Cướp biển hoành hành tại Đông Nam Á
Trong lúc nạn cướp biển vùng Somalia giảm mạnh sau khi hải quân quốc tế triển khai tàu tuần tra, thì tại khu vực eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương và vùng Biển Đông ở Đông Nam Á đang trở thành điểm “nóng”.
“Cướp biển Somalia vừa trả tự do cho 26 thuyền viên châu Á trong đó có người Việt Nam, sau 5 năm bị giam giữ”. Hãng tin Reuters cho biết, thông tin trên vừa được quan chức Chính phủ Somalia xác nhận vào cuối tuần qua (22.10). Theo đó, 26 thuyền viên được trả tự do trong đợt này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Các thuyền viên được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya trước khi trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Đây được xem là một trong những nạn nhân bị cướp biển Somalia giam giữ trong thời gian dài nhất và việc trả tự do này diễn ra sau 18 tháng đàm phán thương lượng. Trước đó vào tháng 1.2012, tàu Naham mang cờ quốc tịch Omani bị bắt cóc tại khu vực gần quần đảo Seychelles, vùng biển tiếp giáp giữa 3 lục địa Á - Âu - Phi, nơi thường xuyên xảy ra các vụ tấn công của cướp biển. Thị trưởng thành phố Galkayo của Somalia cũng thông báo chính thức về việc thuyền trưởng Naham bị sát hại khi cướp biển tấn công con tàu và hai thủy khác thiệt mạng trong thời gian bị giam cầm.
Lực lượng an ninh Singapore và Indonesia diễn tập chống cướp biển. Ảnh: AP |
Cướp biển vùng Somalia trở thành mối đe dọa với những con tàu vận tải quốc tế từ giai đoạn đầu cuộc nội chiến ở Somalia những năm 1990 của thế kỷ trước. Bọn chúng chủ yếu hoạt động ở ven bờ nam của vịnh Aden, nơi có tuyến hàng hải quốc tế thuộc loại sầm uất nhất thế giới, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt tàu vận tải qua lại để vào kênh đào Suez - một kỳ quan mới của Ai Cập. Mỗi năm, cướp biển vùng Somalia gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới hơn 5 tỷ USD, chủ yếu cướp tàu, hàng và đòi tiền chuộc. Thời điểm mà chúng lộng hành dữ dội nhất là vào tháng 2.2011 khi có tới 736 thuyền viên và 32 con tàu bị bắt giữ. Vào tháng 7.2012, sau gần 600 ngày bị bắt cóc và giam giữ khi đang có mặt trên tàu FV Shiuh Fu-1 (Đài Loan), 12 thuyền viên Việt Nam được trả tự do và trở về Việt Nam sau các cuộc thương lượng. Hay vào năm ngoái, 4 ngư dân Thái Lan bị cướp biển Somalia giữ làm con tin gần 5 năm mới được phóng thích.
Được biết, hiện cướp biển ngoài khơi Somalia còn giam giữ rất ít thuyền viên. Đặc biệt, nạn cướp biển vùng Somalia giảm mạnh sau khi tàu tuần tra hải quân quốc tế được triển khai và các công ty hải vận bắt đầu sử dụng nhân viên bảo vệ vũ trang. Ngược lại, eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương và vùng biển Đông ở Đông Nam Á, cũng là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới với hơn một nửa số hàng hóa thương mại (khoảng 55 triệu tấn) đường biển đi qua, hiện trở thành điểm nóng với tội phạm cướp biển. Trong đó, lực lượng khủng bố cực đoan Abu Sayyaf đang là mối đe dọa lớn với an ninh hàng hải ở khu vực. Đáng sợ hơn là trong giai đoạn 1995 - 2013, tại eo biển Malacca chiếm đến 41% tổng số nạn cướp biển trên toàn cầu, khiến 136 thủy thủ thiệt mạng. Nếu như không có những biện pháp đủ mạnh, các cuộc tấn công và bạo lực của cướp biển có thể gia tăng.
Trước thách thức đó, nhất là sau khi các phiến quân Hồi giáo ở Philippines bắt cóc và sát hại một số người nước ngoài, ngày 21.6 vừa qua, 3 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia và Philippines thống nhất thiết lập tuyến hàng hải được bảo vệ nghiêm ngặt dành cho tàu thuyền đi qua vùng biển Sulu và Celebes, phía nam Philippines. Bao gồm thiết lập đường dây nóng, tăng cường tuần tra chung trên không lẫn trên biển, hộ tống các tàu thương mại tại những khu vực thường xảy ra các vụ cướp biển.
QUỐC HƯNG