Dự án nâng cấp chợ Việt An: Cần đảm bảo lợi ích tiểu thương

ĐÔNG YÊN 15/10/2016 20:14

(QNO) - Những ki ốt chật chội, các mảng tường mới xây đã nứt, thấm nước, bố trí các khu kinh doanh bất hợp lý là những lý do khiến tiểu thương bức xúc về dự án nâng cấp chợ Việt An (xã Bình Lâm, Hiệp Đức). Nguyên nhân mà chính quyền đưa ra là do vốn đầu tư ít, thiếu quỹ đất.

Chật chội, nhếch nhác

Đến thời điểm này, vẫn còn hàng chục tiểu thương ở chợ Việt An chưa chấp nhận vào kinh doanh ở chợ Việt An mới vì cho rằng diện tích mặt bằng các điểm kinh doanh, ki ốt quá nhỏ so với nhu cầu trong thực tế của họ. Tiểu thương Võ Thị Sáu cho rằng, sẽ không thể kinh doanh được nếu như chỉ được cấp 1 lô mặt bằng với diện tích 12m2 ở khu vực tầng 1. “Trước nay tôi kinh doanh với 4 ki ốt có diện tích 48m2 mà giờ chỉ được đấu giá lại 1 lô nhỏ xíu, không đủ để bỏ hàng trưng bày chứ đừng nói đến chuyện buôn bán” - bà Sáu nói.

Diện tích mặt bằng quá nhỏ sẽ khiến cho việc buôn bán của các tiểu thương gặp khó khăn khi vào chợ mới.
Diện tích mặt bằng quá nhỏ khiến việc buôn bán của tiểu thương gặp khó khăn khi vào chợ mới. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Tương tự, tiểu thương Thái Văn Hoa bức xúc: “Chắc chắn phải tự mình bỏ ra cả chục triệu để đầu tư làm ki ốt vì chỉ được cấp mặt bằng mà thôi, điều này còn chấp nhận được nhưng việc phân lô có diện tích quá nhỏ thì chúng tôi không chấp nhận được. Lãnh đạo xã, huyện nói rằng điểm kinh doanh chỉ để trưng bày hàng chứ không phải chứa hàng. Nhưng như tôi kinh doanh hàng trăm món hàng gia dụng khác nhau thì 12m2 chứa đủ không và rồi chẳng lẽ mỗi lần khách xem xong hàng phải tốn công chạy về nhà lấy hàng ra đưa cho khách sao? Làm kiểu đó khách nào quay lại mua hàng của chúng tôi nữa, bất hợp lý quá!”.

Việc tầng hóa chợ cũng là vấn đề mà các tiểu thương cho rằng không phù hợp với chợ nông thôn. Vì chợ chỉ nhóm họp trong vài tiếng vào buổi sáng nên khách hàng không có thời gian lên lầu mua hàng. Một trong những bất cập khác trong việc xây dựng chợ mới Việt An là khu vực hàng thịt, cá tươi sống lại nằm sát bên nhà vệ sinh và nhà chứa rác của chợ. Điều này sẽ khiến cho việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương gặp khó khăn trong tương lai. Đồng thời, sự bố trí này có đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm hay không vẫn là một câu hỏi lớn?

Gian hàng cá thịt nằm sát khu vệ sinh và nhà chứa rác liệu đã hợp lý?
Gian hàng cá thịt nằm sát khu vệ sinh và nhà chứa rác liệu đã hợp lý? Ảnh: ĐÔNG YÊN

Đặc biệt, chợ Việt An mới dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đang có các dấu hiệu về việc thi công không đảm bảo. Chỉ qua vài cơn mưa lớn hàng chục mảng tường đã bị thấm nước hoặc rò rỉ nước. Nguy hiểm hơn có cả những điểm thấm ướt ngay tại khu vực có ổ điện, đường dây điện âm tường. Cộng với đó, nhiều vết nứt nhỏ xuất hiện trên các mảng tường, mảng bê tông, có cả vết nứt rộng dài khoảng 1,5m. Điều này khiến dư luận lo lắng về mức độ an toàn của công trình khi đi vào sử dụng.

