Tập dượt ứng phó với sự cố tràn dầu
|
(QNO) - Sự cố tràn dầu nếu xảy ra sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản cũng như hoạt động du lịch. Vì vậy cuộc diễn tập ứng phó với sự cố tràn dầu tại cảng Chu Lai - Trường Hải vào chiều 18.10 sẽ giúp cho chính quyền và lực lượng chức năng làm quen và tiếp cận với các kỹ năng ứng phó một cách hiệu quả.
Kịch bản ứng phó
Vùng bờ biển Quảng Nam có chiều dài 125km, đang có nhiều hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Phía nam của tỉnh có Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), phía bắc có kho xăng dầu Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), trên địa bàn tỉnh có nhiều cảng biển tàu chở hàng hóa liên tục ra vào nên nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu (SCTD) rất cao.
Giả định sự cố dầu tràn dưới cảng. Ảnh: TRẦN HỮU |
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo tỉnh cho rằng, nếu xảy ra SCTD trên biển mà không có lực lượng xử lý chuyên nghiệp, đồng bộ thì rất có thể sẽ là “thảm họa môi trường”. Đây là cuộc diễn tập lần đầu tiên tổ chức trên địa bàn tỉnh, nhưng có ý nghĩa về thực tiễn, giúp cho các lực lượng chức năng được trang bị kỹ năng, kiến thức ứng phó với sự cố môi trường.
Những giả định đưa ra đã được đúc kết từ các vụ tràn dầu đã xảy ra ở biển Quảng Nam, cũng như các vùng biển, bờ biển miền Trung. Tình huống giả định một SCTD xảy ra do lỗi kỹ thuật trong quá trình bơm dầu từ tàu lên bồn chứa làm vỡ đường ống khi thực hiện bơm dầu tại Cảng Chu Lai - Trường Hải, van đóng bơm dầu bị sự cố không thể đóng kín làm một lượng dầu FO rất lớn tràn ra ngoài vũng An Hòa vượt quá khả năng ứng cứu của đơn vị, chưa xác định được số lượng dầu tràn nhưng khả năng đe dọa rất lớn đến sự an toàn về người, tài sản và môi trường. Tại hiện trường, sử dụng pháo khói làm giả sự cố và giả dầu tràn.
Sau khi xảy ra “sự cố”, Công ty TNHH một thành viên cảng Chu Lai - Trường Hải điện báo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải và các cơ quan chức năng đề nghị triển khai lực lượng bảo vệ trên vũng An Hòa kịp thời ngăn không cho tàu thuyền vào khu vực xảy ra sự cố. Khi dầu chuẩn bị vào bờ, chỉ huy hiện trường điều động các lực lượng hỗ trợ với trang thiết bị chuyên dụng nhằm kịp thời thu gom dầu tràn đúng kỹ thuật, tránh nguy cơ cháy nổ và hạn chế tối đa tình trạng dầu thấm vào bãi cát, rừng ngập ngặn và khu vực nuôi trồng thủy sản. Tiếp đến là công đoạn dùng vợt vớt rác nhiễm dầu, bơm nước rửa đường bờ, giấy, bông thấm dầu thu gom toàn bộ dầu sót lại.
Các tình huống giả định luôn “gây khó” cho lực lượng chức năng của tỉnh. Ví như, hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào đầu tư trang thiết bị ứng phó với SCTD, kể cả cơ quan Chi cục Biển và hải đảo (thuộc Sở TN-MT). Công ty Xăng dầu 5 có bơm hút dầu tràn nhưng phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới có thể đưa đến hiện trường khi vết dầu loang trên diện rộng, huy động đến cũng không có tác dụng. Trong khi đó, gần cảng Chu Lai - Trường Hải có Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất trang thiết bị chỉ thích hợp cho ứng phó khẩn cấp, không phù hợp cho hoạt động khắc phục ô nhiễm dầu đường bờ.
Cẩm nang khắc phục sự cố
Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, đây là cuộc dượt tập ứng phó SCTD quy mô lớn nhằm kiểm tra năng lực ứng phó của đơn vị tại chỗ và sự phối hợp của các lực lượng liên quan, nâng cao khả năng hỗ trợ giữa các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Kịch bản đưa ra là đúc kết từ các sự SCTD đã từng xảy ra tại các vùng biển, bờ biển của cả nước.
Dùng dụng cụ thả xuống nước ngăn không cho vết dầu loang. Ảnh: TRẦN HỮU |
Thực tiễn cho thấy, các SCTD xảy ra trên vùng biển duyên hải miền Trung thời gian qua thường được xử lý bằng biện pháp cơ học. Nghĩa là gom, dồn dầu vào một vị trí nhất định để tránh dầu lan trên diện rộng. Sử dụng phao ngăn dầu để thu gom xử lý. Sau khi dầu được quây lại dùng bơm hút dầu tràn lên kho chứa. Ưu điểm của biện pháp này là ngăn chặn, khống chế và thu gom nhanh chóng lượng dầu tràn tại hiện trường. Ngoài ra, còn sử dụng các chất phân tán, các chất phá nhũ tương dầu - nước, tấm và phao thấm dầu... để xử lý. |
Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết, qua cuộc diễn tập, cảng Chu Lai - Trường Hải sẽ xây dựng được kịch bản khung, đầu tư trang thiết bị cần thiết và cơ cấu lực lượng xung kích trong ứng phó SCTD.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, qua đợt diễn tập, lực lượng tham gia (gồm chính quyền các địa phương ven biển, các ngành chức năng của tỉnh, công nhân của cảng Chu Lai - Trường Hải, đơn vị đầu tư trang thiết bị khắc phục sự cố) sẽ nâng cao nhận thức, năng lực phối hợp xử lý tình huống, hoàn thiện kịch bản để có thể vận dụng vào thực tế. Điều quan trọng nhất là xử lý sự cố một cách thành thạo, tuân thủ quy trình kỹ thuật đối với thu gom dầu tràn, quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa đảm bảo an toàn về cháy nổ, làm sạch dụng cụ thiết bị ứng phó.
Hiện nay, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã xây dựng và ban hành sổ tay khắc phục SCTD trên biển. Mục đích để hướng dẫn các địa phương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả mỗi khi xảy ra sự cố. Theo ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, các địa phương ven biển phải có cẩm nang trong phòng, chống SCTD bởi nó rất cần thiết. Mặc dù số lượng các vụ việc liên quan đến SCTD trên biển đã giảm, nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện và để lại hệ lụy nặng nề. Tình trạng ô nhiễm dầu sẽ tàn phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô, nguồn lợi thủy hải sản...
TRẦN HỮU