Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Cần linh hoạt hơn nữa!
Ông T.L. ở xã Tam Thái (Phú Ninh) gọi điện đến đường dây nóng Báo Quảng Nam phản ảnh về việc ông muốn mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện cho vợ ông nhưng thủ tục quá rườm rà, vì theo quy định (bắt buộc) thì tất cả thành viên trong gia đình ông phải cùng tham gia. Cụ thể, ông T.L. đã được Nhà nước cấp thẻ BHYT, 2 con ông đã có BHYT học sinh, sinh viên nên nhân viên bán bảo hiểm yêu cầu ông phải làm cam kết hoặc cung cấp giấy tờ xác thực các thành viên trong gia đình đã có thẻ BHYT. Ông L. cho rằng, quy định này là chặt chẽ nhưng thực hiện thì nhiêu khê, máy móc, gây khó khăn cho người dân.
Từ phản ảnh của ông T.L., Báo Quảng Nam đã tìm hiểu thêm và nhận thấy sự việc của ông không phải là cá biệt. Đồng thời qua đó có thể thấy những yêu cầu của nhân viên bán BHYT đối với ông T.L. (và nhiều trường hợp tương tự) là đúng quy định. Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015, người dân muốn mua BHYT, quy định bắt buộc cả gia đình phải tham gia (đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu và sổ tạm trú). Sở dĩ Luật BHYT đưa ra quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người hay ốm đau mà không mua cho người khỏe. Quy định này ngoài việc hạn chế nguy cơ mất cân đối thu - chi của quỹ BHYT mà còn đề cao tính nhân văn, tinh thần cộng đồng thông qua sự thụ hưởng quyền lợi và sẻ chia trách nhiệm giữa những người tham gia BHYT.
Mặc dù quy định về BHYT hộ gia đình có nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân tham gia như: mức đóng của thành viên thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm… đóng giảm dần so với người thứ nhất (giảm lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% so mức đóng của người thứ nhất) nhưng đối với những gia đình đông người, có thu nhập thấp thì vẫn còn khó khăn. Hiện nay, các cơ quan liên quan tiếp tục “nới lỏng” quy định mua BHYT hộ gia đình như: không bắt buộc người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình nộp các giấy tờ liên quan của người thân có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà phải thực hiện cam kết; về thu phí bảo hiểm, không bắt buộc đóng phí một lần/năm mà có thể đóng phí định kỳ theo quý hoặc nửa năm, tạo điều kiện cho người khó khăn cũng có thể tham gia BHYT; mở rộng hình thức đại lý bán BHYT để tạo thuận lợi cho người dân… Tuy nhiên, có thể thấy rằng, dù đã linh hoạt trong cách thức thực hiện nhưng quy định nói trên vẫn còn hạn chế. Nên chăng, các ngành liên quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT để kết nối, kiểm chứng thông tin đối với những trường hợp đã có BHYT để người dân không cần phải xuất trình nhiều giấy tờ liên quan của người trong cùng gia đình. Ông T.L. nói: “May mà gia đình tôi ít người, việc cam kết hoặc bổ sung giấy tờ, thủ tục để chứng minh cũng dễ chứ nhiều hộ có 7 - 8 người đều đi làm ăn xa mỗi người mỗi nơi, rồi những gia đình có người tạm trú thì rất khó khăn trong việc mua bảo hiểm”…
CHÂU NỮ