Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp: Tìm hướng nâng hiệu quả hoạt động
Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm tìm hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn (HĐTV) và Ban tư vấn (BTV) Mặt trận các cấp.
Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc tổ chức và duy trì hoạt động của các HĐTV, BTV đã được tăng cường, trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò, vị thế của Mặt trận. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Bùi Thị Thanh, do số lượng, tên gọi, thành phần, chế độ chính sách và phương thức tổ chức hoạt động của HĐTV và BTV ở mỗi địa phương khác nhau khiến cho hiệu quả hoạt động chưa cao. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào tìm được mô hình phù hợp, nhằm phát huy tốt nhất vai trò hoạt động của HĐTV và BTV Mặt trận các cấp trong thời gian đến.
Không nên áp đặt, rập khuôn
Tham dự tọa đàm, lãnh đạo Mặt trận và đại diện các HĐTV đến từ 7 tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng thống nhất cho rằng, việc thành lập HĐTV của Mặt trận cấp tỉnh là rất cần thiết. HĐTV đã góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của mặt trận, đặc biệt là công tác giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc thành lập bao nhiêu HĐTV, tên gọi của từng HĐTV như thế nào thì không nên áp đặt, rập khuôn, mà phải tùy vào đặc điểm, điều kiện và nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Vấn đề “nên hay không nên thành lập Ban tư vấn của Mặt trận cấp xã” nhận được nhiều sự quan tâm góp ý tại buổi tọa đàm. Ảnh: V.ANH |
Theo ông Lê Xuân Hạc - Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải thành lập HĐTV giống nhau; về tên gọi, số lượng bao nhiêu là tùy thuộc vào tình hình địa phương của tỉnh đó. Giả sử ở một địa phương phát triển mạnh về ngành công nghiệp nặng thì ở đó cần thiết phải thành lập HĐTV về môi trường; còn những nơi khác, tùy điều kiện thực tế mà thành lập HĐTV phù hợp… Ông Hạc cũng kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nên sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Điều lệ Mặt trận nhằm làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của HĐTV. Đồng thời giữa Mặt trận và HĐTV phải có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra kế hoạch, nội dung triển khai hoạt động tư vấn cụ thể, sát thực tiễn cho toàn khóa và từng năm.
Góp thêm ý kiến về vấn đề trên, ông Hoàng Ngọc Thanh - Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Nên chọn lựa, cơ cấu thành viên HĐTV, BTV là thành viên của Mặt trận, phải nhiệt tình, hào hứng trong hoạt động, chứ không nhất thiết phải cơ cấu người đứng đầu sở, ngành”. Ông Nguyễn Tiên Chi - Chủ nhiệm HĐTV kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum đề nghị: “Số lượng HĐTV cấp tỉnh chỉ cần từ 7 đến 9 thành viên là vừa. Về tên gọi, không nên đặt ra nhiều để tránh gây sự phân tán, chỉ nên tập trung vào 3 HĐTV chính gồm: dân chủ - pháp luật, kinh tế - xã hội, dân tộc - tôn giáo. Thành viên cũng vậy, không cần nhiều, chỉ cần chất lượng; nên mở rộng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia ở từng lĩnh vực, từng địa bàn dân cư”.
Không cần thiết có BTV cấp xã
Đến nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành lập được 7 HĐTV; cấp tỉnh có 169 HĐTV và cấp huyện có 605 BTV. Riêng tại Quảng Nam, ở cấp tỉnh đã thành lập 4 HĐTV (gồm: tôn giáo - dân tộc, đối ngoại nhân dân, dân chủ - pháp luật, kinh tế - xã hội), cấp huyện có 33 BTV. |
Nhiều đại biểu góp ý cho rằng hoạt động tư vấn cần phải chủ động hơn, cả ở phía Mặt trận lẫn các HĐTV, BTV. Hàng năm, Mặt trận phải chủ động “đặt hàng” với các HĐTV, BTV về những nội dung cần tư vấn, giám sát, phản biện; ngược lại, HĐTV, BTV cũng cần đề xuất, tham mưu với Mặt trận những nội dung tư vấn, giám sát để Mặt trận xin ý kiến Tỉnh ủy, từ đó đưa vào kế hoạch công tác hàng năm, có như vậy hoạt động tư vấn mới mang lại hiệu quả. Ông Lê Quang Thức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi nói: “Theo tôi, Ban Thường trực Mặt trận phải có trách nhiệm định hướng nội dung tư vấn, giám sát và phản biện. Hoạt động tư vấn nên “xâu” đầu mối, cần xây dựng chương trình giám sát báo cáo với Tỉnh ủy, để tránh trùng lắp, chồng chéo. Mặt trận cũng cần có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy “đặt hàng” về nội dung tư vấn, giám sát theo từng năm khi đó mới có kế hoạch giao cho HĐTV chủ động thực hiện”. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Võ Xuân Ca cho rằng, nếu Mặt trận không giao việc, không tìm đến HĐTV thì hoạt động tư vấn không phát huy hiệu quả, bởi HĐTV được thành lập là để giúp việc, tham mưu, tư vấn cho Mặt trận.
Vấn đề “nên hay không nên thành lập BTV của Mặt trận cấp xã” cũng đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Có đại biểu bày tỏ lo lắng, liệu việc thành lập các BTV của Mặt trận cấp xã có làm “phình” thêm bộ máy dưới cơ sở. Theo số liệu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, đến nay cả nước có 3.256 BTV của Mặt trận cấp xã ở 29/63 tỉnh, thành phố, với 20.715 thành viên. Trong đó, tại Quảng Nam đã thành lập được 175 BTV Mặt trận cấp xã với 898 thành viên. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Võ Xuân Ca nói: “Thực tiễn từ Quảng Nam cho thấy, chưa cần thành lập BTV cấp xã. Bởi, ở cấp xã, Mặt trận chủ yếu làm công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện, triển khai chủ trương từ cấp trên. Do đó nên chăng chỉ thành lập BTV cấp huyện, còn ở cấp xã nếu cần đến hoạt động tư vấn thì huyện có thể giúp đỡ”. Theo ông Võ Xuân An - Chủ nhiệm HĐTV dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, đối với việc nên hay không nên thành lập HĐTV, BTV không quan trọng bằng việc phải chọn được con người có trách nhiệm. Không nên “ép” những ai không muốn làm thành viên, cũng không nên chọn người không có tâm, thiếu tầm vào các HĐTV và BTV…
Tổ chức và hoạt động của HĐTV Mặt trận cấp tỉnh HĐTV là tổ chức hoạt động không chuyên trách của Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, có chức năng tư vấn giúp Ban Thường trực, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh những nội dung liên quan đến các lĩnh vực hoạt động, công tác mặt trận. HĐTV bao gồm một số Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, một số chuyên gia, người làm công tác lãnh đạo, quản lý (đương chức và nghỉ hưu) trên các lĩnh vực có liên quan đến nội dung hoạt động của hội đồng và tự nguyện tham gia hoạt động tư vấn của hội đồng. |
VINH ANH