"Phim trường" tư nhân

HỨA XUYÊN HUỲNH 30/10/2016 10:35

Thay vì vất vả săn lùng ngoại cảnh hoặc vào thuê tại các phim trường hoành tráng, một số đoàn làm phim bắt đầu dò tìm những điểm du lịch hấp dẫn để hợp tác bấm máy. Không gian nhà Việt Nam (Vinahouse Space) ở Quảng Nam đã trở thành một “phim trường” tư nhân thú vị vì sở hữu nhiều kỷ lục quốc gia…

Một góc máy đẹp khi thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Gia đình vui vẻ” tại Vinahouse Space. (ảnh: vinahouse cung cấp)
Một góc máy đẹp khi thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Gia đình vui vẻ” tại Vinahouse Space. (ảnh: vinahouse cung cấp)

“Ở trọ” một tháng rưỡi

Ê kíp làm phim “Tuổi thanh xuân 2” vừa đóng máy và nối dài thêm các dự án phim lấy bối cảnh từ Vinahouse Space, không gian đặc trưng sở hữu 5 kỷ lục quốc gia do Tổ chức kỷ lục VietKings xác lập (bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất, ngôi nhà sinh thái lợp bằng gáo dừa lớn nhất, nhà tranh tre thuần Việt cổ nhất, nhà tam gian tứ hạ nhiều cột nhất, hồ khảm sành sử dụng đĩa cổ thời Nguyễn nhiều nhất). Dự án phim dự tính lên đến 38 tập và phát trên VTV3 càng thú vị vì có “dấu ấn” hợp tác của đoàn làm phim Hàn Quốc.

Lê Văn Vĩnh, ông chủ trẻ của Vinahouse Space tỏ ra thích thú với kiểu “hợp tác” này. Hình thức Product Placement (PPL, tức là các cảnh tại Vinahouse Space sẽ xuất hiện trong phim) được đôi bên thỏa thuận xem ra khá thoải mái, trong khi cảnh trí nơi đây cũng hấp dẫn đạo diễn lẫn diễn viên. Nhiều người khi rời Vinahouse Space còn… làm cả một clip để tải lên Facebook cá nhân như một hình thức cảm ơn “gia chủ”.

“Chia” khu vực đóng phim và tham quan

Trong một không gian không rộng lớn, với lượng du khách 500 - 700 lượt/ngày (cao điểm lên đến 2.000 lượt khách/ngày, chưa kể cả trăm nhân viên phục vụ), Vinahouse Space phải tính toán để không ảnh hưởng kế hoạch quay phim. Theo anh Lê Văn Vĩnh, vào thời điểm đoàn làm phim bấm máy, anh phải lập kế hoạch hay phân chia các khu vực đón du khách để hỗ trợ phục vụ tối đa cho “phim trường”.

“Tuổi thanh xuân 2” là dự án phim mới nhất đặt chân đến thị xã Điện Bàn trong năm 2016, nhưng không phải là dự án phim dài nhất. “Táo quân ở trọ”, cũng quay tại  phim trường Vinahouse, mới có độ dài khủng khi dự kiến phát 100 tập (mỗi tập 30 phút) trên kênh phim hài SCTV1. Đây là bộ phim thuộc thể loại sitcom (hài kịch tình huống), khởi quay hồi tháng 6.2016 với sự góp mặt của các danh hài Chí Tài, Kiều Oanh và ca sĩ Tim. Phim này cũng đang giữ kỷ lục về thời gian “đóng đô” tại Vinahouse, khi đoàn làm phim “ở trọ” suốt 45 ngày dù kế hoạch ban đầu chỉ định quay trong vòng 30 ngày, khác với nhiều dự án quay vội vã rồi đi tiếp cứ như… chạy show.

