Giảm nghèo ở Đông Giang
Ở huyện vùng cao Đông Giang, câu chuyện giảm nghèo được nhắc đến như một “chiến lược” trong hàng chục năm qua. Kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi ấy là những mô hình kinh tế hiệu quả, tấm gương sáng trong công tác giảm nghèo đang dần xuất hiện…
1.Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài cho rằng, địa hình cách trở, dân trí còn nhiều hạn chế, cũng như chính sách đầu tư cho miền núi thiếu đồng bộ là những trở lực khiến kinh tế - xã hội của huyện miền núi Đông Giang chưa thể vực dậy mạnh mẽ. Dù rằng, Đông Giang được đánh giá có nhiều lợi thế và tiềm năng về nông - lâm nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Mô hình phát triển theo hướng trang trại chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng rừng cây ngắn hạn như: keo lai, lòn bon, chuối mốc… trở thành “cây bản địa” chủ lực trong phát triển kinh tế hộ, mở ra cơ hội giúp đồng bào địa phương giảm nghèo bền vững. Đông Giang cũng là địa phương nằm ở “cửa ngõ” của vùng tây bắc Quảng Nam, lại giáp TP.Đà Nẵng với trục đường Hồ Chí Minh, vì thế rất thuận lợi cho cơ hội phát triển liên vùng. Từ các chiến lược phát triển miền núi của tỉnh, nhiều năm gần đây, ở địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực gắn với chăn nuôi, thay đổi dần phương thức sản xuất lạc hậu của đồng bào, giúp họ giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nhiều nông sản của đồng bào vùng cao Đông Giang nay dần trở thành hàng hóa cung ứng cho thị trường khu vực. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Hàng trăm hécta cây chuối tập trung được trồng xen canh tại các vùng xã Sông Kôn, Jơ Ngây, Za Hung, Kà Dăng… đã đem lại nguồn lợi kinh tế gia đình cho đồng bào địa phương trong những năm gần đây. Từ kết quả này, huyện Đông Giang tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tại các địa phương còn lại. Đồng thời chú trọng đầu tư kết hợp và tìm đầu ra cho người dân, tránh tình trạng nông sản của vùng bị ép giá, ùn ứ như ở một số địa phương miền núi lân cận khác. Bên cạnh đầu tư theo hướng chuyển đổi cơ cấu “cây trồng, con vật nuôi”, huyện Đông Giang cũng ưu tiên mở rộng phát triển trồng cây chè bản địa tại xã Ba và xã Tư với diện tích hơn 200ha, với năng suất bình quân hàng năm đạt 15tấn/ha, giúp phục hồi và phát triển đồi chè có một không hai trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi xác định, bên cạnh kết hợp các mô hình kinh tế chủ lực, đẩy mạnh hình thành và liên kết các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu, còn chú trọng phát triển và đẩy mạnh thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu mang tính đặc trưng của địa phương là chè xanh Quyết Thắng tại xã Ba, ớt ariêu ở xã Ma Cooih và chè dây razéh tại địa bàn xã Tư” - ông Tài từng chia sẻ.
2.Trên con đường bê tông rộng thoáng, những chuyến xe nối đuôi nhau về xuôi, chở theo các mặt hàng nông sản như bắp, chuối... Hình ảnh ấy trở nên quen thuộc với đồng bào vùng cao Đông Giang, khi nông sản có đầu ra, đời sống của họ không chỉ ngày càng được nâng lên rõ rệt, công tác giảm nghèo vì thế cũng dần mang lại kết quả đáng tự hào. Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, sự kết hợp giữa sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với các mô hình chăn nuôi tập trung đã giúp nhiều hộ dân ở huyện thoát nghèo bền vững. Nhiều gương mặt điển hình, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cùng góp sức cho chương trình mục tiêu nông thôn mới.
Ngoài xã Ba vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2015, nhiều địa phương khác như Arooih, Jơ Ngây, Sông Kôn, A Ting… cũng đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó ưu tiên tập trung công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi. Trong các mô hình trồng rừng, cây keo lai được nhiều người dân lựa chọn làm cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Và trên thực tế, có không ít người đã thành công từ mô hình trồng giống cây ngắn hạn này. Trong 2 năm (2014 - 2016), tại địa phương có hơn 3 nghìn hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp, trong đó có 455 hộ đạt danh hiệu nông dân tiêu biểu. Từ các phong trào hội đoàn thể, cũng đã giúp 74 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trên toàn huyện xuống còn 49,48%. Bên cạnh đó, các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn cũng đang dần được hoàn thiện mở rộng, tạo nên diện mạo mới đầy khởi sắc cho vùng cao.
3.Ông Ngô Thanh Long - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Giang cho biết, cùng với việc xây dựng các mô hình kinh tế trang trại kết hợp nông - lâm nghiệp, nhiều năm qua địa phương còn tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tổ hợp tác theo nhóm hộ liên kết, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vườn đem lại hiệu quả. Từ các mô hình này, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ vài chục triệu lên đến vài trăm triệu đồng/năm, tiêu biểu như Zơrâm Đên (xã A Ting); Arất Cước (thị trấn P’rao); Arất Thị Bre (Ma Cooih); Avô Khuynh (Arooih); Alăng Den, Alăng Mích (Jơ Ngây),…
Phát huy thế mạnh của vùng, đồng bào miền núi ở Đông Giang đã biết cách làm giàu bằng chính nội lực, tiềm năng vốn có và đón đầu cơ hội phát triển theo hướng liên vùng. Không chỉ kết hợp chăn nuôi với trồng rừng, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu còn tạo nên thương hiệu riêng cho nông sản hàng hóa đặc trưng như mô hình trồng, thu hoạch rượu tà vạt; trồng và cải tạo cây lòn bon; ớt ariêu của các hộ Đinh Văn Đới (thôn Ngật, xã Jơ Ngây); Alăng Nút (thôn Nhiều 1, xã Kà Dăng). “Cùng với hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế theo các mô hình trọng điểm, nhiều chương trình, dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả cho đồng bào miền núi. Trong đó, chú trọng đến 3 khâu đột phá về nông - lâm kết hợp, tạo hướng đi mới từ chính tiềm năng sẵn có của vùng. Và câu chuyện giảm nghèo nay vẫn luôn được nhắc đến, tiếp tục thắp lửa và nhân rộng mô hình vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Long nói.
ALĂNG NGƯỚC