Sẽ khắc phục

Công trình dự án nâng cấp chợ Việt An có tổng kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng do Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Ánh Dương (TP.Tam Kỳ) thi công. Đến nay, Phòng Kinh tế - hạ tầng đã đi kiểm tra và ghi nhận các mảng tường thấm nước, các vết nứt xuất hiện và thừa nhận do khâu thiết kế chưa hợp lý. “Do vẫn còn trong thời gian bảo hành nên chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thi công xử lý, khắc phục lại ngay các vị trí không đạt chất lượng. Riêng với mảng tường bị nứt dài 1,5m ở tầng 1, tuần tới, chúng tôi kiểm tra nguyên nhân cụ thể mới đưa ra hướng xử lý” - ông Trần Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức khẳng định.

Công trình chợ mới Việt An dù chưa đi vào sử dụng nhưng đã xuất hiện nhiều hiện tượng gây dư luận việc việc thi công không đảm bảo. (Trong ảnh: Vết nứt dài khoảng 1,5 mét xuất hiện tại tầng 1).
Công trình chợ mới Việt An dù chưa đi vào sử dụng nhưng đã xuất hiện vết nứt dài khoảng 1,5m tại tầng 1. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Lý giải việc diện tích mặt bằng điểm kinh doanh, ki ốt của chợ quá nhỏ gây khó khăn cho việc kinh doanh, ông Thọ cũng đưa ra lý do là quỹ đất thiếu thốn. Chính vậy, Phòng Kinh tế - hạ tầng dựa vào quy mô của công trình và số lượng hộ kinh doanh nhiều để phân chia mặt bằng như vậy nhằm đảm bảo hộ nào cũng có điểm kinh doanh trong chợ mới. “Trong tương lai, nếu có được nguồn vốn, chúng tôi sẽ nâng cấp, mở rộng thêm cho phù hợp với nhu cầu kinh doanh của bà con. Còn bây giờ, dù rất muốn mỗi bà con tiểu thương có được mặt bằng rộng rãi thì cũng không thể. Do các điều kiện khách quan như vậy bà con cũng nên chấp thuận theo chủ trương và di dời vào chợ mới” - ông Trần Thọ nói.

Mong tiểu thương… thông cảm

Ngày 11.10, trả lời Báo Quảng Nam, ông Trần Oai Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lâm cho biết, chợ Việt An mới là chợ hạng 3 nên địa phương tiếp nhận, quản lý. Nhận thấy chợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên chính quyền xã đã tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn và trình UBND huyện về việc quản lý, bố trí và khai thác. “Dựa theo quy mô, thiết kế thì xã cũng đã cố gắng quy hoạch từng ngành hàng, nhóm hàng một cách phù hợp nhất có thể để mà phân lô cho bà con bốc xăm. Chúng tôi cũng hiểu những khó khăn khi bà con đưa kiến nghị nhưng vì chợ đã xây dựng như vậy thì mong bà con thông cảm, chia sẻ và hợp tác” - ông Dũng nói.

Lãnh đạo cơ quan chuyên môn này cũng cho rằng, vì thiếu quỹ đất nên không thể thiết kế chợ theo nhu cầu của bà con mà buộc phải tầng hóa chợ Việt An mới. “Dự án nâng cấp chợ Việt An được xây dựng ngay tại vị trí chợ cũ vốn đã chật chội. Sau khi nghiên cứu, đơn vị tư vấn đưa ra thiết kế này chứ nếu diện tích mặt bằng đủ thì không việc gì chúng tôi lựa chọn xây tầng lầu cả. Còn việc bố trí khu vực nhà lồng để kinh doanh hàng cá thịt sát bên nhà vệ sinh, nhà chứa rác của chợ là bất hợp lý cũng là do mặt bằng không có, quỹ đất tìm không ra. Khoảng tháng 11 tới, chúng tôi sẽ nâng cấp nhà chứa rác tạm của chợ để có thể đảm bảo vệ sinh” - ông Trần Thọ giải thích.

Dự án nâng cấp chợ Việt An với mong muốn đảm bảo cho tiểu thương có được nơi kinh doanh buôn bán sạch sẽ, an toàn hơn. Tuy nhiên, dù chưa đưa vào sử dụng đã vấp phải sự phản ứng của tiểu thương nơi này khi quy mô và thiết kế chưa sát với nhu cầu thực tiễn của người buôn bán, kinh doanh và gây cả những bất lợi trong việc buôn bán của họ trong tương lai. Chính quyền huyện Hiệp Đức cần có những chính sách thích hợp để những tiểu thương này vượt qua những khó khăn ban đầu, an tâm vào chợ mới buôn bán.

ĐÔNG YÊN

ĐÔNG YÊN