Phải đợi đến đầu năm 2017, “Táo quân ở trọ”  lẫn “Tuổi thanh xuân 2” mới phát sóng khiến ông chủ Vinahouse Space rất háo hức. Từng xem những cảnh quay tại không gian nhà cổ phát trong phim “Mỹ nhân”, Lê Văn Vĩnh tỏ ý hài lòng với hình ảnh của Vinahouse Space trên màn ảnh. Hãng phim Giải phóng đã đưa đoàn phim đến quay tại đây trong vòng 20 ngày bắt đầu từ cuối tháng 9.2014, với dàn diễn viên quen thuộc như Triệu Thị Hà, Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền…

Tạo thương hiệu cho phim trường

Chị Lê Thị Kim, hướng dẫn viên tại Bảo tàng nhà cổ Việt Nam của Vinahouse Space, kể rằng khu vực hồ khảm sành sử dụng hơn 5.000 chiếc đĩa cổ thời Nguyễn là nơi các diễn viên ăn vận theo lối cổ trang đóng phim “Mỹ nhân” thực hiện rất nhiều cảnh quay. Ngay tại hồ nước độc đáo này, chị Kim cũng từng làm “người mẫu ảnh” khi chúng tôi thực hiện ghi hình 5 kỷ lục quốc gia ở Vinahouse...

Danh sách khách hàng của không gian nhà cổ này ngày càng dài ra. Ngoài các đài truyền hình trong nước như VTV làm phim tài liệu “Về mái nhà xưa” hồi năm 2010, QRT quay cảnh nhà cổ, làng nghề truyền thống hay ngoại cảnh cho các video ca nhạc…, một số đài truyền hình Pháp, Bỉ cũng đã đặt chân đến. Các đạo diễn tìm thấy tại đây rất nhiều sự tiện lợi, thậm chí chỉ cần mang theo máy quay chứ không phải chạy đôn đáo tìm cảnh phù hợp và lo ăn nghỉ cho hàng chục thành viên. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy ở vùng nông thôn Quảng Nam lại có một không gian thú vị như vậy. “Khu vườn với các ngôi nhà cổ truyền là nơi các đạo diễn rất ưng ý. Không phải nơi đâu cũng có sẵn bảo tàng nhà cổ, lưu giữ được không gian văn hóa các vùng miền. Chúng tôi không sở hữu một không gian rộng lớn, nhưng lại sẵn dịch vụ ăn uống, khu chế tác làng nghề. Đâu dễ dàng tìm thấy các nhà cổ với hoàn chỉnh nội thất, nhà lá nón sinh thái độc lạ như thế!” - anh Lê Văn Vĩnh tự tin.

Theo dõi các đoàn làm phim vác máy đến quay, mới thấy những chi tiết lặt vặt kiểu như sẵn địa điểm có thể ăn nghỉ cho 50 - 60 người, nhiều góc máy đắt giá trong một không gian nhỏ chẳng khác nào “phim trường” hoàn chỉnh… trở nên cần thiết đến mức độ nào. Họ không phải lo chọn ngoại cảnh, tìm phục trang, dựng cảnh quay… vì nơi đây có sẵn các công trình văn hóa phục dựng của cả 3 miền, nhiều trang thiết bị có thể sử dụng làm phục trang, đặc biệt là có các khu chức năng phong phú (văn hóa ẩm thực, làng nghề, mua sắm, bảo tàng). Thậm chí, có cả không gian chăn nuôi bò để mổ thịt làm món bê thui Cầu Mống danh tiếng. Bằng nhiều cách, các đoàn tiền trạm biết về Không gian nhà Việt Nam của Lê Văn Vĩnh và đến khảo sát, khi hoàn toàn ưng ý cho các cảnh quay thì hai bên ngồi lại đàm phán. Bản hợp đồng về “phim trường tư nhân” này cũng không thể dễ chịu hơn, khi bên B “cung cấp không gian cho bên A làm bối cảnh” mà không đặt vấn đề tài chính. Chỉ đổi lại, phim thực hiện các cảnh quay đúng nội dung kịch bản, có lồng ghép các sản phẩm dịch vụ của Vinahouse một cách hợp lý theo logic của kịch bản – điều mà khán giả vẫn thường thấy trên phim truyền hình. Hình ảnh của không gian nhà cổ cũng sẽ “theo” các tập phim quảng bá gián tiếp. Ông chủ Vinahouse Space tâm sự bước đầu chỉ dừng ở mức độ hợp tác như vậy, sau này khi đã có thương hiệu rộng rãi về “phim trường” rồi tính tiếp.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH