Cầu Cửa Đại, chưa hết chuyện…
Sáng sớm mưa rồi hửng nắng, lại mưa, vẫn không ngăn được nhóm sinh viên từ Đà Nẵng chạy vô cầu Cửa Đại, đứng ngay bên này cầu thuộc phía Cẩm Thanh chụp ảnh. Cắt ngang mũi đường dẫn là đường chạy xuống bãi biển. Xe tải, xe khách du lịch, xe to xe nhỏ ùn ùn. Cũng ngay tại đó, đất múc dưới chân cầu được xe tải chở lên, dồn đống rồi ầm ầm chạy đi.
Ông N. nhà ngay đó, lắc đầu: “Múc đất còn dư hồi làm cầu để khai dòng, nhưng rảnh quá hay răng…”. “Tại sao?”. Ông chỉ tay ra sông: “Anh ngó tề, như mình làm con mương, lấy cuốc trổ mương chỗ trên mà lấy rác đổ dưới, thì nước chảy đi mô? Nhà nước múc đất đi, nhưng lại trồng dừa ra tới gần giữa sông, thì múc làm chi, tào lao hết sức”. Vừa xảy ra chuyện ở thôn Thanh Tam Đông này. Dừa này thuộc dự án do Sở NN&PTNT trồng, để bù lại diện tích dừa bị phá gần 30ha do làm đường dẫn cầu, trồng lấn ra sông. Dân làm trủ, kéo te, đặt lờ, nhổ dừa liệng hết vì cấn dừa nên làm ăn không được. Tôi vào ủy ban xã Cẩm Thanh, anh cán bộ văn phòng cười hì hì: “Công an đang điều tra ai nhổ dừa, nhưng không biết có được không, vì họ nhổ ban đêm, cấn không bắt cá được nên bà con phá, mà đâu chỉ thôn Thanh Tam Đông, chạy miết xuống dưới Vạn Lăng cũng rứa”. “Trồng dừa vậy có cản dòng chảy không?”. “Rõ ràng là có”. “Cây cầu có ảnh hưởng giao thông không?”. “Ui, mấy bà chở cá chở rau từ bên nớ qua, cứ tuôn đầu chạy, công an thấy chưa kịp thổi, thì mấy bả thấy công an sợ quá tự té, tai nạn miết”… Thông tin mới nhất, là từ đầu tháng 10 đến nay có đến 7 vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là học trò. Không tai nạn mới lạ. Trăm thứ xe, từ du lịch đến xe con, xe khách bắc - nam cũng ùa xuống, vừa tiện, vừa tránh trạm thu phí, mà đây là đường xã, nhỏ xíu, nên ùn ùn. Trên đường có đến 3 trường học của cấp 1 và mẫu giáo, từ thôn Thanh Tam Đông đến Thanh Nhứt về Võng Nhi. Học trò cấp hai cũng từ đây lên trường Huỳnh Thị Lựu gần ủy ban xã… Như tôi là khách tới, ngó đường sá rộn ràng, dễ buông câu: có cầu tiện và vui quá; nhưng ở đây mới thấm tai họa đang và sẽ rập rình.
Cầu Cửa Đại nhìn từ bến cá An Lương, xã Duy Hải (Duy Xuyên). Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Sẽ chẳng phải nói thêm về cây cầu đẹp, tiện lợi, là đột phá giao thông kinh tế vùng đông của tỉnh, tôi từ Đà Nẵng chạy về quê cũng đi cầu này, nhưng lần này khi đồng nghiệp nói dân rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh đang méo mặt vì cầu, thì giật mình. Vẫn giữ chất giọng như thuở đương chức, nguyên Bí thư Hội An, ông Nguyễn Sự rành rọt: “Làm cầu là đúng rồi, nó kéo vùng đông đi lên, nhìn đại thể là không có chi đáng nói, nhưng cầu xong, thì còn lắm chuyện. Thứ nhất, dừa bị phá, tất nhiên, được cái này thì mất cái kia, nhưng trồng dừa kiểu đó là nguy. Năm 1999, lụt nước, anh chạy ca nô xuống thôn Vạn Lăng, cái đê chương trình PAM làm 1976, trở thành nơi ngăn lũ, mực nước trên đê cao hơn dưới đê 2m, anh ra lệnh phá hai cống ở Hố Lăng để thoát nước, bởi nếu không thì phố cổ và Cẩm Kim uống no nước. Đê PAM ngăn mặn nhưng thành nơi cản nước.
Nhiều xe tải lưu thông, sẽ khiến đường du lịch ven biển bị hư hại.Ảnh: TRUNG VIỆT |
Giờ thì đường dẫn cầu Cửa Đại và khu trồng mới dừa, chiếu lại… phim cũ đó, dứt khoát vậy, nếu lụt, nước lớn từ thượng nguồn về. Anh khẳng định trồng dừa như vậy là đi ngược tự nhiên. Xin lưu ý, đây là khu vực sát cửa biển, vốn đã bị bồi lấp nặng, trồng ồ ạt, thấy hoảng, anh mấy lần điện thoại yêu cầu nhổ, họ đã bỏ 1/3, nhưng chừng đó chưa đủ, phải lấy đi 2/3, không thì thành nơi ngăn nước thoát. Nếu lụt, nước không thoát được, nó dội ngược vô lại thì Cẩm Thanh, Cẩm Kim, phố cổ sẽ lãnh đủ”. Anh cán bộ xã thì nói: “Hố Lăng là âu thuyền tránh bão, thành phố đã có dự án nạo vét để thuyền bà con trú tránh vì bồi quá, cầu làm khiến đất thừa đổ bồi thêm, khổ quá, không biết tính răng…”. Tôi đứng ngay đầu đường, xe ầm ầm chở đất từ đây đi đổ. Đây là đường mới, tất nhiên phá rừng dừa để làm, nối đường dẫn từ cầu đến đường Cửa Đại, ngay khách sạn Nam Long. Từ đây sẽ có cầu vượt qua sông Đế Võng, đâm xuống lại đường ven biển nối Đà Nẵng. Đường ngang ngõ dọc sẽ hiện hình. Đường đến đâu, dừa mất đến đó. Một người ở đây nói thêm, chua chát: “Chưa hết đâu, ít bữa giao thêm 15ha Đồng Muối ở thôn Võng Nhi cho đại học Phan Châu Trinh nữa, dừa diếc chi nữa!”.
