Đế chế truyền thông mới
Một thỏa thuận sáp nhập giữa Công ty viễn thông AT&T và tập đoàn tuyền thông Time Warner được công bố đang gây xôn xao trong làng truyền thông thế giới.
Công ty viễn thông Mỹ AT&T vừa đồng ý mua lại tập đoàn truyền thông Time Warner với giá 85,4 tỷ USD, cho thấy một trào lưu mới của sự kết hợp nền tảng kỹ thuật viễn thông và mảng nội dung của truyền thông. AT&T là công ty viễn thông đa quốc gia, ra đời từ năm 1876 và hiện có trụ sở tại bang Texas. Đây là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ điện thoại cố định hàng đầu tại Mỹ. Trong khi đó, Time Warner là tập đoàn truyền thông giải trí hàng đầu của Mỹ, được thành lập vào năm 1972, đang sở hữu và có cổ phần tại khá nhiều kênh truyền nổi tiếng hàng đầu thế giới như HBO, Cartoon Network, CNN hay các hãng phim Hollywood như Warner Bros, New Line Cinema, Tom and Jerry và cả America Online - công ty cung cấp dịch vụ internet toàn cầu có trụ sở tại Mỹ. AT&T có giá trị trên thị trường khoảng 238 tỷ USD và của Time Warner là 70 tỷ USD.
Một chi nhánh của AT&T tại New York (Mỹ). Ảnh: AP |
Nếu thỏa thuận trên các cổ đông và cơ quan chống độc quyền của Mỹ thông qua, đây sẽ là thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới trong năm 2016. Qua đó, AT&T hiện thực hóa tham vọng của mình khi thâu tóm nội dung để truyền tải trên hệ thống mạng tốc độ cao của hãng và thu hút thêm người xem. AT&T sẽ quản lý các kênh truyền hình của HBO và CNN cùng với hãng sản xuất phim Warner Bros và các tài sản truyền thông khác… từ Time Warner. Hãng tin BBC trích dẫn tuyên bố của AT&T trên trang web của công ty rằng, công ty mới sẽ mang lại những gì khách hàng mong muốn. Như gia tăng việc tiếp cận với nội dung cao cấp trên tất cả thiết bị của khách hàng, lựa chọn mới về các dịch vụ di động và truyền video hay lựa chọn khác có tính cạnh tranh cao hơn thay cho các công ty truyền hình cáp. “Đây là sự kết hợp hoàn hảo của hai công ty với sức mạnh tương hỗ có thể đem lại cách tiếp cận mới. Ngành công nghiệp truyền thông và thông tin có thể phục vụ nhiều đối tượng cùng lúc từ khách hàng, các nhà sản xuât nội dung đến phát hành và quảng cáo” - Giám đốc điều hành AT&T, Randall Stephenson nói.
Như vậy nếu sáp nhập thành công, AT&T vừa là nhà sản xuất các chương trình ăn khách vừa phân phối nội dung đến hàng triệu khách hàng sử dụng điện thoại di động và truyền hình trả tiền. Giới lãnh đạo AT&T tin tưởng rằng Chính phủ Mỹ luôn chấp thuận sự hợp tác đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, củng cố tính cạnh tranh, khuyến khích đầu tư và đổi mới. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017. Ngược lại, nhiều ý kiến cho biết bước đi này của AT&T sẽ phải đối mặt với các nhóm bảo vệ quyền của người tiêu dùng và chống độc quyền. Được biết, Ủy ban chống độc quyền Thượng viện Mỹ vừa lên kế hoạch tiến hành một buổi điều trần về thỏa thuận sáp nhập này vào tháng tới.
NAM VIỆT