Sinh viên xứ Quảng ở Trường Đại học Duy Tân
Trong vài năm gần đây, danh hiệu thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Duy Tân (gọi tắt là trường Duy Tân, TP.Đà Nẵng) đều thuộc về sinh viên đến từ Quảng Nam. Với những chương trình học bổng, tài trợ học tập chất lượng, cơ hội phát triển của những sinh viên này rộng mở.
Sinh viên Võ Thị Hoài Trâm (thứ 3, bên phải) tham dự hội nghị Tọa đàm sinh viên khu vực ASEAN 2014. |
Ấn tượng đầu vào
Mùa thi 2014, Võ Thị Hoài Trâm (học sinh Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Núi Thành) đỗ thủ khoa nguyện vọng 1 vào trường Duy Tân với số điểm 26,5. Nhờ đợt tư vấn do trường Duy Tân tổ chức trước kỳ tuyển sinh, cô học trò nghèo đã mạnh dạn chọn hướng đi mới thay vì chọn đăng ký vào các trường công lập như bạn cùng trang lứa. Học bổng toàn phần từ cử nhân đến tiến sĩ có trị giá 800 triệu đồng của trường Duy Tân thực sự là một điểm tựa tuyệt vời để cô sinh viên trẻ này hướng tới tương lai bằng môi trường học tập chất lượng. Đến mùa tuyển sinh 2015, Nguyễn Thị Thanh (ở phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) đã chứng tỏ tài năng của mình bằng việc giành vị trí thủ khoa trường Duy Tân với tổng số điểm lên tới 28,25. Ba năm rèn giũa dưới mái trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP.Hội An), với sự tư vấn của thầy cô, Thanh đã thay đổi mong muốn học ngành Luật ban đầu để theo đuổi ngành Quản trị tài chính trường Duy Tân. Ngoài gói học bổng toàn phần, suốt quá trình học Thanh còn được tài trợ hoàn toàn kinh phí nhà trọ khoảng 750 nghìn đồng/tháng.
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh trong đợt thực tế tại cảng Tiên Sa trong năm học đầu tiên ở trường Duy Tân. |
Ở mùa tuyển sinh 2016 vừa qua, Huỳnh Tấn Dũng (xã Bình Sa, Thăng Bình) nối tiếp truyền thống đáng tự hào của học trò xứ Quảng ở trường Duy Tân với kết quả đỗ thủ khoa cùng số điểm 26,75. Cùng với suất học bổng toàn phần như thủ khoa các khóa trước, Dũng còn được tặng máy vi tính xách tay để hỗ trợ học tập cho chuyên ngành Công nghệ phần mềm đang theo đuổi. Với điều kiện gia đình không dư dả gì, những tặng thưởng của trường Duy Tân có ý nghĩa rất lớn. Ngoài ra, với nguồn tài trợ học bổng cực kỳ chất lượng, một số học sinh Quảng Nam có điểm thi cao đã chọn trường Duy Tân để nuôi dưỡng ước mơ học tập của mình. Như trường hợp Huỳnh Thị Như Hiền (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) với 25 điểm, dù đã đỗ cả Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh lẫn ngành Y học cổ truyền Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn chọn theo học tại trường Duy Tân. Hay em Nguyễn Thị Lệ với tổng điểm thi 27 nhưng đã bỏ qua nhiều ngôi trường hấp dẫn khác để nhận chương trình du học tại chỗ ngành Quản trị kinh doanh của trường Duy Tân.
Nuôi dưỡng khát khao
Việc đạt được thành tích ấn tượng trong kỳ tuyển sinh vào trường Duy Tân chỉ là bước đệm quan trọng của những học trò hiếu học xứ Quảng. Thạc sĩ Đặng Ngọc Trung - Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông trường Duy Tân chia sẻ: “Học sinh Quảng Nam luôn chiếm số lượng áp đảo trong nhiều ngành học của trường. Đặc biệt, chất lượng sinh viên cũng rất tốt và chưa có trường hợp phải chấm dứt học bổng do học hành chểnh mảng”. Do có mối liên kết với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới nên ngay từ khi bước vào giảng đường trường Duy Tân những sinh viên nhận học bổng toàn phần đã sớm tiếp cận với nhiều trải nghiệm mới mẻ, được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt để trang bị những kỹ năng mềm hết sức quý giá. Ngay trong năm học đầu tiên, Hoài Trâm đã được tham gia hội nghị Tọa đàm sinh viên khu vực ASEAN 2014, tiếp đó tham gia chương trình Learning Express giúp người dân Quảng Nam cải thiện và phát triển nghề truyền thống trên chính quê hương. Dù mới chỉ là những bước đi chập chững nhưng phần nào Trâm được thực hiện khát vọng của mình.
Khi được hỏi về điều tâm đắc nhất trong môi trường đại học ở trường Duy Tân, những sinh viên như Trâm, Thanh hay Dũng đều có chung quan điểm rằng, giảng viên của trường có những phương pháp sư phạm độc đáo và đầy nhiệt huyết. “Thầy cô như là người bạn đồng hành, truyền lửa và làm những bỡ ngỡ của mình trôi qua nhanh chóng. Những bài tập nhóm, dự án thực tế giúp sinh viên tiếp xúc với sự khắc nghiệt của môi trường thực hành nhằm trui rèn kỹ năng sống, thay vì chỉ có lý thuyết cứng nhắc” - bạn Nguyễn Thị Thanh tâm sự. Còn bạn Huỳnh Thị Như Hiền thổ lộ sẽ ấp ủ học thêm ngành công nghệ thực phẩm để sau này mở một doanh nghiệp nhỏ về mảng thực phẩm sạch trong tương lai nhằm tận dụng những tiềm năng to lớn về thực phẩm sạch của quê nhà Tiên Phước.
QUỐC TUẤN