Về đâu làng nghề truyền thống Đại Lộc
Các làng nghề truyền thống ở Đại Lộc vẫn loay hoay tìm hướng đi để tồn tại trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Cũng như nhiều địa phương khác, câu chuyện bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Đại Lộc đầy nan giải.
Khó đầu ra
Làng hương Phú Lộc, thôn Phú Lộc (xã Đại An) là một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời. Sản phẩm của làng không chỉ phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn Quảng Nam mà còn được đưa đi tiêu thụ ở TP.Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, vài năm nay làng hương đã trở nên vắng vẻ, thưa thớt kẻ bán người mua. Ông Ngụy Sử - một người làm hương lâu năm trong làng chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống do ông bà truyền lại cũng mấy trăm năm rồi. Hồi trước làm hương bằng thủ công cực khổ lắm nhưng đầu ra thuận lợi. Bây giờ tuy áp dụng máy móc sản phẩm làm ra tăng gấp nhiều lần nhưng lại bán không chạy”. Suốt thời gian dài, ngoài nông nghiệp, nghề làm hương vẫn là nguồn thu nhập chính của hơn 160 hộ gia đình trong thôn, nhưng nay chỉ còn 5 hộ duy trì mà cũng chỉ có 2 hộ làm thường xuyên. Một trong những nguyên nhân khiến nghề làm hương ở Phú Lộc lao đao là thiếu nguồn nhân lực, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là sản phẩm không có khả năng cạnh tranh trên thị trường khiến thương hiệu hương Phú Lộc dần mất bóng.
Những bếp lò rèn thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh ngày càng ít dần. Ảnh: MINH PHƯỜNG |
Cách Phú Lộc không xa là thôn Thạnh Phú (xã Đại Chánh), nơi một thời nổi tiếng với các sản phẩm từ nghề rèn. Nếu không được giới thiệu trước, chẳng ai nghĩ “làng lò rèn” thôn Thạnh Phú một thời đỏ lửa nay đìu hiu đến vậy. Lúc hưng thịnh, hầu như cả thôn đều sống nhờ nghề rèn. Nhưng bước vào những năm đầu thế kỷ 21 làng nghề bắt đầu gặp khó khăn. Đến nay, trong số 395 hộ dân của thôn chỉ còn khoảng 8 hộ tiếp tục theo nghề. Cũng như làng hương, sản phẩm làng rèn Thạnh Phú đã lép vế hoàn toàn trước nhiều sản phẩm được sản xuất bằng máy móc bền chắc, mẫu mã đẹp, giá thành thấp đang tràn ngập thị trường. “Ngày xưa, làm nghề này tuy cực nhưng có đồng tiền. Nay thì ế ẩm lắm nên bà con bỏ nghề để tìm việc khác có thu nhập hơn. Bây giờ, có khách đến đặt hàng mình kiếm được 100 - 150 nghìn đồng/ngày là quý lắm rồi” - ông Trương Bảy, người đã gắn liền với búa, với đe hơn 50 năm nói. Không có khách hàng, làng nghề cũng leo lắt như ánh lửa tàn lò.
Một làng nghề khác khá nổi tiếng của Đại Lộc cũng đang “vật vã” tồn tại là nghề trống Lâm Yên (thôn Ấp Nam, xã Đại Minh), hiện cũng chỉ còn 10 hộ duy trì sản xuất. Ông Ngô Tân người có kinh nghiệm làm trống hơn 25 năm cho biết: “Trước năm 2010, khách đến tận nhà đặt trống. Mỗi nhà dù có 3, 4 nhân công vẫn làm không kịp hàng cho khách lấy. Bây giờ, thỉnh thoảng dịp lễ, tết, mùa khai trường người ta mới đến đặt một vài cái trống”. Theo ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, có 2 lý do khiến làng nghề suy tàn, một là sản phẩm không có đầu ra nên nhiều hộ bỏ nghề. Thứ hai, các nghệ nhân có tay nghề hầu hết đã lớn tuổi hoặc qua đời, còn lớp trẻ thì không mấy mặn mà theo nghề, nên chỉ những ai quá tâm huyết với nghề trống mới còn bám trụ lại. “Làm thủ công như dân mình thì khó thể cạnh tranh với các cơ sở làm trống khác, hiện đã xuất hiện đầy dọc quốc lộ 1. Họ đầu tư máy móc, kỹ thuật hiện đại nên chiếc trống làm ra tinh xảo, hình thức bắt mắt, giá cả lại rẻ, dù chất lượng không bằng trống của làng Lâm Yên. Nhưng ngày nay hầu hết khách hàng chỉ để ý đến mẫu mã chứ mấy ai lưu tâm đến chất lượng” - ông Năm nói.
Loay hoay tìm hướng đi
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đại Lộc hiện có khoảng 10 làng nghề thủ công như: rèn, bánh tráng, làm hương, mây tre đan... Hầu hết đều có lịch sử lâu đời và từng một thời “vang bóng” khắp vùng. Bên cạnh các nguyên nhân như thị hiếu, thị trường khách thay đổi, sự quay lưng của lớp trẻ với nghề…, thì một thực tế là đa số hộ làng nghề đều có quy mô nhỏ lẻ, mẫu mã đơn điệu, thiết bị kỹ thuật lạc hậu do không được đầu tư dẫn đến khó cạnh tranh với sản phẩm nơi khác. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ các cấp ngành chuyên môn vẫn còn hạn chế. Hầu hết, cơ sở sản xuất, hộ dân các làng nghề ít nhận được sự giúp đỡ về thị trường và kỹ thuật, công nghệ máy móc phù hợp nhằm giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ người dân vay đầu tư phát triển làng nghề từ phía Nhà nước vẫn chưa được triển khai rộng rãi và phù hợp đến người dân…
Ông Phan Hành - Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đại Lộc cho biết, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống đang là mục tiêu quan tâm của huyện. Từ năm 2015, Phòng Kinh tế và hạ tầng đã xây dựng đề án, triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân làm nghề trong huyện như trang bị máy làm hương, máy sấy bánh tráng, máy cuốn rơm, thiết bị làm trống… với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư xây dựng website quảng bá sản phẩm làng rau sạch Bàu Tròn (Đại An) và nhiều sản phẩm làng nghề khác. Đặc biệt, UBND huyện ban hành chính sách hỗ trợ 100% tiền giao hàng, chi phí vận chuyển cho các hộ sản xuất sản phẩm truyền thống trong quá trình tham gia hội chợ, triển lãm tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, chừng đó vẫn không thể “giữ chân” được các hộ dân làm nghề và yên tâm theo nghề. “Cái khó nhất của làng nghề là không tìm được thế hệ kế thừa, vì lợi nhuận sản phẩm làm ra thấp nên không còn thu hút người dân như trước. Mặt khác, hầu hết thiết kế sản phẩm các làng nghề còn đơn điệu, chưa sáng tạo ra được mẫu mã mới mang tính cạnh tranh. Trong khi, hàng hóa sản xuất trên thị trường ngày càng đa dạng, tinh xảo, giá cả phù hợp… cũng khiến sản phẩm làng nghề Đại Lộc lép vế, nên để duy trì phát triển làng nghề thật sự là một bài toàn khó của địa phương hiện nay” - ông Hành nói.
MINH PHƯỜNG - GIA KHANG