Tìm cách bảo tồn hệ sinh thái ven biển
Hệ sinh thái ven biển đóng vai trò quan trọng đối với môi trường và cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển Núi Thành, nhưng gần đây đã bị suy giảm nghiêm trọng và đang rất cần sự bảo tồn kịp thời.
Suy giảm
Ở Núi Thành, theo thống kê, cây ngập mặn có 17 loài, trong đó tại khu vực xã Tam Giang, Tam Hòa có sự hiện diện của các loài cây quan trọng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn như đước, vẹt, bần, mắm. Về cỏ biển, ở Cồn Si, thôn Đông Xuân (xã Tam Giang) đều có cỏ biển, chủ yếu các loài cỏ hẹ, cỏ lươn với mật độ từ 300 đến 12.000 cây/m2, độ phủ từ 6,25 đến 50%. Tuy nhiên, các loại cỏ biển này đang bị suy giảm nhanh do hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Ông Phạm Văn Nhì, người dân xã Tam Giang cho biết, vào mùa vụ, khi có sự xuất hiện của các loại cá giống như cá mú, cá dìa, cá hồng... trên các thảm cỏ biển, ngư dân dùng đủ mọi phương tiện để cào xúc. Nếu các hoạt động này tiếp tục kéo dài, không có sự khuyến cáo và quản lý tốt, chắc chắn các thảm cỏ biển sẽ bị mất và việc phục hồi không dễ dàng.
Phục hồi rừng ngập mặn. Ảnh: V.P |
Những năm gần đây, sự phát triển quá nhanh về dân số ở vùng cửa sông ven biển làm tăng áp lực về nhà ở, việc làm, cạnh đó do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên hệ sinh thái ven biển Núi Thành bị tàn phá nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng. Nhiều diện tích rừng ngập mặn đã bị chặt phá để phát triển khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, làm hồ nuôi tôm... Tình trạng khai hoang lấn biển, đặc biệt là nuôi tôm quảng canh thô sơ dẫn đến tình trạng đất hoang hóa ngày càng tăng, môi trường nước trong đầm, ngoài sông bị ô nhiễm. Vùng cửa sông và bờ biển tình trạng xói lở diễn ra ngày càng mạnh hơn về cường độ và phổ biến hơn về phạm vi. Cạnh đó, nghề cá ven bờ đã và đang khai thác quá mức bằng nhiều phương thức hủy diệt. Một nguyên nhân gây suy giảm lượng cỏ biển nữa là khi nước triều xuống thấp, nhiều người dân đi đào bắt trùn biển và đào luôn các thảm cỏ; khi thủy triều lên, các hố đào dần dần bị lấp nhưng cỏ lươn khó phục hồi.
Theo ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, cũng như rừng ngập mặn, chưa có các nghiên cứu cụ thể về mức suy giảm của thảm cỏ biển ở Núi Thành. Nhưng theo kết quả của các chuyến khảo sát dựa vào hiện trạng, các vùng phân bố lốm đốm do chết và tình hình sinh trưởng của thảm cỏ cho thấy chúng đang bị suy giảm nghiêm trọng, có thể lên đến hơn 50% diện tích.
Giải pháp bảo tồn
Tại hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương”, ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học & kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh, để bảo tồn hệ sinh thái ven biển huyện Núi Thành cần triển khai đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng ven biển và các lưu vực sông Trường Giang, có biện pháp hữu hiệu bảo vệ thảm cỏ biển trong thời gian tới.
Còn theo ông Trần Quang Kiến, dưới áp lực mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hệ sinh thái ven biển huyện Núi Thành bị suy giảm mạnh. Việc phải xác định phương hướng và nhiệm vụ trong kế hoạch quản lý và phát triển bền vững các hệ sinh thái này là rất cấp thiết. “Hệ sinh thái thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ven biển cần được phục hồi và bảo vệ trên cơ sở cộng đồng và vì lợi ích cộng đồng. Cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng hủy hoại thảm cỏ biển, nếu không việc phục hồi sẽ rất tốn kém. Theo tính toán, để phục hồi 1 hécta thảm cỏ lươn ở Anh Quốc phải tiêu tốn từ 9.000 đến 46.000USD bằng cách dùng phương pháp di trồng luôn trầm tích và cỏ” - ông Kiến nói.
Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ bảo vệ hệ sinh thái biển, các xã vùng đông huyện Núi Thành cần thiết phải triển khai thực hiện các quy định về quản lý và xử lý rác thải, nước thải, ngăn chặn mọi tác động xấu ảnh hưởng môi trường nước ven bờ tại khu vực bảo tồn hệ sinh thái. Tiến hành các hoạt động nhằm phục hồi các rừng ngập mặn, cỏ biển, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động đối với môi trường, bảo đảm phát triển bền vững của các hệ sinh thái. Giám sát, kiểm soát nhằm bảo đảm thực thi, tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ khai thác thủy sản. Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn và cỏ biển nhằm góp phần bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã vùng biển phía đông của địa phương.
VĂN PHIN