên thảo luận, NS Tuấn Khanh cho rằng câu trả lời của các em mang tính áp dụng những bộ quy tắc được dạy để áp dụng với một tình huống, chứ không phải là những quy tắc sát sườn theo từng vấn đề. Theo vị NS này, mỗi một xã hội, trong một thập niên, một giai đoạn đều có một sự chuyển động về “những giao thức thường thức giữa con người với nhau”. Và trong thời điểm này, khi văn hóa cộng đồng gắn liền với mạng xã hội, thì chỉ có đạo đức cá nhân kết hợp với đạo đức cộng đồng, đi liền với sự thật và lẽ phải thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề an toàn trên internet.

Từ đó, NS Tuấn Khanh lấy việc MC Phan Anh kêu gọi từ thiện trên facebook vừa rồi làm chủ đề thảo luận xoay quanh việc anh này làm như thế là đúng hay sai. Cần biết, sự việc Phan Anh kêu gọi từ thiện thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận và phần nhiều, ý kiến thiên về ủng hộ Phan Anh; một số ít dè dặt, thậm chí còn “cảnh cáo” Phan Anh có thể… vi phạm pháp luật vì làm từ thiện từ số tiền mà mình kêu gọi được. Sau đó, NS Tuấn Khanh gợi mở cho các bạn biết phải nhìn nhận mọi vấn đề trên mạng xã hội qua “đạo đức cá nhân kết hợp với đạo đức cộng đồng, đi liền với sự thật và lẽ phải”. Chỉ khi nào chúng ta ứng xử trên mạng xã hội với cái nhìn đầy đủ như thế, thì hẳn nhiên sẽ đúng.

NS Tuấn Khanh cũng như các khách mời khác cho rằng không nên run sợ trước mạng xã hội, mà cần phải bình tĩnh đón nhận, học cách ứng xử hợp lẽ với nó, mà mở rộng hơn là internet. Bởi internet là công cụ cần thiết để chúng ta kết nối với thế giới, giúp chúng ta không tụt hậu. ThS. Huỳnh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quý Cáp cho rằng những kiến thức mà các khách mời vừa chia sẻ, rất hữu ích với học sinh của trường, và mong rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn những buổi tọa đàm - chia sẻ như thế này…

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