Lo lắng ở vùng chờ giải tỏa

PHAN VINH 01/11/2016 09:21

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở xã Hương An (Quế Sơn) nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa của Khu công nghiệp Đông Quế Sơn luôn mong ngóng được di dời đến nơi tái định cư bởi đời sống hiện tại gặp nhiều khó khăn.

Trăm bề lo lắng

Dù đã ở tuổi 88 nhưng bà Huỳnh Thị Đãi (thôn 4, xã Hương An) lại phải sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Căn nhà được xây bằng vôi đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, các đòn đông, đòn tay cũng đã bị mục và có thể gãy bất cứ lúc nào. Nhà bà Đãi nằm trong diện quy hoạch của Khu công nghiệp Đông Quế Sơn. Các thủ tục đo đạc, bồi thường nhà ở cũng như đất đai đã hoàn tất từ năm 2011 nhưng đến nay bà vẫn chưa được di dời đến khu tái định cư mới. Cũng vì chờ được di dời mà bao năm qua, bà phải thấp thỏm sống trong căn nhà đã xuống cấp này mà không dám tu sửa hoặc xây mới. Tương tự hoàn cảnh của bà Đãi nhưng ông Phan Thành Lập (46 tuổi, thôn 4, xã Hương An) lại không dám ở trong căn nhà của mình. Cuối tháng 6 vừa rồi, vì sợ nhà sụp trong mùa mưa bão nên ông đã dựng một cái trại nhỏ sát bên nhà để ở. “Căn nhà tôi bây giờ chỉ dùng để thờ cúng ông bà và chứa nông sản chứ không ở được. Mỗi lần mưa gió là cả nhà mang thau, chậu ra hứng nước. Cái cảnh ở không được mà đi cũng không xong như thế này khiến gia đình tôi khổ mấy năm nay rồi” - ông Lập nói.

Nhiều hộ dân diện di dời Khu công nghiệp Đông Quế Sơn phải sống trong căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều hộ dân diện di dời Khu công nghiệp Đông Quế Sơn phải sống trong căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PHAN VINH

Hộ ông Lập có 1.200m2 đất thổ cư và 2.000m2 đất canh tác hoa màu. Năm 2013, ông đã nhận được 430 triệu đồng tiền bồi thường và phải giải tỏa trắng. Thu nhập của gia đình ông Lập chủ yếu dựa vào việc trồng sắn và khoai môn trên phần đất canh tác của mình. Nhưng sắp tới, di dời đến nơi tái định cư mới cũng là lúc ông không còn đất sản xuất. Ông Lập chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều người dân ở đây, hoàn toàn sống nhờ vào làm nông. Làm gì cũng gắn với cái cày, cái cuốc nhưng lên chỗ ở mới họ không cấp đất sản xuất nữa, chúng tôi biết làm cái gì mà sống đây? Nếu đã di dời chỗ ở của chúng tôi thì mong rằng các cấp chính quyền cũng quan tâm đến vấn đề việc làm của bà con nơi đây nữa”.

Trông đợi vào các nhà đầu tư

Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép bổ sung quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Đông Quế Sơn từ 211ha lên 457,72ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước đến năm 2020. Đây là nơi thu hút đầu tư các ngành như: công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp lắp ráp điện tử; sản xuất chế biến nông, lâm, thực phẩm, công nghiệp gia công chế biến hàng xuất khẩu…

Dự án Khu công nghiệp Đông Quế Sơn được thành lập vào năm 2000 trên diện tích 211ha thuộc địa phận thôn 4, 5, xã Hương An. Sau nhiều thay đổi, đến nay, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Quế Sơn làm chủ đầu tư dự án. Trong hồ sơ quy hoạch khu công nghiệp, có khoảng hơn 30 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời, giải tỏa để nhường phần đất lại cho khu công nghiệp. Tổng kinh phí bồi thường hơn 11 tỷ đồng. Hiện đã có nhiều hộ nhận tiền bồi thường và một số hộ chưa đồng ý. Ông Trương Đức (73 tuổi, thôn 4, xã Hương An) có 2.448m2 đất thổ cư và 2.412m2 đất canh tác lúa, hoa màu nhưng trong hồ sơ chi tiết ông chỉ được quy định nhận 360 triệu đồng. Vì cho rằng số tiền quá ít và không đủ để xây nhà mới nếu dời lên khu tái định cư nên ông đã không đồng ý nhận số tiền nêu trên.

Tháng 9.2016, UBND huyện Quế Sơn đã tiến hành khởi công công trình khu tái định cư cho người dân thuộc diện di dời, giải tỏa trong quy hoạch của Khu công nghiệp Đông Quế Sơn. Theo đó, khu tái định cư thuộc thôn 5, xã Hương An với diện tích 4,5ha. Dự kiến, đến tháng 5.2017 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Cảnh Năm - Chủ tịch UBND xã Hương An cho biết, hiện vẫn còn một vài hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường để di dời sang khu tái định cư. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ này đồng ý nhận tiền và di dời để sớm nhường phần đất đó lại cho khu công nghiệp tiếp tục san ủi mặt bằng và thu hút đầu tư. “Hiện nay, trong chính sách bồi thường cho các hộ dân ở vùng dự án được giải tỏa trắng để làm khu công nghiệp thì có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm để người dân ổn định đời sống sau khi đến nơi ở mới. Tuy nhiên, về phía chính quyền xã Hương An, chúng tôi sẽ đề nghị các công ty đầu tư vào khu công nghiệp ưu tiên nhận lao động là người địa phương vào làm việc để tránh việc có đất nhưng rỗi nghề” - ông Năm cho biết thêm.

PHAN VINH

PHAN VINH