Dân Điện Quang điêu đứng vì sa tặc

HOÀNG LIÊN - PHAN VINH 18/10/2016 09:27

(QNO) - Sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa phận các thôn Văn Ly, Phú Tây, Phú Đông (xã Điện Quang, Điện Bàn) từng “nuốt chửng” cả trăm héc ta đất màu mỡ, trù phú ven sông. Sạt lở càng tiếp diễn trước sự tận thu cát, sạn ồ ạt từ doanh nghiệp được cấp phép lẫn “sa tặc”. Lo sợ mất đất sản xuất, hàng trăm người dân đã kịch liệt phản đối, ngăn cản.

Trận lũ kinh hoàng năm 1999 đã từng cuốn phăng cả trăm héc ta màu mỡ ven sông, từng là nỗi ám ảnh của dân làng các thôn Phú Tây, Phú Đông. Chưa dừng lại ở đó, mỗi năm, sông tiếp tục xâm thực vào đất sản xuất cả chục mét, dù dân làng đã áp dụng nhiều biện pháp để giữ làng, như trồng tre, trồng cây bói. Trong khi người dân đang khẩn thiết đề nghị chính quyền có giải pháp kè sông đảm bảo an toàn cho làng, để giữ lại những mảnh đất trù phú là phương tiện cải thiện sinh kế cho hàng trăm hộ dân thì sự xuất hiện ồ ạt, tấp nập của ghe thuyền hút cát trên sông khiến ai nấy lo lắng, xót xa. Lo sợ mất đất, dân làng đã tập trung phản đối doanh nghiệp và chủ ghe hút cát và hai bên từng xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Mâu thuẫn có xu hướng gia tăng khi số lượng ghe thuyền xuất hiện ngày càng dày đặc hơn trước.

Một phà hút cát trên lòng sông Thu Bồn. Ảnh: Hoàng Liên
Một phà hút cát trên lòng sông Thu Bồn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã đi khảo sát đoạn sông dài cả cây số này. Bờ sông thoai thoải với những bờ cát trắng nay chỉ còn trong miền cổ tích Thu Bồn, mà thay vào đó là cảnh tượng sạt lở kinh hoàng với những bờ vách dựng đứng, lô nhô, chỉ chực ào xuống sông, nhất là chỉ cần trận mưa to. Có qua những khúc sông này, mới thấu hiểu nỗi niềm xót xa, đắng đót của dân làng bởi hơn ai hết, với những người “chôn nhau cắt rốn” và sinh sống bao đời bên cái biền đất này, tấc đất là tấc vàng.

“Mới ngày nào, tôi còn sản xuất hoa màu ra tận ngoài xa con nước thì nay, vùng sản xuất phải lùi dần qua mỗi năm. Mất đất là mất một phần máu thịt. Dân chúng tôi chỉ biết kêu trời bởi sạt lở đã ở mức báo động. Mong cấp trên can thiệp, giải quyết dứt điểm, nếu không chuyện xô xát giữa các chủ tàu hút cát và người dân sẽ nghiêm trọng hơn” - ông Trần Thanh Cẩn (thôn Phú Tây) nói.

Biền đất ven sông thôn Phú Tây là “thảo nguyên bò” với đồng cỏ xanh mơn mởn. Những căn chòi nhỏ mọc liêu xiêu là nơi trú ẩn của trâu bò. Sạt lở đã tiến sát đến vùng đất sản xuất vòng 1 của làng. Bà con càng bức xúc khi “thủ phạm” tiếp tay cho sạt lở là hàng chục ghe hút cát mỗi ngày qua đây. “Chúng tôi phát hiện ghe ở đây làm trộm rất nhiều, thời điểm đông nhất là 4 - 5 giờ sáng, họ dàn hàng ngang khai thác ra cả ngoài tiêu. Khi chúng tôi báo chính quyền thì họ chuyển ghe đi nơi khác, xót xa lắm nhưng không sao nói được vì chúng tôi thấp cổ bé họng. Bà con đã tập trung trước trại công ty này phản đối, người công ty xô xát, thách đố chúng tôi, chính quyền thì không giải quyết rốt ráo mà lại bênh vực cho người công ty” - lão nông Trần Công Tường (thôn Phú Tây) bức xúc.

