Đi đầu phong trào
Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng nhiều năm qua, hoạt động phụ nữ tại huyện Hiệp Đức luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua của phụ nữ Quảng Nam.
Chi hội phụ nữ An Đông (thị trấn Tân An, Hiệp Đức) thực hiện hiệu quả mô hình “Tình thương ve chai”. Ảnh: Chi hội phụ nữ An Đông cung cấp |
Cán bộ năng động, sáng tạo
Suốt hơn 15 năm làm cán bộ phụ nữ, bà Nguyễn Thị Sáu - Chi hội trưởng Phụ nữ khối phố An Đông (thị trấn Tân An, Hiệp Đức) là hạt nhân quan trọng của phong trào phụ nữ thị trấn Tân An. Chừng ấy thời gian làm công tác phụ nữ, bà Sáu còn kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác như cán bộ mặt trận, chữ thập đỏ, từ thiện… Ở nhiệm vụ nào, bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Riêng phong trào phụ nữ, bà đã có nhiều sáng kiến mang “thương hiệu” của khối phố An Đông. Từ việc sáng tạo mô hình “Hũ gạo tình thương” cách đây hơn 15 năm đến thành công với mô hình “Tình thương ve chai”. Mô hình nào cũng đạt được những kết quả thiết thực, mang nhiều lợi ích tốt đẹp cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 5 năm qua, Hội LHPN Hiệp Đức đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, dự án của Tầm nhìn thế giới, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Quảng Nam giải ngân 53 tỷ đồng cho gần 2.000 hộ vay, nâng tổng nguồn vốn qua kênh hội quản lý là 98,8 tỷ đồng (tăng 48 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), với khoảng 4.701 hộ vay, trong đó có 1.290 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ, vay vốn. |
Ra đời năm 2013, mô hình “Tình thương ve chai” của Chi hội phụ nữ khối phố An Đông đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, chi hội phụ nữ khối phố giao cho 4 tổ phụ nữ hàng tháng vận động hội viên thu gom ve chai, với quy định mỗi hội viên phải gom ve chai đảm bảo bán được từ 3.000 đồng/hội viên/tháng trở lên để đóng vào quỹ hội. Với cách làm này, mỗi tháng, hội viên phụ nữ khối phố An Đông đã đóng góp vào quỹ hội trên dưới một triệu đồng. Bà Sáu cho biết: Với mô hình “Tình thương ve chai”, chị em hội viên vừa thu gom được chai nhựa, bảo vệ môi trường, vừa có tiền đóng góp vào Quỹ tình thương để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn”. Hiện, nguồn quỹ từ mô hình “Tình thương ve chai” của khối phố An Đông là 21 triệu đồng. Với nguồn quỹ này, từ đầu năm 2016 đến nay, chị em khối phố An Đông đã có kinh phí thường xuyên để duy trì chương trình “Cơm tình thương” tại viện dưỡng lão; thăm hỏi, tặng quà cho hội viên gặp khó khăn, ốm đau, bệnh tật; trao tặng 4 thẻ Bảo hiểm y tế cho hội viên nghèo… Ngoài nguồn quỹ tình thương, khối phố An Đông hiện còn quản lý 45 triệu đồng tiền quỹ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên khởi sự sản xuất, kinh doanh.
“Rèn” kỹ năng
Bà Phạm Thị Như Lan - Chủ tịch Hội LHPN Hiệp Đức cho biết, 5 năm qua, hội đã có nhiều giải pháp, cách làm mới để xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức hội cơ sở. Trong đó, tập trung ưu tiên nâng cao kỹ năng cho cán bộ bằng nhiều hình thức như: tổ chức tọa đàm, phát động các xã vùng thấp kết nghĩa với các chi hội phụ nữ xã vùng cao, chia cụm giữa các xã có phong trào mạnh và các xã yếu để học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Qua việc tập huấn, tọa đàm, nâng cao kiến thức, cán bộ phụ nữ cơ sở được trang bị những kỹ năng về cách chủ trì cuộc họp, xử lý tình huống, giao tiếp, thuyết phục vận động, giám sát, phản biện… Cùng với đó là việc tăng cường việc sinh hoạt cơ sở, chia phụ nữ theo nhóm, đối tượng để tuyên truyền, nâng cao kỹ năng. “Ở Hiệp Đức, chúng tôi còn làm tốt việc bồi dưỡng kỹ năng và thường xuyên gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho hơn 1.200 hội viên phụ nữ nòng cốt cơ sở. Đây là những người tiêu biểu, nhiệt tình với phong trào phụ nữ, cùng với cán bộ hội xây dựng phong trào cơ sở vững mạnh” - bà Lan nói.
Đến nay, đội ngũ cán bộ Thường trực Hội LHPN Hiệp Đức (nhiệm kỳ 2016 - 2021) có 4/4 chị đạt chuẩn chức danh; cán bộ hội chủ chốt cấp cơ sở có 12/13 chị đạt chuẩn. Với việc chuẩn hóa đội ngũ và nâng cao kỹ năng cho cán bộ hội đã góp phần quyết định vào những thành công mang tính đột phá trong phong trào phụ nữ Hiệp Đức 5 năm qua. Trong đó, hoạt động giúp đỡ phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã đạt những kết quả nổi bật, được các cấp đánh giá, biểu dương. Bà Lan cho biết: “Hoạt động giúp đỡ phụ nữ nghèo đạt nhiều kết quả nhờ vào việc quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay; tranh thủ các chương trình, dự án, nguồn khuyến công khuyến nông; vận động trao phương tiện sinh kế, tặng mái ấm tình thương… Đặc biệt, Chương trình “Tiếp sức cho em đến trường” do Hội LHPN huyện Hiệp Đức và các hội cơ sở thực hiện từ năm 2012 đến nay đã trao gần 500 suất học bổng, tổng trị giá trên 400 triệu đồng, cho học sinh nghèo nhằm giúp các em có điều kiện mua sắm quần áo, đồ dùng học tập mỗi lúc bước vào năm học mới”.
ANH ĐÔNG