Bó rau lang và chùm bằng lăng
Hôm trước, một người Quảng Nam lưu lạc vào Nam mấy mươi năm trước đã qua nhiều đầu mối thông tin nhờ đến tôi lần tìm gốc gác gia đình. Thông tin của ông đưa ra ít ỏi đến độ chỉ có tên ông nội, ông cố, còn nhà thì “ở đâu đó khu vực ngã ba Tam Kỳ”. Có lẽ cụ thân sinh của ông chỉ kịp nhớ được chừng ấy trước khi qua đời, mang theo về thế giới bên kia nỗi niềm đau đáu của người con chưa kịp tìm về bản quán và để lại một quê hương mông lung trong trí nhớ.
Lẽ dĩ nhiên, một kẻ ngụ cư ở Tam Kỳ chừng 20 năm như tôi nếu muốn khởi sự tìm kiếm ngôi nhà “ở đâu đó khu vực ngã ba Tam Kỳ” đành phải cậy nhờ đến những gia đình có gốc gác lâu đời. Mà để tìm đúng nơi mình cần, tôi lại phải thăm dò từ nhiều người quen. Trước khi đến gõ cửa một chủ hiệu thuốc ở mé bên trong ngã tư Trần Cao Vân – Phan Châu Trinh, tôi cứ lăn tăn trước câu nói của người mách nước dù nhà anh ở ngay trên tuyến phố nhộn nhịp Phan Châu Trinh: “Chỉ hy vọng ở cụ này thôi, chớ bây giờ hàng xóm của tôi toàn người lạ hoắc”.
“Đốm lửa” bằng lăng bên hồ. |
“Người lạ” ở một khu phố lớn và một ngày một sầm uất là chuyện thường tình, ai cũng có thể lý giải được và không riêng gì với tỉnh lỵ Tam Kỳ. Tình người ở chốn “xa lạ” ấy đôi khi cứ tan loãng dần ra theo chiều dài của tuyến phố, cứ như những vòng tròn trên mặt nước khi ai đó ném một viên sỏi, lan xa lan xa rồi chìm hẳn. Nhưng bạn có tin không, cũng chính những nơi tưởng là toàn “người lạ” ấy ở ngay tại Tam Kỳ này, ngược lại tôi vẫn nhìn ra những vết dầu loang. Ấy là các khu phố mới, người tứ xứ đến mua đất làm nhà rồi hình thành cộng đồng dân cư riêng. Cuối năm cũng biện một lễ cúng xóm, đầu năm cũng chọn ngày lành để “khai trương”, dù nhiều dãy nhà hút sâu trong hẻm đôi khi chả biết khai trương chuyện gì. Giỗ chạp cũng mời sang uống ly rượu… Tình người ở đấy, theo thời gian, lan xa lan xa nhưng không mất hút.
Tôi để ý quan sát suốt 20 năm nay và nhận ra sự biến chuyển âm thầm của những người đang “ở phố”. Ban đầu, có những khác biệt và dè chừng nho nhỏ, riết rồi sống gần nhau nhiều năm ai cũng nhìn ra được lòng dạ của hàng xóm, tốt xấu thế nào…, biết để mà đối xử cho phải phép. Bao giờ cũng vậy, kinh nghiệm sống của người xưa luôn đúng trong nhiều trường hợp, bởi đã được đúc kết qua năm tháng, mà lời khuyên “bán anh em xa mua láng giềng gần” là một thí dụ. Láng giềng gần, ở phố mới hay quê cũ, đều “giá trị” như nhau.
Lật giở tập sách ảnh “Tam Kỳ xưa và nay” do NXB Thông tấn vừa ấn hành hồi tháng 9.2016 nhân sự kiện tròn 110 năm phủ Tam Kỳ và TP.Tam Kỳ trở thành đô thị loại 2, không hiểu sao tôi lại chú ý một vài bức ảnh ít ỏi về hoa sưa, hoa bằng lăng. Hồn của phố không đọng ở đó, nhưng các cụm hoa rực rỡ kia chắc chắn đã làm nên nét duyên cho thành phố tỉnh lỵ. Để rồi một buổi sáng nào đó, trên mạng xã hội Facebook bất ngờ tràn ngập hình ảnh hoa sưa với những dòng status (trạng thái) đầy cảm xúc của các cô gái lãng mạn. Lúc đó ta mới biết vàng sưa đã điểm ở Tam Kỳ, có thể thả bước trên lối đi vàng rực ngay tuyến đường trung tâm thành phố chứ không cần phải dong xe về tận những ngả đường quê tít dưới Hòa Hương chen dày tán sưa cổ thụ. Ngày nọ, khách dừng xe bên đường Nguyễn Du loay hoay chọn góc chụp những “đốm lửa” bằng lăng tím ngát… Ơ hay, có biết bao nhiêu người trẻ đang chia sẻ với nhau những tâm tình đồng cảm về góc phố đang sống, chứ không hề “xa lạ” hay “hờ hững”. Trong họ, phố đã hóa tâm hồn.
Và một buổi sáng nọ, ra mở cánh cổng, thấy một bó rau lang tươi mơn mởn ai đó đặt ngay phía trước. Những đọt rau lang còn ứa nhựa sống, có lẽ bà cụ hàng xóm vừa ra vườn ngắt hồi sáng sớm nay. Tự nhiên thấy lòng lâng lâng khó tả, vì biết trên tay người tặng bó rau đã ngát mùi thơm dù rau lang không thể tỏa hương mà chỉ hăng hắc nhựa.
Tam Kỳ không có nhiều góc phố đặc trưng như Hội An, và hình như thành phố tỉnh lỵ vẫn đang trên hành trình tạo ra dáng vẻ cho riêng mình. Như nhiều đô thị mới, Tam Kỳ cũng mở ra nhiều khu phố và kéo theo nhiều cộng đồng mới. Có khu này náo nhiệt đến mức người kinh doanh buôn bán ở đó không biết hết về nhau, nhưng nhiều nơi đã nhen nhóm tình cảm chẳng khác gì một xóm nhỏ nơi quê cũ. Ban đầu, sẽ có ai đó cảm thấy xung quanh xa lạ, nhưng dần dà họ tự biết cách “lại gần, gần lại với nhau” như ca từ của Trịnh Công Sơn. Trong họ, tình người “càng lắc càng đầy” theo nhịp phố. Như tôi, vẫn nhìn thấy lửa bằng lăng bên hè phố nhưng không quên đợi chờ bó rau lang mà người hàng xóm lẳng lặng dúi trước cổng.
Những lúc ấy, phố len lỏi trong tôi biết bao nhiêu mạch nguồn xúc cảm rồi nhận ra mình yêu cả chùm hoa tím ngắt lẫn bó rau xanh non…
CHU THỤY