Ông Tường, ông Cẩn và rất nhiều người dân khác bày tỏ, họ vẫn chấp hành chủ trương của Nhà nước với điều kiện là chính quyền ở tỉnh, ở thị xã cần phải cử người giám sát đơn vị khai thác - Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Lộc (gọi tắt là Công ty Gia Lộc) bởi từ khi công ty này đến đây hoạt động thì an ninh trật tự ở khu vực này nóng lên. Người dân còn bức xúc hơn khi không phân biệt đâu là ghe cát của công ty, đâu là ghe của “sa tặc” khi cao điểm, có hàng chục ghe nổ máy cắm sào dàn hàng ngang trên sông. Người dân đặt nghi vấn, phía Công ty Gia Lộc “bảo kê” để mấy ghe hút cát nhỏ “làm càng” và thu về của mỗi ghe này 1 triệu đồng/ngày. “Việc khai thác cát rất hỗn độn. Chúng tôi vẫn cứ thay nhau đuổi liên tục. Đề nghị chính quyền can thiệp sớm chứ nếu không chỉ qua mùa đông năm nay thì đất sản xuất vòng 1 của chúng tôi sẽ bị “hà bá” nuốt mất” - ông Lê Văn Trực (thôn Phú Tây) kiến nghị.

Bờ sông đoạn qua thôn Phú Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh Hoàng Liên
Bờ sông đoạn qua thôn Phú Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh HOÀNG LIÊN

Đỉnh điểm của sự phản đối là khi người dân thôn Văn Ly tiếp tục hay tin Công ty Gia Lộc lại được cấp phép khai thác mỏ cát sạn trên địa bàn thôn này với thời hạn 5 năm. Mỏ cát Văn Ly cách khu vực sạt lở nghiêm trọng này chừng cây số về phía tây. Sở dĩ người dân phản đối kịch liệt vì làng này cũng từng trải bao bận lở sông, người người chung tay mua cây bói về trồng ven sông để giữ đất. Ông Hồ Văn Lân (người dân thôn Văn Ly) ngao ngán: “Chúng tôi được xã thông báo là có công ty tới đây hút cát, nhưng địa phương chưa tổ chức họp dân. Chúng tôi không đồng tình bởi bất cứ ai làm gì cũng phải thông qua dân làng. Nếu hút cát ở đây thì Văn Ly cũng sẽ tiếp tục mất đất như những làng Phú Tây, Phú Đông thôi...”.

Công ty Gia Lộc được UBND tỉnh cho phép khai thác khoáng sản cát, sỏi vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực các thôn Phú Tây và Văn Ly, xã Điện Quang. Trong đó, mỏ cát tại thôn Phú Tây có trữ lượng khai thác trên 280.000m3, thời hạn giấy phép 7 năm, hiện doanh nghiệp đã khai thác 1 năm. Còn với mỏ cát tại thôn Văn Ly, trữ lượng là 166.000m3, được cấp phép thời hạn 5 năm.

Theo ông Lê Thành - Chủ tịch UBND xã Điện Quang, tình trạng sạt lở diễn ra ở các thôn trên đã lâu rồi, từ năm 1999 chứ không phải bây giờ mới sạt lở. Chủ trương cho phép công ty khai thác cát ở bờ bắc của các thôn nói trên góp phần chỉnh dòng, tránh sạt lở tiếp bên bờ nam, ảnh hưởng tới đất sản xuất của dân. Tuy nhiên, Công ty Gia Lộc chỉ mới tiến hành khai thác 1 năm thì gặp sự phản đối của người dân, dù giấy phép cấp 7 năm. “Về kiến nghị của dân, chúng tôi đã mời công ty lên làm việc, địa phương đã xuống họp dân, lắng nghe bà con phản ảnh. Thiết nghĩ, phía công ty họ cũng có sự tính toán hợp lý, chứ không thể chỉ mới làm một năm mà để xảy ra chuyện để bị cấm hoạt động được. Để xử lý “sa tặc”, chúng tôi đã thành lập tổ bảo vệ khai thác khoáng sản, đã xử lý được 4 vụ. Việc tuần tra, chấn chỉnh sai phạm sẽ được tiến hành trong thời gian đến. Chúng tôi cũng yêu cầu công ty khai thác đúng cột mốc lộ giới và thời gian quy định. Song, việc tuần tra, xử lý cũng gặp không ít khó khăn bởi lực lượng quá mỏng, phương tiện thô sơ…” - ông Thành nói.

Bờ sông hình thành vách cheo leo có thể đổ nhào bất cứ lúc nào. Ảnh: Hoàng Liên
Bờ sông hình thành vách cheo leo có thể đổ nhào bất cứ lúc nào. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Sự lo lắng, bất an của người dân về sạt lở là đã rõ. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần rà soát, chấn chỉnh tình trạng lộng hành của doanh nghiệp lẫn “sa tặc” để bảo vệ sự bình yên bờ sông Thu Bồn và mảnh đất sinh kế của hàng trăm hộ dân. Mặt khác, lý giải của nhà chức trách về khai thác cát để chỉnh dòng chỉ tồn tại trên lý thuyết suông, còn trên thực tế, hai bờ của khúc sông này đều sạt lở toang hoác mỗi năm trong nỗi xót xa, đắng đót của những người bám trụ với đất, với làng và xem mỗi tấc đất là một phần máu thịt!

HOÀNG LIÊN - PHAN VINH

HOÀNG LIÊN - PHAN VINH