Ứng phó khẩn cấp với sạt lở biển Cửa Đại

VĨNH LỘC 24/10/2016 09:03

Những ngày qua khu vực phía bắc biển Cửa Đại bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các nhà hàng, khách sạn nơi đây. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang nỗ lực ứng phó khẩn cấp với tình trạng này.

  • Tạm ứng cho Hội An 8 tỷ đồng để ứng phó khẩn cấp sạt lở bãi biển Cửa Đại
  • Bờ biển Cửa Đại sạt lở nặng nề sau bão
  • Khởi động dự án nghiên cứu chống xói lở Cửa Đại, Hội An: Tìm giải pháp tổng thể
Biển xâm thực mạnh mẽ gây sạt lở bờ biển đoạn từ nhà hàng Tấn Lộc đến nhà hàng Biển Gọi.Ảnh: VĨNH LỘC
Biển xâm thực mạnh mẽ gây sạt lở bờ biển đoạn từ nhà hàng Tấn Lộc đến nhà hàng Biển Gọi.Ảnh: VĨNH LỘC

Sạt lở khó lường

Báo cáo của UBND TP.Hội An cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ngày 13.10 (sức gió mạnh cấp 6 - 7) khiến biển động mạnh, triều cường dâng cao làm đoạn bờ biển từ khách sạn biển Hội An đến khách sạn Palm Garden bị xâm thực nghiêm trọng. Hậu quả, đoạn kè bờ bằng túi địa kỹ thuật trước khách sạn biển Hội An bị xói lở và sụt lún, chiều dài khoảng 200m; đoạn kè bờ bằng túi địa kỹ thuật Geotube đoạn từ nhà hàng Tấn Lộc đến nhà hàng Biển Gọi sóng lớn tràn qua đỉnh kè. Đặc biệt, tại đoạn cuối tuyến kè (nhà hàng Biển Gọi), do đây là vị trí thấp nhất nên toàn bộ lượng nước sóng đánh tràn qua đỉnh kè đã tập trung thoát ra tại vị trí này làm cho khóa kè bị sụt lún. Riêng đoạn bờ biển từ nhà hàng Biển Gọi đến khách sạn Palm Garden nhiều vị trí bị xâm thực sâu vào bên trong khoảng 10m, một số hàng dừa của khách sạn Palm Garden đã bị đổ xuống biển. Theo lời chủ nhà hàng Chiên, chưa bao giờ tốc độ sạt lở bờ biển lại diễn ra nhanh đến vậy, chỉ trong buổi chiều 13.10, hàng trăm khối đất cát khu vực nhà hàng đã bị sóng đánh sập cuốn trôi ra biển khiến bờ cọc tre cùng hàng chục cây dừa trồng trước đây bị xô ngã. Tuy vậy, quan ngại nhất là khu vực bờ biển khách sạn Palm Garden, lần đầu tiên sóng đã đánh vào đến sát chân bờ kè gây ra hiện tượng sụt lún cát, dù phía ngoài biển cách bờ 60m hiện đã có kè mềm để chống tác động của sóng từ xa.  

Để khắc phục tạm thời, TP.Hội An và Công ty CP Du lịch Hội An đã xử lý kỹ thuật, thi công bằng túi nhựa đựng cát để giảm thiểu lượng cát bị sóng cuốn trôi. Đối với đoạn kè bờ bằng túi địa kỹ thuật Geotube (đoạn từ nhà hàng Tấn Lộc đến nhà hàng Biển Gọi), các hộ kinh doanh nơi đây đã dùng túi nhựa đựng cát xử lý sạt lở trên đỉnh kè và tại vị trí khóa kè bị sụt lún. Riêng đối với đoạn bờ biển từ nhà hàng Biển Gọi (cuối đoạn kè bờ bằng túi Geotube) đến khách sạn Palm Garden, UBND thành phố cũng đã khẩn cấp đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai thi công phần đê bao giảm sóng ngoài biển và có phương án gia cố bảo vệ bờ.

