Phụ nữ Ấn Độ tham gia khởi nghiệp

NAM VIỆT 20/10/2016 10:15

Vượt lên định kiến xã hội, nhiều phụ nữ Ấn Độ mạnh dạn tham gia phong trào khởi nghiệp (start-up), phát triển kinh tế.

Ấn Độ hiện là quốc gia có tốc độ khởi nghiệp nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, thành kiến xã hội khiến phụ nữ tham gia công tác kinh tế - xã hội còn bị hạn chế ở nhiều nơi. Vì thế, phụ nữ tham gia khởi nghiệp gặp không ít khó khăn. Điển hình như các quỹ đầu tư mạo hiểm tiềm năng khi vào thị trường khởi nghiệp luôn đặt các câu hỏi dành cho nữ doanh nhân như: “Bạn đã thảo luận với chồng của mình về công việc này chưa?”; “Điều gì xảy ra khi bạn bắt đầu một gia đình?”. Nhà khoa học nữ Shrilakshmi Desiraju thành lập công ty dược phẩm từ hơn 5 năm trước cho biết, khi bà tìm kiếm nhà đầu tư hay quỹ mạo hiểm, họ luôn đặt ra yêu cầu rằng chồng bà phải tham gia quản lý công ty. May mắn, Shrilakshmi Desiraju đáp ứng được yêu cầu nên mới có cơ hội thu hút quỹ đầu tư.

Một nữ doanh nhân khởi nghiệp ngành thực phẩm ở Mumbai, Ấn Độ.  Ảnh: covinnus
Một nữ doanh nhân khởi nghiệp ngành thực phẩm ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: covinnus

Theo thống kê của tập đoàn Tài chính quốc tế, Ấn Độ có gần 30 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và mini, trong đó 10% do phụ nữ làm chủ. Chỉ riêng quý 1.2016, trong số 300 công ty khởi nghiệp mới được thành lập, chỉ có 9 công ty có chủ là nữ giới. Tuy nhiên, xu hướng nữ giới khởi nghiệp tại Ấn Độ tiếp tục tăng và thành công. Tại thành phố Mumbai - nơi áp lực xã hội rằng phụ nữ phải hy sinh cho gia đình, các công ty khởi nghiệp do phụ nữ thành lập ngày càng nhiều. Trường hợp Pooja Dhingra (29 tuổi) là ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp trường ẩm thực nổi tiếng Cordomn Bleu ở Paris (Pháp), Dhingra quay về quê hương và hiện sở hữu hàng loạt quán cà phê với thương hiệu Le 15. Dhingra còn có một cửa hàng lớn dạy làm bánh tại Mumbai. “Khó khăn nhất với tôi là việc đặt chân vào thị trường khởi nghiệp khi còn quá trẻ. Hơn nữa, ngành công nghiệp thực phẩm tại Ấn Độ rất rộng lớn và thường do nam giới làm chủ. Nhưng giờ đây tôi đã tự tin hơn và chứng tỏ cho mọi người thấy được khả năng của mình” - Dhingra nói.

Hiện nay, bán hàng qua mạng là một trong những hình thức mà phụ nữ Ấn Độ tham gia khởi nghiệp phát triển rất mạnh. Qua đó theo kịp sự bùng nổ của thương mại điện tử, không còn bị giới hạn khoảng cách không gian và thời gian, đối tượng khách hàng cũng có thể phong phú, đa dạng hơn. Bà Falguni Nayar - Giám đốc điều hành trang bán hàng trực tuyến NYKKA.com cho biết, bán hàng trực tuyến sẽ giúp phụ nữ tự chủ hơn, góp phần cải thiện thu nhập và vị trí xã hội. Ước tính, từ nay đến năm 2019, lợi nhuận thu được từ bán hàng trực tuyến tại Ấn Độ tăng 51% mỗi năm và chắc chắn đây là cơ hội để phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế.

Theo hãng tin CNN, doanh nghiệp khởi nghiệp đóng góp 11,5% GDP cho nền kinh tế Ấn Độ, tạo ra 70 triệu việc làm, trong đó doanh nghiệp nữ tạo ra hơn 8 triệu việc làm. Ankita Vashistha - Giám đốc điều hành quỹ khởi nghiệp Saha Fund với số vốn một tỷ rupee (15 triệu USD), mới đi vào hoạt động gần một năm nay, quyết định chỉ dành quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp do phụ nữ thành lập. Mục đích nhằm giúp nữ giới tự tin hơn khi khởi nghiệp cũng như hướng đến cung cấp dịch vụ và sản phẩm chuyên cho đối tượng nữ. Trên thực tế, có đến 90% các doanh nghiệp do phụ nữ thành lập chủ yếu là các công ty vừa và nhỏ. Tương lai, việc mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp nữ là đều rất cần thiết.

NAM VIỆT

NAM VIỆT