Cà kê Chùa Cầu
Té ra, đến Hội An, ngồi cà phê trước Chùa Cầu, thêm mấy bận cà kê, cái sự thú vị, lộ rõ dần dần…
1. Bây giờ mà hỏi, rằng chính xác mình đến Hội An lần đầu tiên, là khi nào, thì chịu. Đó cũng là đáp án cho câu hỏi, rằng mình thích ngồi cà phê trước Chùa Cầu, là khi nào. Cũng nói rõ luôn, là trước Chùa Cầu bây giờ, có đến hai quán cà phê. Một quán có sớm hơn, là nằm phía trước - bên phải Chùa Cầu, bán cả ngày lẫn đêm; quán kia, mới có gần đây, nằm trước - bên trái Chùa Cầu, kiểu vỉa hè, nhưng chỉ bán buổi sáng. Tôi hay ngồi cái quán ở mép phải Chùa Cầu, bởi quán mở khá sớm, và hay có những người lớn tuổi ngồi. Từ họ, tôi có thể bắt gặp những câu chuyện mà dù có lang thang Hội An năm này tháng nọ, cũng chưa chắc biết được. Tất nhiên, biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời, tôi chọn quán bên kia, để nghe phần lớn là người trẻ, mà hầu hết lại là khách du lịch, nói về Hội An.
Chùa Cầu. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG |
Cách đây vài năm, khi ngồi cà phê ở quán mép phải Chùa Cầu, tôi có một sự… ấm ức. Rằng phải mất công hàng giờ liền để dõi theo một người đàn ông trung niên cất - thả rớ. Từ mẻ đầu tiên, cho đến gần trưa, mẻ rớ ông cất lên mới có một ít cá. Tôi nghĩ theo lối thông thường, rằng ông ta sẽ chèo thuyền ra, rồi cho số cá ấy vào trong giỏ… Vậy mà ông ta vẫn ngồi ung dung ở chòi, đưa cái nhìn lên bầu trời, hơi chếch về góc phải. Một lúc sau, mấy chú cò trắng sà xuống, hoàn thành nghĩa vụ với dạ dày của mình. Buổi chiều, hoạt cảnh đó lặp lại. Hôm sau, cái sự ấy vẫn thế. Tôi bèn hỏi, ông chỉ cười: “Ở Hội An này, đâu đâu cũng là di sản, mà tĩnh quá, nên tôi muốn cho mấy cảnh động”. Và quả thật, “mấy cảnh động” của ông đã hút không biết bao nhiêu ánh mắt hiếu kỳ, cả tây lẫn ta!
Đôi khi tôi nghĩ, sao nhiều cặp đôi thích đến đây chụp ảnh cưới vào ban đêm. Khi nghĩ không thông, tôi hỏi họ - những người sắp sửa là cô dâu chú rể, và kể cả những người chụp ảnh, thì nhận được lời đáp, mà tôi nghĩ rằng… không thỏa đáng lắm: vì ở đây đẹp! Có lần tôi hỏi Toàn, người cũng chụp khá nhiều ảnh cưới cho các cặp đôi ở Chùa Cầu, anh bạn người Gò Nổi này cười bẽn lẽn. Rồi anh… đánh trống lảng bằng cách kể chuyện mình… chạy trốn lực lượng chức năng ra sao. Té ra, trước khi cầm máy ảnh, Toàn là dân vẽ. Cùng với những người khác, cũng là dân tứ xứ, hợp thành nhóm vẽ chân dung cạnh Chùa Cầu. Nhóm vẽ này, hễ mỗi lần đi qua Chùa Cầu, đặt chân lên đường Nguyễn Thị Minh Khai, là tôi bắt gặp họ, đang miệt mài với nét vẽ, trên vỉa hè, bên cạnh một nhà sách nào đấy mà tôi không nhớ rõ tên. Nhưng nhiều khi, khoảnh vỉa hè ấy trống; có đêm, tôi bắt gặp họ ở chợ đêm Hội An trên đường Nguyễn Hoàng. Sau khi quen, rồi ngồi cà phê với Toàn trước Chùa Cầu, mới biết đó là những lần nhóm bị lực lượng chức năng “dẹp”, vì cho rằng nhóm làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của phố. Toàn không nói thêm về điều này, nhưng tôi nghĩ, lãnh đạo thành phố không nên “dẹp” họ, mà cứ để họ ngồi vẽ ở đấy, tất nhiên là trong giới hạn cho phép, thì phố cổ mới đủ đầy gam màu trong bức tranh du lịch hơn.
