Nghịch lý kế hoạch sử dụng đất hàng năm
Các địa phương kê nhiều danh mục sử dụng đất trong năm nhưng thực tế diện tích thu hồi đất rất nhỏ bé.
Để tránh tình trạng bỏ hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất, thực hiện theo quy định của pháp luật, hàng năm UBND 2 cấp (tỉnh và huyện) lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ). Theo Sở TN-MT, đến nay 18/18 địa phương đã được phê duyệt KHSDĐ năm 2016 nhưng còn nhiều địa phương liên tiếp bổ sung danh mục thu hồi đất, bổ sung KHSDĐ nên rất khó khăn cho giải quyết hồ sơ đất đai. Nhiều nơi chỉ thực hiện một diện tích cực thấp so với tổng diện tích thu hồi đất theo KHSDĐ hàng năm được HĐND tỉnh thông qua. Đơn cử, TP.Hội An có 71 danh mục thu hồi đất với tổng diện tích hơn 214ha, nhưng chỉ thực hiện 2 danh mục với diện tích 0,9ha; huyện Quế Sơn, KHSDĐ đất năm 2016 hơn 573ha nhưng chỉ mới thực hiện 0,9ha; thị xã Điện Bàn phê duyệt 209 danh mục với diện tích thu hồi đất hơn 1.427ha nhưng thời điểm này mới triển khai 5 danh mục với diện tích xây dựng gần 16ha. Sở TN-MT đưa ra con số: Năm 2016, toàn tỉnh được HĐND thông qua 2.211 danh mục với tổng diện tích thu hồi gần 5.000ha, tuy nhiên đến nay mới triển khai 96 danh mục (chiếm 4,75% tổng danh mục thu hồi đất) và thực hiện thu hồi thực tế hơn 751ha (đạt tỷ lệ hơn 15% KHSDĐ). Cá biệt, theo kế hoạch chuyển đất trồng lúa hơn 492ha nhưng hiện mới chuyển sang mục đích sử dụng khác 7,2ha.
Vì sao có độ chênh trời vực trên? Theo ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, nhiều địa phương không nắm được nhu cầu sử dụng đất, chủ trương cũng như nguồn vốn đầu tư, tùy tiện đưa vào KHSDĐ quá nhiều danh mục, chuyển mục đích đất trồng lúa nước vượt chỉ tiêu UBND giao. Lạ lùng là, đến nay đã 3 lần lập danh mục trình HĐND, lập KHSDĐ hàng năm (2014, 2015 và 2016) nhưng nhiều tổ chức, cơ quan kể cả đơn vị của nhà nước vẫn chưa nắm được quy định pháp luật đất đai trong thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Do không khảo sát, chủ động nhu cầu sử dụng đất hàng năm nên các địa phương, đơn vị bổ sung KHSDĐ nhiều lần, điển hình như thị xã Điện Bàn, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. “Tại hầu hết khu vực đô thị đều có dự án phát triển khu dân cư, khu dân cư phố chợ, bất động sản gắn với du lịch, dịch vụ.
Nhiều dự án chậm tiến độ, không thực hiện một năm mà phải đăng ký KHSDĐ nhiều năm nhưng vẫn không thực hiện được. Vẫn còn tâm lý cứ đưa vào KHSDĐ, báo cáo HĐND danh mục thu hồi đất, trình UBND tỉnh phê duyệt xong rồi sau đó mới kêu gọi đầu tư, nên đưa vào KHSDĐ quá nhiều nhưng thực hiện chẳng là bao” - ông Bê giải thích. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, để gỡ nghịch lý về KHSDĐ, các địa phương nên tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ theo quy định, trường hợp có phát sinh thì trong một năm tại các địa phương nên bổ sung từ 1 đến 2 lần. Đối với những danh mục đăng ký KHSDĐ mà không xác định đầy đủ thông tin (phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp trên phân bổ, nguồn vốn đầu tư...) thì không đưa vào KHSDĐ, loại khỏi trước khi trình HĐND tỉnh có nghị quyết.
TRẦN NGUYỄN