Công nhân ở đó, chơi đâu?
Ở đó, trong những nhà trọ ở các khu công nghiệp, hàng vạn công nhân trên địa bàn tỉnh đang phải sống ở mức tối thiểu so với nhu cầu. Nhà ở xã hội, sân chơi giải trí lẫn những điều kiện về y tế, giáo dục… đang còn là mơ ước của công nhân. Đây là vấn đề bức thiết, có ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ lao động công nghiệp ở địa phương, cần sớm có sự vào cuộc, đầu tư đồng bộ của cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp.
Công nhân tham gia thi kéo co, nằm trong chuỗi hoạt động do Công đoàn các KCN tổ chức. Ảnh: GIANG ANH |
QUẨN QUANH NHÀ TRỌ
Đằng sau công xưởng, nơi các công nhân gắn bó phần lớn thời gian trong ngày, là một cuộc đời tạm bợ trong những căn nhà trọ. Thiếu sân chơi, không nơi sinh hoạt giải trí, điều kiện tiếp xúc các loại hình văn hóa, giải trí bị hạn chế… đang là tình cảnh chung của hàng vạn công nhân ở các khu công nghiệp.
“Sống tạm” bên khu công nghiệp
Buổi chiều sau giờ tan ca. Ở các khu chợ xép, chợ chồm hổm nằm rải rác dọc trục đường chính dẫn vào Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc, hàng dãy dài những phụ nữ độ tuổi 20 - 40 cầm lên đặt xuống, trả giá từng quả bí, bó rau. Chúng tôi theo chân chị Phan Thị Thùy Dương, công nhân Công ty Giày Rieker Việt Nam, đang ở trọ tại một dãy nhà nằm phía sau chợ tạm của phường Điện Nam Bắc, để xem chị sửa soạn bữa ăn tối cho vợ chồng và cô con gái nhỏ 4 tuổi. Dãy nhà trọ gần 20 phòng ẩm thấp, dài hun hút với những ô cửa gỗ nhỏ tồi tàn - lối kiến trúc chung của hàng trăm căn nhà trọ ở khu này. Những căn phòng trọ có tuổi đời gần 20 năm, tức là mọc lên ngay sau khi mở cửa khu công nghiệp. Chị Dương đã ở đây ngót nghét chục năm trời. “Thuê ở đây vì giá rẻ, nhà cửa cũng được nhất so với các dãy trọ khác, lại gần chợ. Đi làm về thì sẵn ghé mua thức ăn. Tiền nhà, tiền gửi con mỗi tháng xấp xỉ cả triệu bạc. Trừ những chi phí, thì khoản lương 4 triệu đồng mỗi tháng cũng chẳng còn lại được mấy đồng” - chị Dương nói.
Căn phòng chỉ đủ để kê một chiếc giường rộng khoảng 1.6m, một chiếc bàn đặt bếp nấu và không gian nhỏ bé còn lại vừa làm phòng ăn vừa là chỗ để xe cho hai vợ chồng. Bữa ăn tối chóng vánh được chị chuẩn bị với một đĩa cá vụn, một đĩa rau luộc và một bát canh. Trong khi đó, chồng chị sau khi tan làm ở Công ty May Nam Vương thì tranh thủ chạy về đón con ở một nhà trẻ tư nhân nằm tại khối phố Cẩm Sa cũng trên địa bàn phường Điện Nam Bắc. Phần đông các gia đình công nhân tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc đều chung một cảnh sống như gia đình chị Dương. Những căn phòng chật chội cho cả một gia đình cùng chung sống. Trời mùa hè thì oi bức, mùa mưa lại chịu cảnh ẩm ướt. Vạ vật là điều đương nhiên, nhưng như chị Dương nói, chỉ cần gắng thu vén, co cụm, nhường nhịn mỗi người một ít, thì như vậy là cũng được lắm rồi…
Một dãy nhà trọ của công nhân ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc.Ảnh: GIANG ANH |