2. Những lần cà phê ở Chùa Cầu, thi thoảng tôi bắt chuyện với ông Phan Ty (63 tuổi, ở đường Nguyễn Duy Hiệu), một thợ chụp ảnh dạo, nhưng hay tự tách biệt mình. Hơn tháng trước, trong những ngày ngổn ngang thông tin về công cuộc hạ giải, trùng tu sắp tới, ông Ty cứ lo sợ cho “số phận” của Chùa Cầu. Trùng tu, tất nhiên là các cơ quan chức năng liên quan phải thực hiện. Nhưng nỗi lo, thì họ - những người gắn cuộc đời mình với Hội An - không thể thoát. Bởi họ đã quá sợ, với những trùng tu di tích, di sản ở nước ta. Mà nói chính xác, đó không phải là trùng tu, mà làm mới di tích. Nếu chuyện đó lặp lại với Chùa Cầu, thì cái biểu tượng của đô thị cổ mà người Nhật gọi là faifo này, có còn là biểu tượng nữa không? Hay, như báo chí đã lo sợ, liệu có biến “lão” Chùa Cầu thành… Chùa Cầu 1 tuổi.
Khám phá Hội An mùa lũ.Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG |
Hôm trước đó nữa, tôi ghé nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Thành Chương, anh đưa tôi xem tấm ảnh chụp Chùa Cầu của mấy chục năm trước. Tấm ảnh này, Chương nói nó là của nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân. Nhìn và so sánh, Chùa Cầu khi ấy với bây giờ, vẫn chung… dáng già nua. Có khác, là mấy cây dừa ở cánh phải của Chùa Cầu, đã không còn nữa. Tôi hỏi, những lão niên ngồi cà phê cũng không nhớ nó đã bị đốn hạ khi nào… Chỉ biết bây giờ, trong cái thở dài nặng nhọc, họ sợ Chùa Cầu, sau lần trùng tu sắp tới, nếu có, sẽ không còn là… Chùa Cầu nữa. Hôm sau, tôi đi tìm ông chủ của hiệu ảnh lâu đời ở phố cổ, thì bắt gặp ông trong một quán cà phê trên đường Phan Châu Trinh. Ông không nói thêm gì về tấm ảnh đó, mà kể rằng, vài chục năm trước, gần Chùa Cầu còn có mấy cái lô cốt; cả hai bên trước và sau Chùa Cầu đều có nhà ở, sau này chỉ một bên còn nhà ở. Tôi nhớ lời ông Ty kể, rằng trước đây do đặc thù sông nước, nên mỗi nhà đều có 2 cổng trước - sau, cổng sau dùng để giao thương, mỗi khi có thuyền cập vào…
Sự bùng nổ của máy ảnh kỹ thuật số, mà nhất là điện thoại có khả năng ghi hình tốt, đã đẩy một nhóm người chụp ảnh dạo ở Chùa Cầu, hay cả Hội An, đi vào hoàn cảnh ngắc ngoải với nghề. Một buổi sáng như thế, họ ngồi, không buồn nói chuyện, cũng không mảy may bắt khách. Và cũng một buổi sáng như thế, tôi gặp lại ông Ty, dáng trầm mặc. Tôi hỏi lý do, thì ông Ty đáp: “Hắn đeo máy ảnh, tay lăm lăm điện thoại, thì chịu!”. “Chú chụp ảnh ở đây lâu chưa?”. “Cũng hơn 30 năm, chắc lúc nớ mi chưa ra đời”. Rồi cười. Rồi lơi: “Khoảng 4 - 5 năm trước, sống khỏe lắm, chụp ảnh nuôi vợ con vô tư. Từ nớ đổ lại đến chừ, chỉ còn biết đứng… ngáp ruồi thôi, ít khách lắm”. “Rứa chú không đổi nghề à?”. “Đổi chi mi. Tau hơn sáu chục rồi, còn đổi chác chi nữa. Lai rai kiếm mấy đồng uống cà phê cho đỡ buồn, rứa đó…”.
