Tiếp tục theo dõi diễn biến động đất tại miền núi Quảng Nam
|
(QNO) - Những trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) và gần đây nhất là hai trận động đất cường độ nhỏ xuất hiện liên tiếp tại Phước Sơn và Tây Giang khiến dư luận lo lắng. Rất cần những nghiên cứu, đánh giá để có hướng cảnh báo cụ thể từ phía các nhà khoa học.
Như Báo Quảng Nam online đưa tin, vào hồi 8 giờ 21 phút ngày 15.10, một trận động đất có độ lớn M=3,1 đã xảy ra trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn. Trận động đất này xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.528 độ vĩ Bắc; 107.871 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 11km. Tiếp đó chừng mươi phút, một trận động đất khác có độ lớn M= 3,4 cũng xảy ra ở khu vực Tây Giang. Trận động đất này xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.939 độ vĩ Bắc; 107.598 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Tuy chưa xảy ra thiệt hại gì về người và của, nhưng thông tin về các trận động đất khiến người dân hai huyện trên hết sức lo lắng, bất an.
Quảng Nam nằm trong các đới đứt gãy với nhiều hoạt động kiến tạo địa chất cũng là một trong những nguyên nhân của động đất. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Trao đổi với chúng tôi về thông tin mà báo giới nêu liên tục về hai trận động đất diễn ra ở hai địa phương trước nay chưa từng xảy ra động đất, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, những vấn đề nghiên cứu về động đất, sóng thần, Nhà nước đã giao cho cơ quan chức năng là Viện Vật lý địa cầu. Vì vậy, khi xảy ra vụ việc ở địa phương nào, Viện Vật lý địa cầu theo dõi, nắm thông tin và công bố ngay.
Theo ông Tích, việc nghiên cứu về động đất phải xuất phát từ Viện Vật lý địa cầu, nếu viện đề xuất nhiệm vụ khoa học (cấp tỉnh hoặc cấp nhà nước) với địa phương thì việc này sẽ do Sở TN&MT là cơ quan tham mưu tỉnh để có cơ chế đặt hàng các nhà khoa học của viện về nghiên cứu nguyên nhân, thực trạng, diễn biến của động đất ở miền núi Quảng Nam. Sở KH&CN trực tiếp hướng dẫn về mặt thủ tục, đưa vào danh mục nhiệm vụ cấp thiết hay thường xuyên, thành lập hội đồng xét duyệt đề cương nhiệm vụ cũng như nhiều phần việc khác. “Tất nhiên, trước hiện tượng báo chí nêu rầm rộ vừa qua thì các sở, ban ngành và cơ quan chuyên môn sẽ vào cuộc” - ông Tích nói.
Thủy điện cũng là những nguyên nhân của động đất. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết hai trận động đất vừa qua ở miền núi Quảng Nam là những trận động đất có độ lớn M=3.1 và 3.4 có độ sâu chấn tiêu khoảng 11km. Theo phân loại, đây là các trận động đất yếu và vì vậy người dân khó cảm nhận được rung lắc và chưa gây thiệt hại về người và tài sản. Lý giải về nguyên nhân của hiện tượng này, TS. Nguyễn Xuân Anh cho rằng, hiện tượng động đất xảy ra cho thấy ở khu vực đó có đứt gãy đang hoạt động. Tuy nhiên, khẳng định các trận động đất xảy ra vừa qua có nguồn gốc kiến tạo hay là động đất kích thích do công trình thủy điện gây nên thì cần thực hiện các nghiên cứu và quan trắc cần thiết ở quanh khu vực hồ thủy điện tại nơi đó.
Viện Vật lý địa cầu hiện duy trì mạng trạm quan trắc địa phương ở Quảng Nam để quan trắc các trận động đất ở khu vực Bắc Trà My từ năm 2012 đến nay. Qua mạng trạm quan trắc này, có thể khẳng định hoạt động động đất ở khu vực Bắc Trà My có liên quan đến việc xây dựng công trình thủy điện.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu cũng đang thực hiện công việc trên cho các hồ thủy điện Lai Châu, Bản Chát,… Trong thời gian qua, khu vực huyện A Lưới và vùng lân cận ở Thừa Thiên - Huế cũng liên tục xảy ra động đất và vì vậy sắp tới Viện Vật lý địa cầu sẽ thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ, bảo đảm an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và di tích văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một mạng trạm quan trắc động đất địa phương cũng sẽ được thiết lập quanh các hồ thủy điện tại Huế trong thời gian tới.
Một bản làng vùng cao Phước Sơn. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Cũng theo TS. Anh, Viện Vật lý địa cầu đang được Bộ KH&CN giao xây dựng nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm và phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam và vùng biển kế cận tỷ lệ 1:500.000”. Còn trên thực tế, Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu vẫn đang quan trắc, theo dõi diễn biến của hiện tượng động đất trên phạm vi cả nước. Theo quy chế phòng, chống động đất, sóng thần, hàng năm các địa phương và các bộ ngành liên quan phải rà soát lại, xây dựng phương án phòng tránh động đất cụ thể. Cần thiết thực hiện rà soát, đánh giá và kiến nghị về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn cả nước. Ngoài ra thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần và hướng dẫn cách phòng tránh cho cán bộ quản lý và người dân.
HOÀNG LIÊN