Có những nỗi buồn ập đến vào cuối chiều, khi những lo toan vẫn dai dẳng đeo đuổi người công nhân đến tận căn nhà trọ. Trở về từ công xưởng, thời gian còn lại quá eo hẹp cho những nhu cầu giải trí, thể thao thể dục... Cuối chiều, tất tả cho bữa cơm, con cái rồi vùi vào giấc ngủ lấy sức cho ngày mai lại quần quật, nhịp sống đơn điệu ấy trở thành một mẫu số chung của hàng chục nghìn công nhân sau giờ tan tầm. “Rời khỏi chỗ làm, chỉ muốn ăn vội vàng vài ba miếng rồi mắc màn để ngủ. Nếu làm 8 tiếng còn dư dả thời gian chút chút để bước ra ngoài phố thị. Nhưng rồi tăng ca liên tục, nhất là những thời điểm có đơn hàng lớn, có hôm về đến nhà là rã rời vì mệt. Chưa con cái, không gia đình, tuổi thanh xuân mà nhiều lúc ngột ngạt không chịu nổi” - chị Nguyễn Thị Thanh Trang, một công nhân ở KCN Bắc Chu Lai (huyện Núi Thành) tâm sự. Trong dòng người đổ về kín cả con đường lớn ở cổng KCN mỗi giờ tan ca, có không ít những phận đời tạm bợ như Dương và Trang, đang phải sống với nhịp sinh hoạt buồn tẻ, đơn điệu như chính công việc của họ từ năm này qua tháng khác ở các nhà máy. Nhà ở cho công nhân vẫn đang là mong chờ, từ rất lâu rồi. Và họ, vẫn đành phải chấp nhận sống tiếp những tháng ngày tạm bợ trong căn nhà trọ…
Thiếu sân chơi
Khảo sát tại các KCN trên địa bàn tỉnh, các công trình nhà văn hóa, khu giải trí, sân luyện tập thể thao, phòng đọc sách báo vẫn còn đang rất thiếu thốn - nếu không muốn nói là trống vắng. Trở về nhà trọ, công nhân làm bạn với… điện thoại di động, thi thoảng mới có dịp tham gia các hoạt động của công đoàn, công ty. Anh Lê Thanh Vương (28 tuổi, công nhân tại KCN Chu Lai) tâm sự rằng, quá khó để tìm kiếm một sân chơi cho công nhân, vốn phần lớn ở độ tuổi thanh niên. Chưa lập gia đình, ở trọ, ngoài giờ làm việc, anh Vương chỉ có thể tham gia đá bóng mỗi tuần hai lần tại một sân cỏ nhân tạo do tư nhân cho thuê, và phải bỏ khoản tiền không nhỏ đối với đồng lương công nhân để đóng góp quỹ. “Giá như có một khu thể dục thể thao, như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… cho anh em có nơi giải trí sau giờ làm việc, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa đỡ nảy sinh chuyện rượu chè, tệ nạn” - anh Vương nói.
Những sân chơi cho công nhân còn quá khiêm tốn tại các KCN.Ảnh: GIANG ANH |
Ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho hay, ngoài các hoạt động do công đoàn và công ty tổ chức cho công nhân, hiện tại những thiết chế văn hóa ở các KCN còn quá yếu và thiếu. “Gần 20 năm, chỉ mới có một khu thiết chế văn hóa vừa được xây dựng ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Với quy mô diện tích hiện tại, công đoàn cũng kỳ vọng công trình này trở thành điểm giải trí thường xuyên của công nhân sau giờ làm việc” - ông Sơn nói. Tuy nhiên, ngoài giải cầu lông được tổ chức nhân dịp khánh thành công trình vào tháng 4 vừa qua, vẫn chưa có thêm hoạt động nào khác được tổ chức phục vụ công nhân tại khu thiết chế văn hóa này. Một cán bộ phụ trách hoạt động công đoàn tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc chia sẻ, nhu cầu của công nhân là rất lớn, tuy nhiên cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng lẫn trang thiết bị để có thể “kéo” công nhân đến với khu thiết chế văn hóa mới. Chưa kể, ở các KCN khác, rất khó để tìm được chỗ phục vụ nhu cầu thể dục thể thao, giải trí của công nhân, bởi các khu thiết chế văn hóa cho công nhân đều chưa được tính đến trong quy hoạch trước đây của các KCN.