Tôi định hỏi, bây giờ, mỗi ngày ông kiếm được bao nhiêu, nhưng ngoái nhìn, thấy ông đang vân vê máy ảnh, nên thôi. Dường như, con đường mưu sinh chông chênh, ông đã lèo lái qua cả rồi. Tóc trên đầu ngả màu sương, mà còn bám lấy nghề xưa, cái nghề đã từng nuôi sống ông, nuôi sống gia đình ông, mà bây giờ bước trong hoang hoải, vẫn còn chưa buông, thì quả mười mươi rằng, cuộc sống của ông, không thể rời xa chiếc máy ảnh, không thể rời xa Chùa Cầu.
3. Nhưng ông Ty còn bảo rằng, những người ở gần Chùa Cầu, còn có chung một nỗi niềm, là thứ mùi khó chịu bốc lên từ con lạch. Nên họ hay ngóng đến… mùa lũ, để dòng nước đen kịt được cuốn trôi đi. Nhưng mấy năm gần đây, lũ không đến, nên họ thêm phần đau đáu. Hôm bữa tôi hỏi chuyện, thì chủ nhân ngôi nhà mà tôi hay gửi xe, tếu táo rằng nhờ con bão số 4, mà một phần thứ đen ngòm, hôi thối của dòng nước dưới chân Chùa Cầu được giải phóng ít nhiều. Hôm kia tôi ghé, ông tặc lưỡi: Ước gì có lũ! Có lẽ, chính quyền thành phố, cần sớm có đáp án triệt để cho bài toán này.
Ngồi nhiều lần cà phê ở Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hội An, các nghệ sĩ nhiếp ảnh thỉnh thoảng mong Hội An có lũ để săn ảnh; nhưng lũ không về, họ đành lôi ảnh cũ ra, rồi nhìn cho… đỡ thèm. Chỉ tội nghiệp các tay máy ở nơi khác, năm nào đến mùa mưa lũ, là chuẩn bị đến Hội An; nhưng ngóng mãi, vẫn không thấy anh em ở Hội An phát tín hiệu, đành thở dài thườn thượt, đợi sang năm sau; cũng mấy cái “năm sau” rồi, vẫn chưa thấy lũ đâu. So với các loại hình du lịch ở Hội An, thì tour khám phá Hội An mùa lũ vào những năm trước, được nhiều du khách quan tâm. Thay vì đi bộ, hay xe đạp hoặc xích lô; thì du khách… xắn quần lội nước, hoặc ngồi trên các thuyền nhỏ, để len lỏi, khám phá từng ngõ ngách của phố, vậy mà thú vị phết! Nghe nói, chính quyền thành phố đôi lần họp bàn đưa tour này vào “hệ sinh thái du lịch” của phố cổ, nhưng khi chưa đi đến đâu, thì… lũ không về.
Nói là nói vậy, chứ lũ mà về thì Hội An cũng lo sốt vó. Không chỉ đám rác rều hôi hám, mà cả chân Chùa Cầu, cũng đối mặt với nguy cơ lũ cuốn. Nữa, là cái ông cất rớ lấy cá cho cò ăn kể ở trên kia, liệu có còn thời gian để làm “cảnh động” cho di sản tĩnh. Bởi, Hội An là cái túi đựng lũ từ thượng nguồn xả về. Người ở xa đến vui chơi thì được, chứ dân phố cổ, đặc biệt là mấy ông trung tâm di sản, thì nghe đến lũ đã ớn lạnh cho hàng trăm di tích nhà cổ rồi. Đôi khi, tôi trộm nghĩ, Hội An có nhiều người cũng lạ, như ông cất rớ nuôi cò kia, thích bày cảnh lạ cho người ta xem chơi…
Bút ký của XUÂN THỌ