Dừa trồng mới lấn ra sông phía Cẩm Thanh, lo ngại sẽ cản dòng chảy.Ảnh: TRUNG VIỆT |
“Vậy, nếu nước lớn thì thua à?”. “Chi mà không thua - ông Sự quả quyết - bởi đường thoát ở đâu? Thật ra lúc đó Hội An đã thấy được vấn đề, tranh cãi quyết liệt, tỉnh cũng có tính, nhưng tiền đâu…”. Mối nguy đã hiện hình. Ông Sự xoay vấn đề: “Dừa chỉ là một, chuyện lớn bây giờ là giao thông. Đà Nẵng cấm xe tải lớn chạy đường ven biển, nó tránh bèn cách đi ngõ Tứ Câu, Điện Nam - Điện Ngọc đổ ngõ Cẩm An, mà đường Cẩm An là đường du lịch, trăm thứ xe đều đổ về, thì băm nát đường, vừa hư hại, vừa mất an toàn giao thông, vừa ồn ào, khiên cưỡng ghê gớm cho hoạt động du lịch. Chạy xe kiểu này, cả Điện Bàn cũng gánh thiệt hại giao thông... Tóm lại là khi tính cái chi đó, phải nhìn toàn cục, không thì sẽ xảy ra những bất cập khó giải quyết”. “Theo anh thì phải tính sao?”. “Phải thấy rằng khu phía nam cầu Cửa Đại đã chuyển động tốt, thì giờ tính tiếp bài toán giao thông phía bắc, là Điện Bàn, Hội An. Hãy bắt đầu bằng cách làm đường từ Duy Nghĩa qua Duy Vinh rồi sang Cẩm Kim, từ đó làm cầu qua khu chợ cá Hội An, rồi làm tiếp đường sát sông Cổ Cò (vùng rau Trà Quế), lên ngõ Điện Nam - Điện Ngọc, mở rộng đường 607. Làm được đường này, sẽ giải quyết lưu lượng xe lớn về Hội An, vừa nối thông Điện Bàn, lại mở được trục lên Mỹ Sơn, hình thành nhiều ngả đường đẹp, lại tiện lợi, giải quyết lưu thông, thúc đẩy du lịch…”.
Giao thông luôn là cặp bài trùng với dân sinh. Cái câu “không đánh đổi cái này để mất cái kia”, trong một số trường hợp là khiên cưỡng, ví dụ như làm cầu Cửa Đại mà thiệt hại này nọ phía Hội An. Nhưng người cầm trịch không phải vì thế mà… ngó lơ. Đâu cũng là dân cả, cũng áo cơm, sinh sống, bày cờ ra phải đi nhiều nước, không tính được bây giờ thì mai phải tính. Tóm lại là khi tính cái chi đó, phải nhìn toàn cục, không thì sẽ xảy ra những bất cập khó giải quyết. |
Đường có được do đi mãi mà thành. Giao thông luôn là cặp bài trùng với dân sinh. Cái câu “không đánh đổi cái này để mất cái kia”, trong một số trường hợp là khiên cưỡng, ví dụ như làm cầu Cửa Đại mà thiệt hại này nọ phía Hội An. Nhưng người cầm trịch không phải vì thế mà… ngó lơ. Đâu cũng là dân cả, cũng áo cơm, sinh sống, bày cờ ra phải đi nhiều nước, không tính được bây giờ thì mai phải tính, không thể rồi bàn tan nợ. Có người nói, ngay cả chuyện làm cầu cũng khiến khách đi thoải mái, tiện tay bứt lá dừa chơi, làm hư hết.
Tiểu tiết nhiều khi thành đại sự, nếu nó nằm trong chuỗi âu lo. Khu vực dân sinh trên dưới chân cầu phía Cẩm Thanh, đều đáng lo. Còn nhớ, lúc đường tránh qua Vĩnh Điện hoàn thành thì trúng mùa lũ, hệ thống thoát nước… sụt bệ lò rèn, lụt ứ nước, dân la quá trời, nhưng khi mở ra, khẩu độ lớn, nước dồn lại, tuôn xuống, lại la to hơn. Mưa bão tới rồi. Có người ngồi ở quán cà phê trên đường Nguyễn Duy Hiệu, cười chua chát: “Nhà tôi ở dưới ni nhưng cao lắm, chứ ông ở bên An Hội, ứ nước, thì trèo lên bàn thờ nằm…”. Tôi quay trở lại cầu Cửa Đại, ngó xuống dừa mới trồng, trời mưa, cũng lo chạy về vì bản tin bão lớn đang vào Biển Đông, kiểu ni mà lụt lớn thì nước cứ là … thoải mái. Nhớ lúc nãy ông N. nói: “Để đó mà coi, không lo nhổ sớm, cái thứ dừa nước là nhảy như cóc, ít bữa mọc ra tới bên Duy Nghĩa, bít cửa sông, lụt to thì ăn cho hết…”.
Phóng sự của TRUNG VIỆT