Theo PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung, kết quả từ thiết bị đo quan trắc thời điểm từ ngày 11 - 14.10 cho thấy sóng cao nhất là 3,3m, tác động rất mạnh đến hệ thống kè chắn bao cát. Đặc biệt, kết quả từ 2 thiết bị đo dòng chảy tại trạm bờ nam và bờ bắc cửa sông cũng cho thấy bồi cát bên bờ nam rất rõ rệt, thể hiện hiện tượng chuồi cát từ bờ bắc về bờ nam. “Giải pháp hiện nay vẫn là kè chắn mềm, bổ sung bùn cát, vì bản chất ở đây là mất bùn cát nên cần phải bổ sung lại, còn trong tình hình này không nên làm gì cả để không phá vỡ tổng thể dự án AFD (dự án Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ 300 nghìn euro)” - ông Việt nói.

Bổ sung cát

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, dù biết dự án đang trong quá trình thực hiện hỗ trợ kỹ thuật quan trắc của AFD  (thời gian 12 tháng) nhằm có căn cứ khoa học thực hiện biện pháp lâu dài nhưng tỉnh vẫn sốt ruột. Vì thời gian chống chọi với sạt lở còn khá dài, không chỉ năm nay mà cả mùa mưa bão sang năm do những thủ tục về hiệp định giữa 2 bên, phải chờ thiết kế đánh giá tác động môi trường đến triển khai… nên chắc chắn qua năm 2018 mới có kinh phí thi công. “Ngay từ bây giờ chúng ta phải cố gắng tính toán ứng phó, bởi vì trong quá trình thi công thì vẫn chịu tác động của mưa bão” - ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng thừa nhận những bất cập trong giai đoạn thi công đê chắn sóng mềm vừa qua như túi vải kích thước nhỏ, trọng lượng hạn chế… đã không đảm bảo để giữ ổn định thân kè. Bên cạnh đó, cao trình của kè chắn sóng bên ngoài 60m cũng còn thấp nên tác dụng chắn sóng và giữ lại cát từ xa chưa lớn. Do vậy, giải pháp cấp bách hiện tại sẽ bao gồm: thứ nhất là tìm giải pháp xử lý bùn cát bơm vào; thứ hai, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thiết kế, cao trình cho phù hợp các đoạn kè còn lại cũng như bổ sung thêm một số hạng mục khác như kè bờ, chuyển chữ Y thành chữ T… “Trước mắt, hút cát bổ sung vào phần 60m của đường bờ ở khu vực đã thi công nhằm giảm áp lực sóng, đảm bảo ổn định, an toàn cho tuyến kè bờ và sớm tái tạo bãi. Dự kiến, cát lấy từ nguồn nạo vét, khơi thông luồng đường thủy Cửa Đại đang bị bồi lấp gây ảnh hưởng đến việc di chuyển tránh trú bão của tàu thuyền, khối lượng khoảng 70.000m3. Ngoài ra trung ương cũng xem xét cho điều chuyển nguồn vốn 8 tỷ đồng trong chương trình phòng chống thiên tai năm 2016 của tỉnh sang kè chống sạt lở” - ông Thanh đề xuất.

Theo ông Trần Quang Hoài - Phó cục trưởng Cục Thủy lợi, dù tình trạng sạt lở rất cấp bách nhưng tỉnh cũng cần thông cảm với các cơ quan trung ương về giải pháp cho bờ biển và cửa sông. Ngoài những giải pháp đã làm khẩn cấp hiện nay nên cố gắng phải bảo vệ, nhất là những chỗ bị tụt sạt hoặc túi bị rách. Trên cơ sở các tài liệu đo đạc quan trắc khoa học để có quyết định giải pháp phù hợp với thực tiễn. “Chúng tôi luôn mong muốn làm sao hiệu quả đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước phải đạt kết quả bền vững nhất. Riêng việc lấy cát từ Cửa Đại sang cung cấp cho khu vực bị sạt lở cần xem các tác động cho phía bờ nam và bờ bắc, kể cả khu vực bên trong. Rồi cần tính toán cát sẽ bố trí chỗ nào, số lượng bao nhiêu, thành phần hạt có đủ lực…  Bên cạnh đó, việc quản lý trong quá trình làm phải hết sức chi tiết và đầy đủ, vì ngày hôm nay chúng ta bù vô 1 triệu khối cát nhưng nửa năm sau trôi hết hoặc chỉ còn một nửa chẳng hạn, nên chúng ta thận trọng trong việc này. Thời gian tới chúng tôi sẽ kiểm tra, đề xuất xét duyệt hỗ trợ thiệt hại cơn bão số 7 nếu tỉnh có đề xuất nội dung này” - ông Hoài nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC