12 hộ dân Giao Thủy khiếu nại đòi đền bù thiệt hại: Không có cơ sở giải quyết
Tại buổi tiếp 12 hộ dân dự án cầu Giao Thủy mới đây, Sở TN&MT khẳng định: nội dung khiếu nại của 12 hộ dân không đủ cơ sở giải quyết. Huyện Đại Lộc cũng đang xây dựng phương án và tiến hành cưỡng chế đối với những hộ không chấp hành pháp luật.
Sở TN&MT khẳng định không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của 12 hộ dân dự án xây dụng cầu Giao Thủy về việc yêu cầu UBND huyện Đại Lộc bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất khi thực hiện xây dựng dự án cầu Giao Thủy. Thanh tra sở đã xác minh, theo đó, hồ sơ địa chính được thành lập từ năm 1996, khu đất các hộ có đơn khiếu nại thuộc một phần của thửa đất 123, tờ bản đồ số 4, diện tích 18.280m2 của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (cũ).
Giai đoạn 2002 - 2007, xí nghiệp này được tỉnh bàn giao cho UBND huyện Đại Lộc và huyện tiếp tục bàn giao lại cho UBND xã Đại Hòa quản lý với 36 hạng mục kèm theo. Căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND tỉnh, các hộ không đủ điều kiện được bồi thường về đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh và huyện xét các hộ từng là công nhân của xí nghiệp đã giải thể nên vận dụng nhiều chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất hiện hành. Các hộ được áp giá hỗ trợ về đất, tài sản trên đất, chi phí cơi nới, sửa chữa nhà, thuê nhà ở và ổn định đời sống (bằng 50% giá trị). Đồng thời xem xét bố trí tái định cư đối với các hộ chưa có đất (gồm 6 hộ, mỗi lô đất 70m2, được hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất, tức hơn 44 triệu đồng). Khu vực bố trí tái định cư hiện đã được san lấp mặt bằng, đổ nền, mỗi lô diện tích 70m2, nằm ở vị trí trung tâm của xã Đại Hòa.
Trong 12 hộ khiếu nại, có 6 hộ đã được áp dụng hỗ trợ 60% tiền đất, hỗ trợ chênh lệch tái định cư, tức hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất. Sáu hộ còn lại chỉ được hỗ trợ 60% tiền đất, không được hỗ trợ tiền chênh lệch tái định cư, không được bố trí tái định cư. Nguyên nhân được Thanh tra Sở TN&MT đưa ra là suất tái định cư chỉ áp dụng đối với những hộ chưa có đất ở, có nhà ở nơi khác, yêu cầu của 6 hộ trên không được xem xét, giải quyết. Hộ bà Lê Thị Bảy đã được UBND huyện Đại Lộc giao đất, không thu tiền sử dụng đất, diện tích 196m2, tại thôn Quảng Huế, Giao Thủy, xã Đại Hòa. Hộ ông Bùi Văn Quang hiện làm nhà trên địa bàn xã Đại Hiệp, ông Quang còn nhận chuyển nhượng một thửa đất khác có diện tích 450m2, đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1994.
Hộ ông Nguyễn Đức Dũng được UBND huyện Đại Lộc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 120m2, nguồn gốc đất do nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Phong. Hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Liên cũng được nhận chuyển nhượng 120m2 đất từ ông Nguyễn Phong. Thửa đất này nằm kề ông Nguyễn Đức Dũng trên đường ĐH rộng 10m, tại trung tâm xã Đại Hòa. Hộ bà Võ Thị Lựu đã có đất ở tại thôn Giao Thủy, diện tích 380m2, từ chuyển nhượng; ngoài ra, bà Lựu còn đang ở tại căn nhà cấp 4 diện tích 80m2 trên đất của mẹ chồng. Hộ bà Võ Thị Thắm được cha mẹ chia cho lô đất diện tích 203m2, tại thôn Hòa Thạch, xã Đại Hòa.
Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Nếu không có dự án cầu Giao Thủy, các hộ trên sẽ không khá hơn được, vẫn tiếp tục ở trên đất và tài sản do Nhà nước quản lý. Đằng này, Nhà nước hỗ trợ các hộ tái định cư với diện tích mỗi lô đất 70m2, được cấp sổ đỏ, được hỗ trợ thêm tiền xây nhà. Trong khi diện tích nhà ở thuộc khu xí nghiệp cũ chỉ 30m2, xuống cấp lắm rồi. Chính sách hỗ trợ rất tốt, các hộ nên nắm bắt cơ hội này”.
TRIÊU NHAN
|