Đầu năm 2016, Chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN, khu chế xuất được ban hành, thì sự quan tâm về chủ trương, chính sách lẫn nguồn vốn đầu tư cho công nhân bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất đã gần như được “lấp đầy” ở các KCN truyền thống, việc thực hiện chủ trương này đang gặp không ít khó khăn.
LOAY HOAY ĐẦU TƯ
Các thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ nhu cầu công nhân, từ nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục đến nhà văn hóa, khu vui chơi… vẫn chưa định hình dáng vóc kể từ khi các khu, cụm công nghiệp thành lập đến nay. Việc đầu tư thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu cho hàng vạn công nhân, vẫn đang tiếp tục được kêu gọi…
Khu nhà ở cho công nhân của Công ty Panko Tam Thăng đang được đầu tư xây dựng.Ảnh: GIANG ANH |
Nguồn lực hạn chế
Thiếu kinh phí. Không có nhà đầu tư. Những công trình công cộng phục vụ nhu cầu công nhân vẫn dở dang. Doanh nghiệp sử dụng lao động chỉ có nghĩa vụ với người lao động trong thời gian ở nhà máy. Bước ra khỏi xí nghiệp, mọi thứ phục vụ đời sống của mình, công nhân phải xoay xở. Tình trạng chung đó khiến đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân vô cùng nghèo nàn. Hầu như ở tất cả cụm, KCN trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, các thiết chế văn hóa vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ.
Thống kê của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh năm 2015 tại các cụm, KCN và doanh nghiệp toàn tỉnh cho biết, công nhân có thể tham gia giải trí trong một số dịp nhất định tại 21 sân bóng đá, 30 sân cầu lông, 16 sân tennis, 1 nhà thi đấu thể thao cấp tỉnh, 11 nhà văn hóa cấp huyện và 50 đội văn nghệ quần chúng của công nhân, các CLB theo sở thích… So với nhu cầu chung, thì quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Trong khi đó, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp tổ chức các cuộc giao lưu, liên hoan nghệ thuật, hội diễn văn nghệ, luyện tập thi đấu thể thao cho công nhân trong một số dịp. Tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân là 50%. Số doanh nghiệp tổ chức tham quan du lịch, học hỏi kinh nghiệm cho công nhân càng khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 30% và cũng không thường xuyên.
Mới đây, từ nhiều nguồn vận động, Quảng Nam được hỗ trợ xây dựng khu thiết chế văn hóa cho công nhân tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Trong đó Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ 15 tỷ đồng, LĐLĐ tỉnh chi 5 tỷ cùng với 3,5 tỷ của UBND tỉnh. Đây cũng là khu thiết chế văn hóa dành cho công nhân duy nhất trong 9 KCN toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu thiết chế văn hóa dành cho công nhân với quy mô 4.000m2 chỉ mới có hạ tầng cơ bản và 2 phòng học cấp mầm non, chưa được đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho công nhân cũng như trang thiết bị dạy học cho điểm trường mầm non. |
Theo LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân của thực trạng này là chính sách và cơ chế thu hút đầu tư cho cụm, KCN chưa đầy đủ. Hầu hết KCN chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở tập trung. Cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân và hoạt động văn hóa, thể thao càng thiếu vắng hơn. Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - lý giải: “Những khó khăn ảnh hưởng đến việc xây dựng thiết chế văn hóa tại các cụm, KCN là do lâu nay Chính phủ chưa có chủ trương về việc này. Chỉ đến khi việc xây dựng thiết chế văn hóa ở các KCN được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc theo chỉ đạo của Trung ương, LĐLĐ mới nhận được sự hỗ trợ về vốn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chính quyền địa phương để đầu tư xây dựng. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân”.
Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, dù có đến 40 doanh nghiệp với hơn 25 nghìn công nhân nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư một thiết chế nào dành cho công nhân. Ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc, cho biết, hàng loạt vấn đề liên quan đến địa phương trong câu chuyện chăm lo cho đời sống công nhân đến trú tại đây. “Giáo dục ở bậc mầm non luôn trong tình trạng thiếu thốn vì sự tăng đột biến của lượng trẻ trên địa bàn trong những năm gần đây. Các thiết chế văn hóa đã có của địa phương như nhà văn hóa khối phố hay các sân chơi thể thao công cộng lại rất ít đối tượng là công nhân tham gia” - ông Trung nói.
Doanh nghiệp vào cuộc
Kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay để chia sẻ với các khó khăn, thiếu thốn trong đời sống công nhân đang là mục tiêu hàng đầu tại các KCN. Ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết, luân phiên hàng năm, đơn vị đều tổ chức các giải đấu giao lưu thể thao hoặc văn nghệ cho công nhân tại các KCN và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công nhân. “Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, chúng tôi cũng phải trực tiếp làm việc với một số doanh nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân tham gia. Một số doanh nghiệp như Công ty Gạch men Đồng Tâm, Công ty Giày Rieker Việt Nam, Công ty Ô tô Trường Hải cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí cho công nhân. Công đoàn rất khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động này và sẵn sàng phối hợp để tạo sân chơi cho công nhân” - ông Sơn nói.
Riêng với dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, sau nhiều năm bị đình trệ, Công ty CP Xây dựng và địa ốc Phú Gia Thịnh chính thức tiếp quản đầu tư. Cuối tháng 6 vừa qua, công trình tái khởi động và đang được gấp rút hoàn thiện với quy mô 360 căn hộ với đa dạng diện tích và mẫu mã, khu công viên, nhà xe... Khu nhà ở này nằm gần khu thiết chế văn hóa được xây dựng tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, nếu thu hút được đông đảo công nhân đến ở như kỳ vọng, sẽ góp phần đáng kể cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hơn 30.000 lao động đang làm việc tại KCN này. Điều này cũng góp phần làm giảm thiểu những bất cập về chỗ ở, nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí của công nhân hiện tại.
Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng bắt đầu lưu ý đến việc xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân. Tại KCN Tam Thăng, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng xin thuê 17,5 ha đất để xây dựng các hạng mục phục vụ cho đời sống công nhân như nhà ở, khu thể dục thể thao, giải trí, trường mầm non… Doanh nghiệp này đang xây dựng khu nhà ở công nhân giai đoạn 1 với quy mô 5ha, và đã có hơn 200 công nhân đăng ký vào ở. Hiện công ty có 3.000 công nhân, dự kiến đến năm 2020 có thể tăng lên 12.000 - 15.000 công nhân, do đó nhu cầu nhà ở, giải trí sẽ tương đối lớn. Theo nhiều nhà quản lý, đây cũng là xu hướng chung của các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi bắt đầu “làm ăn” tại các khu công nghiệp mới của tỉnh. Những hữu ích của việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân đã được nhiều doanh nghiệp nhìn thấy. Chú trọng tới việc đầu tư xây dựng các không gian văn hóa, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao tại doanh nghiệp, sẽ là cách để thúc đẩy hiệu quả làm việc của công nhân. Dù số lượng những doanh nghiệp làm được việc này còn ít ỏi, nhưng những tín hiệu tốt này đang mở ra kỳ vọng về một cuộc sống khác, một câu chuyện khác cho công nhân tại các KCN trong tương lai…
GIẢI PHÁP BƯỚC ĐẦU
Xung quanh câu chuyện về những nghèo nàn, thiếu thốn trong đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân, nhiều ý tưởng được đưa ra muốn giải tỏa phần nào những bức bách của người lao động trong các cụm, khu công nghiệp.
Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:
Hiện tại, UBND tỉnh cũng đã quy hoạch các thiết chế văn hóa cho từng cụm, KCN. Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng nhà máy nên tính toán tới việc xây dựng nhà ở, khu sinh hoạt văn hóa, trường mầm non để phục vụ công nhân. Các doanh nghiệp đầu tư các công trình này sẽ được ưu tiên miễn tiền thuê đất đối với phần đất xây dựng phục vụ công nhân, nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh về xây dựng cụm, KCN. Ngoài ra, những năm sắp đến tỉnh cũng cân đối ngân sách để giao cho LĐLĐ tỉnh và các ngành liên quan xây dựng khu nhà ở, nhà sinh hoạt văn hóa, trạm y tế, nhà trẻ mẫu giáo tại các cụm, KCN để phục vụ công nhân.
Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh:
LĐLĐ tỉnh kiến nghị Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành cần kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân tại các KCN. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho nhu cầu thể dục thể thao, giải trí, văn hóa văn nghệ cho công nhân theo chỉ thị của Ban Bí thư và chủ trương của Chính phủ; chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia thực hiện, xây dựng, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần của công nhân trong và ngoài nơi làm việc.
Ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh:
Số doanh nghiệp có những chương trình hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao giải trí thường niên, trong các dịp lễ lớn dành cho công nhân còn quá ít. Nguồn kinh phí của công đoàn khá hạn hẹp, doanh nghiệp không mặn mà với việc bỏ tiền tổ chức các hoạt động này là trở lực cho việc xây dựng thiết chế văn hóa tại các KCN. Hiện tại, ba vấn đề bức bách nhất của công nhân tại các cụm, KCN là nhà ở, nhà sinh hoạt văn hóa và nhà trẻ. Chúng tôi mong các doanh nghiệp cũng như tỉnh đầu tư để phục vụ đời sống công nhân. Cùng với đó, khi có chủ trương xây dựng cụm KCN, tỉnh cũng nên ưu tiên quỹ đất, nguồn vốn để phát triển các không gian công cộng dành cho công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Chúng - Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng KCN Chu Lai:
Cách đây 2 năm, công ty từng khảo sát để xây dựng nhà ở tại KCN Bắc Chu Lai, tuy nhiên phần lớn lao động là người địa phương, nhu cầu nhà ở là tương đối thấp nên không thể triển khai xây dựng dự án (ước tính diện tích khoảng 10ha). Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào các KCN ở tỉnh, nhất là trong lĩnh vực dệt may đang có xu hướng tăng nên thời gian đến cũng sẽ tính toán việc này. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ có kế hoạch xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân song song với việc xây dựng nhà máy. Khó khăn của việc đầu tư là “mặt bằng sạch” cho doanh nghiệp. Nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp thường rất lớn nhưng việc giải phóng mặt bằng hiện tại còn nhiều bất cập, phần nào làm ảnh hưởng đến việc thu hút doanh nghiệp cũng như tiến độ đầu tư của các đơn vị này ở KCN.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn:
Những bức bách ở vùng đông thị xã đã được chính quyền địa phương nhìn thấy từ vài năm nay, tuy nhiên, không thể cải thiện được trong ngày một ngày hai. Riêng về vấn đề thiếu trường lớp ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS tại 5 phường vùng đông, chúng tôi đã có đề án, trong đó bắt đầu từ năm 2017 sẽ tập trung 60 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất của thị xã và ưu tiên hàng đầu cho vùng đông. Cùng với đó, thị xã cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư vào sự nghiệp giáo dục. Hiện tại, thị xã đã kêu gọi được một ngân hàng tiếp xúc dự án xây dựng trường học. Trong đó các phường vùng đông đã được đầu tư 3 trong tổng số 4 trường nằm trong dự án, với mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/trường để cải thiện vấn đề thiếu trường lớp phục vụ cho con em công nhân.
Thực hiện chuyên đề: PHƯƠNG GIANG - SONG ANH