Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm vỉa hè
Để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ cũng như người dân, những hàng quán tự phát bán đồ ăn vặt mọc lên dọc theo khắp vỉa hè trên địa bàn nhưng vấn đề nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm đang là một dấu hỏi lớn.
Các món ăn vặt như cá viên chiên, hồ lô nướng, trà sữa, bánh kẹp... đang là những món khoái khẩu của các bạn trẻ. Đa số khách hàng không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của các sản phẩm, cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở những quán ăn đường phố. “Trước đây, nghe báo đài có thông tin về việc trà sữa Trân Châu nhiều nơi được làm bằng nhựa, rất có hại cho sức khỏe em cũng sợ. Nhưng thấy bạn bè ai cũng dùng nên em theo thôi”- em H.T.L., sinh viên Trường Đại học Quảng Nam nói. Không chỉ là giới học sinh, sinh viên mà ngay cả những người dân vẫn thường chọn cho mình những quán cóc vỉa hè để ăn những món dân dã, vừa phù hợp với túi tiền lại tiện lợi.
Thực tế, các hàng quán đều được dựng tạm bợ trên vỉa hè. Hàng hóa, thực phẩm trước khi bày biện lên tủ, kệ thì được chất đầy trong thùng xốp cũ và không có loại thực phẩm nào có nhãn mác được đóng gói cẩn thận. Người bán thậm chí dùng tay trần để chế biến thức ăn, rồi cũng chính đôi bàn tay ấy nhận và thối tiền cho khách, sau đó tiếp tục phục vụ. “Tuy nhiên, nhiều lúc cũng nhắm mắt để sử dụng những hàng quán này, bởi thời gian không cho phép, ai cũng có công việc nên không đủ thời gian chuẩn bị bữa ăn cho gia đình” - chị Võ Thị Niên (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) nói.
Trách nhiệm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được giao cho các trạm y tế xã, phường nhưng khó triển khai thực tế. “Thường mỗi năm chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm như: tết cổ truyền, tết trung thu hay những tháng hành động thì chúng tôi mới tổ chức đi kiểm tra những hàng quán này. Tuy nhiên, đối với những quán ăn vỉa hè thì rất khó kiểm soát. Một phần chỉ kiểm tra thông qua bằng mắt thường chứ không có cán bộ chuyên trách hay công cụ hỗ trợ nên rất khó để xác định là có đảm bảo vệ sinh hay không” - bà Nguyễn Thị Phi Anh - Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ cho biết. Trên địa bàn phường An Mỹ hiện nay có khoảng 70 cơ sở hàng quán vỉa hè kinh doanh đủ các loại thực phẩm. Theo bà Anh, mỗi năm phường cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các chủ hàng quán để họ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc kinh doanh, buôn bán. Trong khi đó, bà Phạm Thị Huệ - Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Sơn, TP.Tam Kỳ cho biết, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các quán vỉa hè rất khó khăn. Phần vì các cán bộ phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc, phần vì kinh phí không có nên rất khó để làm chặt chẽ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết, trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của những hàng quán này được giao cho các trạm y tế xã, phường xử lý. “Các hàng quán chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, nay bán mai không nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đôi khi chỉ trong một tháng đã có vài ba quán khác mọc lên nên không kiểm soát hết được…” - ông Cam nói.
NGUYỄN DƯƠNG - QUỲNH TRÂN