Thị dân và chỉ số hạnh phúc
Những ngày gần đây, cảnh ngập nặng dai dẳng ở các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Sài Gòn… khiến người dân sống ở các thành phố đó không ngừng than vãn. Song hành với nạn ngập nặng là nạn kẹt xe, tắc đường khiến thị dân đúc kết thành thơ: Thứ nhất là sợ tắc đường/ Thứ nhì là sợ phố phường thành sông.
Hội An ngập trong biển nước. |
Người giàu kinh nghiệm sống ở đô thị nghĩ ngay đến công tác quản lý quy hoạch đô thị - tóm lại là tầm nhìn xa rộng (viễn kiến) của những người có trách nhiệm về những vấn nạn dân sinh khi xây dựng đô thị. Một thực tế cứ sờ sờ hiện hữu là “xây dựng đến đâu, ngập sâu đến đấy” vì xây cứ xây, việc thoát nước cứ “phó cho trời”, rồi “bí” quá cứ chơi trò chơi đổ lỗi - kiểu đánh bùn sang ao - rằng do năm nay mưa lớn ngoài dự báo, rồi mưa lớn kết hợp với triều cường ngày càng cao.
Một nỗi khổ nữa cứ trầm kha với “quy hoạch treo”. Nhiều dự án đô thị kéo dài hàng chục năm - khiến dân đô thị trở thành dân “du mục” vì tất cả đều tạm bợ, nhà hư nát không được sửa, muốn đi chưa được đi, muốn bán chẳng ai mua, tất cả vì dự án “chưa triển khai”, “đất vướng khu quy hoạch”. Thị dân than vãn “khổ còn hơn thời chiến - chiến tranh, nhà giặc đốt, rúc hầm, bám trụ, còn tin có ngày thắng giặc, xây mới, còn chừ thì cảnh “của ta không phải của ta” cứ triền miên, chẳng biết đến bao giờ. Dân nằm trong diện “quy hoạch treo” cũng tự thán “chưa xây được nhà thì đã già”. Rứa mới biết hai chữ “an cư” của người xưa thấm thía biết bao. May mà chính quyền đã có chính sách “ràng buộc niên hạn, thời hạn” với nhà đầu tư cũng như soát xét rút giấy phép những “quy hoạch treo”, không thì thị dân còn khổ.
Gần đây có chuyện nhiều đơn vị cấp xã “xin” lên thị trấn, huyện “xin” lên thị xã để “tương thích” với đà đô thị hóa. Chuyện cũng hiển nhiên nếu đáp ứng đủ các tiêu chí mà nhà nước quy định. Một điều lạ, ngược lại là có nhiều địa phương không muốn “lên” - nhất là các xã thuộc diện “vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” dù cơ sở hạ tầng, mức thu nhập bình quân đủ và vượt chỉ tiêu quy định. Lý do thật đơn giản là công chức, viên chức địa phương sợ bị cắt “phụ cấp”, cắt chế độ “hưởng thêm” ở vùng núi, vùng sâu. Chỉ với lý do như vậy mà cư dân toàn xã mất cơ hội “ngấp nghé làm thị dân”. Như vậy “phố” vẫn mặc áo “làng”.
Về chuyện tắc đường, có chuyên gia nghĩ ngay đến chính sách đô thị chưa được kiểm soát khoa học, chưa có kế hoạch đồng bộ vì vậy hệ lụy là đường tắc, nhà cửa nhếch nhác, nói bậy chửi thề, chen lấn xô đẩy… Tất nhiên việc thiết kế cơ sở hạ tầng giao thông là việc của quy hoạch đô thị và tầm nhìn xa buộc nhà quy hoạch phải tính đến lưu lượng giao thông của người, phương tiện thế nào là hợp lý, dân số ổn định, cố định của khu vực, dân số tăng cơ học là bao nhiêu, rồi quy cách đường sá thế nào để giao thông thuận tiện, thông thoáng. Quy hoạch đôi khi chỉ tính mặt tiền - mặt phố, trong khi nhiều người dân sống trong các ngõ với thói quen đi xe máy cho tiện thế là tắc đường, tắc từ trong ngõ. Nạn “quy hoạch một nơi làm một nẻo” khiến cho nhiều cao ốc xây vượt tầng so với giấy phép, với quy hoạch khiến mật độ dân cư tập trung cao nhất ở các khu chung cư khiến tắc đường là chuyện đương nhiên. Quy hoạch giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quy hoạch xây dựng và sử dụng đất. Mọi việc sẽ bất cập khi việc sử dụng đất và việc xây dựng không gắn với đề án giao thông được phân tích, dự báo một cách khoa học
Thị dân bao giờ được hạnh phúc, được đi lại một cách dễ dàng, thuận tiện?
Chuyện ngập nặng ở đô thị - theo một số bậc cao niên người Quảng cho rằng, người xưa xử lý “khá” hơn ta bây giờ. Đơn cử như đô thị cổ Hội An, cả khu đô thị được xây trên một bình độ dốc từ cao xuống thấp, giáp sông Thu Bồn, tức trên một cồn đất cao, dài dọc theo sông. Với “quy hoạch” này thì đô thị vừa tránh được lũ lụt vào mùa mưa vừa thoát nước ra sông khi mưa lớn, triều cường. Việc thoát nước còn tính đến hệ thống các hồ nước trong và ngoài khu đô thị. Cây xanh, mặt nước còn có vai trò “điều hòa” nền nhiệt trong mùa hè nắng nóng. Hội An chỉ ngập ở các tuyến phố dọc bờ sông do nước lũ từ thượng nguồn đổ về hoặc thời hiện tại, khi hồ Rau Muống (Cẩm Phô), hồ Bà Thiên (Cẩm Châu) đã bị thu hẹp gần hết, các con đường mới ở Tân An mới bị “ngập cục bộ” vì đây là khu đô thị mới - dường cũng chưa tính đến việc thoát nước một cách chỉn chu.
Một số thành phố “mới” trong đà đô thị hóa như Tam Kỳ, Thanh Hóa…, hạ tầng giao thông đã được “quy hoạch” khá khoa học về quy cách lòng và lề đường. Thoạt đầu, có người cho là quá rộng - các đường mới nằm ở trung tâm đô thị - lòng, lề đường, kể cả dải phân cách, thế nhưng chỉ chừng 10 năm sau, quy cách trên là hợp lý, giao thông thông thoáng, cảnh quan đẹp, sáng sủa, người đi bộ khỏi phải lo va quẹt vì lề đi bộ rộng rãi
Các đô thị càng trẻ, càng học được nhiều bài học về “quy hoạch” - nhưng mà ai học, câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý.
Thị dân bao giờ được hạnh phúc vì ở một nơi “đáng sống”?
PHÙNG TẤN ĐÔNG