Gánh mỳ qua nửa thế kỷ

NHƯ TRANG 30/10/2016 07:37

Mấy chục năm qua, người ở làng Triêm Nam dường như quen thuộc với quang gánh của món ăn này: mỳ Phú Chiêm. Ấy là bởi người cùng gánh cứ rong ruổi khắp nẻo đường quê.

Cụ Lê Thị Ánh kể về khoảng thời gian gánh mỳ Phú Chiêm đi bán. Ảnh: Như Trang
Cụ Lê Thị Ánh kể về khoảng thời gian gánh mỳ Phú Chiêm đi bán. Ảnh: Như Trang

Ký ức

Cụ Lê Thị Ánh (82 tuổi, trú thôn Triêm Nam 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) kể, về làm dâu nhà họ Trần từ thời kháng chiến chống Pháp, bà Ánh được mẹ chồng dạy cho cách nấu món mỳ truyền thống mang tên làng Phú Chiêm. Từ việc chọn giống lúa gieo cấy trên những cánh đồng ven sông Thu Bồn rồi thu hoạch lúa, giã gạo và xay mịn để đúc mỳ, đến việc nấu những nồi nhưn với nguyên liệu từ tôm, cua bắt ở nò sông cùng những lát thịt heo đượm bùi ở chợ quê… đều được bà Ánh ghi chép cẩn thận và thực hành hết ngày này qua tháng khác. Dần dà, khi bà Ánh quen tay, làm nên những tô mỳ Phú Chiêm thơm ngon đậm đà, đó cũng là lúc bà bắt đầu mưu sinh bằng gánh mỳ bán dạo khắp ngả đường Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn… Để có mỳ bán trong một ngày, bà Ánh cùng chồng là ông Trần Ngọc Châu (83 tuổi) phải chuẩn bị ngâm gạo, làm nguyên liệu tôm, thịt, trứng và rim từ đêm. Đến 2 giờ sáng hôm sau, vợ chồng bắt đầu nấu mỳ, chồng thì xay bột đúc mỳ, vợ thì xay cua, lột tôm, cắt thịt nấu nhưn và chuẩn bị rau. Bình minh lên, cụ Ánh lại nhóm than, củi vào lò sắt nhỏ, đặt nồi nước nhưn ở đầu thúng trước, còn đầu thúng sau cụ chứa mỳ và rau. Cứ thế, gánh mỳ theo chân cụ Ánh rong ruổi khắp ngả đường cùng tiếng rao quen: “Mỳ Phú Chiêm đây, ai mỳ Phú Chiêm…!”.

Thời kỳ chiến tranh, khách hàng của bà Ánh chủ yếu là người dân thuộc tầng lớp thượng lưu và những tốp lính thường tập trung ở các cây cầu và chợ Nam Phước, Bà Rén. Nhắc đến việc gánh mỳ bán trong cảnh bom đạn rắc đầy xóm làng, cụ Ánh hồ hởi kể: “Ngày nào gặp lính nhiều thì tui bán đắt đỏ, còn ngày nào giặc rải bom tàn phá thì tui gánh qua phà tránh bom. Hồi đó vừa bán vừa chạy, có khi tối mịt mới về đến nhà, cả người tả tơi, khổ ghê lắm!”. Sau giải phóng, bà Ánh với gánh mỳ Phú Chiêm vẫn đi bán khắp con đường quê. Thỉnh thoảng, bà bắt chuyến xe lam chạy từ Quảng Nam ra Đà Nẵng rao bán cho người dân phố thị. Đến tuổi 70, đôi chân không còn chắc và vai cũng không đủ khỏe để gánh mỳ đi tiếp, cụ Ánh chọn cho mình một góc nhỏ ở ngã ba Nam Phước mở quán mỳ bán cho người dân nơi đây và khách qua đường.

Quang gánh giữ lại

Gánh mỳ Phú Chiêm không chỉ mang lại cho cụ Ánh niềm vui và tự hào về món nghề truyền thống của làng, nó còn là nguồn thu nhập chính giúp cụ trang trải cuộc sống và cùng chồng nuôi 5 người con gái. Nói về những đứa con gái của mình, cụ Ánh nhìn chồng và cười với vẻ đầy hạnh phúc, cụ nói: “Mấy đứa con tui tuy không học rộng để làm những nghề lớn lao nhưng đứa nào cũng là hạng nhất về chuyện nấu mỳ Phú Chiêm theo đúng công thức gia truyền của nhà tui. Không chỉ thế, tụi nó còn kế tục và truyền nghề bán mỳ Phú Chiêm cho những thế hệ con cháu đời sau nữa!”.

Người con gái đầu của cụ Ánh là bà Trần Thị Kim Yến (55 tuổi) kế thừa truyền thống nấu mỳ Phú Chiêm hơn 30 năm nay. Kim Yến là người con gái đầu tiên được cụ Ánh truyền nghề từ những ngày còn rất nhỏ, cụ Ánh dạy cho Kim Yến cách đúc sợi mỳ giòn, dai mà vẫn giữ được mùi thơm gạo quê, cách khử dầu phụng với nén rồi tao tôm mà không bị cháy, cách xay tôm và nấu nước nhưn có vị ngòn ngọt làm cho người ăn dù no rồi vẫn còn muốn ăn thêm, hoặc lưu luyến bịn rịn với món mỳ. Những gì học được cộng với khoảng thời gian dài gắn bó với gánh mỳ ở ngã tư Hà Lam (Thăng Bình), bà Yến dạy lại cho hai người con gái của mình cho đến khi họ vững tay nghề nấu mỳ Phú Chiêm. Hiện nay, các con của bà Yến, một người bán ở Đà Nẵng, người còn lại bán ở Tam Kỳ.

Hiểu được tấm lòng và niềm mong mỏi của cụ Ánh, ngoài bà Yến, bốn người con gái còn lại cũng theo học nghề nấu mỳ Phú Chiêm của mẹ bằng tất cả lòng nhiệt thành và đam mê. Mấy cái gánh cùng xoong nồi cụ Ánh góp vốn cho họ từ những ngày đầu mới ra nghề, nay đã trở thành kỷ vật đặt trong góc quán nhỏ của mỗi người. Gặp chúng tôi tại quán mỳ Phú Chiêm mở ở đường Nguyễn Nhàn, TP.Đà Nẵng, bà Trần Thị Tuyết Mai (50 tuổi) chia sẻ: “Tô mỳ của mấy chị em nhà tôi nấu đều giống như công thức mẹ dạy chứ không hề biến tấu như mấy người khác. Nhiều khách tình cờ ăn quán của mấy em tôi ở Thăng Bình, Duy Xuyên rồi ra đây ăn mỳ của tôi đều ngỡ ngàng từ cọng mỳ, nước nhưn đến cái bánh tráng cũng một kiểu như nhau. Thỉnh thoảng có dịp về quê gặp và kể lại chuyện này, cả nhà lại có một trận cười giòn!”. Theo nghề bán mỳ Phú Chiêm ngót nghét hơn nửa thế kỷ, đến nay cụ Ánh đã “về hưu”. Gánh mỳ Phú Chiêm cùng tiếng rao quen thuộc năm nào chỉ còn lại trong hoài niệm; nhưng cụ Ánh hạnh phúc khi chính các con mình đã giữ nguyên vẹn hương vị Phú Chiêm mộc mạc, dân dã xưa.

Với cụ, chỉ giản đơn là giữ lại “cái nghề” của làng.

NHƯ TRANG

NHƯ TRANG