Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài 2: Nghệ nhân tìm truyền nhân

SONG ANH 20/10/2016 08:37

Nếu các làng nghề vẫn đau đáu chuyện thiếu lao động trẻ, thì ở các xưởng của những nghệ nhân, thậm chí ngay cả doanh nghiệp hành nghề truyền thống trong tỉnh, vẫn có những lớp thợ trẻ miệt mài ngày đêm… Ngược lại, ở các trường nghề hay chương trình đào tạo lao động nông thôn, nghề thủ công dường như bị bỏ quên.

  • Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài 1: Thất bại từ du lịch làng nghề
Làng mộc Kim Bồng giữ được lao động trẻ nhờ vừa làm nghề vừa khai thác du lịch. Ảnh: MINH HẢI
Làng mộc Kim Bồng giữ được lao động trẻ nhờ vừa làm nghề vừa khai thác du lịch. Ảnh: MINH HẢI

Khó tổ chức lớp nghề truyền thống

Thiếu hụt lao động trẻ là tình trạng chung ở nhiều làng nghề. Dù chưa có con số thống kê chính thức, song theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH và Sở NN&PTNT, lao động ở các làng nghề chủ yếu ở vào độ tuổi trung niên và lớn tuổi. Cùng với đó, hàng nghìn lao động bỏ nghề truyền thống đi làm công nhân hoặc kiếm việc làm mới ở nơi khác. Ông Nguyễn Phi Hồng, chuyên viên của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nguyên nhân thợ trẻ không gắn bó với nghề là vì thu nhập không ổn định, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Hơn nữa, tính chất  công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn nhưng bình quân thu nhập lao động lại không cao…

Chuyện phát triển làng nghề gắn với du lịch chưa biết sẽ đi đến đâu, nhưng bây giờ khó khăn về thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm, dẫn đến thu nhập bấp bênh khiến người lao động xuất hiện tâm lý “ngại” học nghề, truyền nghề. Ông Trần Đình Quế, phụ trách mảng đào tạo nghề nông thôn của Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, muốn tổ chức một lớp nghề truyền thống ở địa phương rất khó, cần phải có giáo viên và chương trình dạy phải có lớp lang. “Nghề truyền thống đòi hỏi phải theo thời gian dài và học viên phải có năng khiếu. Chưa kể sau khi học xong, thường người học rất khó tìm việc làm” - ông Quế nói. Trong khi đó, hệ thống trường, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có đến 47 cơ sở nhưng việc đào tạo nghề truyền thống vẫn phải bỏ lửng, thậm chí tại các trường nghề này vẫn không có ngành đào tạo nghề cho những làng nghề truyền thống.  

Có những làng nghề trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không thể tìm ra người trẻ, bởi lẽ sản phẩm của làng nghề rất khó tiêu thụ hoặc thiên về những sản phẩm thực phẩm. Bản thân những người trẻ tuổi cũng khó để có thể học được các “ngón nghề”. Các làng nghề như rau Trà Quế, rau Hưng Mỹ hoặc các làng nghề dệt chiếu như An Phước, Bàn Thach, chiếu chẽ Triêm Tây, làng nghề bánh tráng Phú Triêm, các làng nghề chế biến nước mắm Hà Quảng, chế biến hải sản Trung Phường, phở sắn Đông Phú… đều không có thợ trẻ theo nghề.

Đối với dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong vòng 5 năm (2011 - 2015), theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH đã có 26.667 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề với tổng kinh phí hơn 32,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chia theo hai nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trong chương trình đào tạo này, thì ở loại hình nghề thủ công truyền thống, chỉ có nghề mộc và mây tre đan đã từng mở được lớp đào tạo trong năm 2011. Những năm sau này, nhóm nghề phi nông nghiệp rơi chủ yếu vào nghề may mặc, vì đây là nghề rất dễ kiếm việc làm. Từ năm 2011 đến nay, vẫn chưa có lớp đào tạo thứ 2 nào được mở ra từ chương trình này dành cho lao động trẻ nông thôn.

Hiện tại có 3 hình thức đào tạo chính là truyền nghề trong các làng nghề, dạy nghề trong doanh nghiệp và đào tạo trong các trường dạy nghề. Ở các địa phương khác, hình thức truyền nghề trong các làng nghề vẫn là cơ bản nhất (chiếm tới 97% số thợ thủ công) và giữ vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của làng nghề… Thì tại Quảng Nam, chỉ duy nhất làng mộc Kim Bồng hiện có thợ trẻ và làng nghề này vẫn đang tiếp tục có nhiều nhóm đào tạo thợ lành nghề cho làng. Tuy nhiên, các nghệ nhân cũng thừa nhận hình thức truyền nghề vẫn có bất cập như chỉ tập trung luyện tay nghề, không mở mang kiến thức văn hóa, xã hội, kỹ thuật, nhất là về thẩm mỹ cho người thợ. Từ đây chất lượng thẩm mỹ, độ tinh xảo trên các sản phẩm thủ công còn hạn chế, khó dung hòa được với cuộc sống hiện đại và không có giá trị cao. Ngoài kênh đào tạo ở các làng nghề, tại các xưởng sản xuất vẫn là nơi có thể tìm thấy lao động trẻ. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (nghệ nhân chế tác gỗ mỹ nghệ tại cụm làng nghề Đông Khương, Điện Bàn) cho rằng, sở dĩ số người đăng ký học ở các cơ sở đào tạo nghề không nhiều vì họ không được đảm bảo việc làm sau khi hoàn thành lớp học. “Ở các xưởng sản xuất của những doanh nghiệp hành nghề truyền thống, người học việc được bảo đảm việc làm sau khi ra nghề, nên việc họ tìm đến với những cơ sở này là điều đương nhiên” - ông Tiếp nói.

Phải sống được với nghề…

Nhiều nghệ nhân không chỉ mê nghề mà còn tâm huyết với câu chuyện tìm thế hệ kế cận. Chính họ là những đốm sáng về tương lai của các ngành nghề truyền thống Quảng Nam. Dù có thể câu chuyện tìm truyền nhân của họ đôi lúc lắm nỗi buồn, nhưng chính vậy, lại khiến những người mê nghề càng có “lửa” để bền bỉ truyền nghề hơn. Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển từng lân la tới nhà hàng xóm, nhỏ to với họ hướng con theo nghề truyền thống của làng đúc đồng Phước Kiều. “Phải nói thật với nhau rằng, các cơ sở đúc Phước Kiều đang vét sức lao động của thợ đúc lành nghề bởi lỗ hổng đào tạo, cả từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Liệu mười năm nữa có còn ai theo để nhận lãnh trách nhiệm hoạt động sản xuất của làng nghề đúc đồng Phước Kiều?” - ông Tiển tự vấn. Ngay khi biết đến quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính ông Tiển đã đi xin từng loại giấy phép để về mở lớp dạy nghề đúc đồng cho lớp trẻ. “Nhưng ròng rã 6 tháng trời, tôi chỉ đi kêu gọi được 7 hồ sơ, tức là 7 em chịu đi học nghề, không đủ chuẩn để mở một lớp dạy. Dự án đào tạo nghề đúc đồng Phước Kiều của Dương Ngọc Tiển bị phá sản” - ông Tiển chua chát. Tuy nhiên, trong tiêu chí công nhận nghệ nhân cần phải có hoạt động đào tạo, truyền nghề. Thì nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển tuy có vất vả để tìm học trò, nhưng cuối cùng ông cũng đã có được những người học trò mê nghề như mình, tuy tuổi đời của trò cũng đã ngoài 40.

Trong khi đó, cũng cùng một vùng quê, nhưng cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp lại có khá đông thợ trẻ. Hơn 50 con người từ cả thợ lẫn người mới học việc cùng hoạt động, rộn rã với những thanh âm đục đẽo cưa bào. Ông Tiếp nói, tùy vào đặc thù nghề nghiệp và thị trường sản phẩm mà có được học viên theo bao nhiêu. Cũng nghề mộc truyền thống, tại cơ sở Âu Lạc của nghệ nhân ưu tú Trần Thu, có đến hơn 70 thợ trẻ và lành nghề. Hay mạnh mẽ hơn, Công ty CP Nhà Việt (Vinahouse Space) của Lê Văn Vĩnh, con số thợ học nghề và làm nghề mộc truyền thống lên đến hàng trăm. Không nhất thiết phải ở tại làng nghề truyền thống thì nghề mới được truyền lại. Rất nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc đi lên bằng vốn nghề truyền thống, đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Từ vị thế này, bằng cách bảo đảm công ăn việc làm cho người theo nghề, họ tiếp tục tìm lớp người kế cận, để gián tiếp giữ một nghề xưa. Anh Lê Văn Vĩnh nói, “chia sẻ và truyền nghề là cách thức để kích thích lòng yêu nghề ở lớp người trẻ hơn mình, hơn nữa, cũng là một cách để những đam mê của mình đi đường dài hơn”. Cũng như vậy, ở làng mộc Kim Bồng, dù Hợp tác xã Nghề mộc đã giải thể, nhưng các hộ làm nghề ở đây vẫn có những nhóm thợ trẻ riêng biệt. Ông Phan Xuân Nguyên, chủ một cửa hàng sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ tại làng mộc Kim Bồng chia sẻ, bản thân cũng là một người trẻ, đi lên từ một người thợ, thì việc có thêm một đội ngũ trẻ cùng tham gia là điều may mắn cho chính nghề nghiệp của mình.

Từ câu chuyện tìm học trò của nghệ nhân cũng như cách thức mang người trẻ về xưởng của những chủ doanh nghiệp, mới thấy muốn kéo người trẻ ở lại với nghề và làng nghề, cần phải thay đổi nhiều thứ. Trong đó, quan trọng nhất là họ phải sống được với nghề. Muốn sống được với nghề, thì e rằng, làng nghề và bản thân nghề, sản phẩm nghề làm ra phải tồn tại vững vàng bằng những bước đi hội nhập năng động…

-----------
Bài cuối: Tìm cách đưa lao động trẻ về làng

SONG ANH

SONG ANH