Khoảng lặng ở vùng đông

SONG ANH 15/10/2016 08:57

Kinh tế phát triển sôi động. Đường sá rộng thênh thang. Hàng quán nhiều không đếm được. Nhưng phía sau những náo nhiệt của vùng đông Điện Bàn, còn đó nhiều khoảng lặng mà chính người trong cuộc cũng không ngờ tới.

Buổi chiều tan ca tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Buổi chiều tan ca tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Những cuộc mua bán chóng vánh diễn ra. Lớp người này truyền tai người kia về giá đất, giá cò… thủ tục, sổ sách. Không chỉ có công nhân mới chạy trong vòng xoáy. Người dân gốc vùng đông, người đến khu công nghiệp “lập nghiệp” từ việc “phục vụ” cho hàng chục ngàn công nhân…, ai rồi cũng không thể tự bung thoát mình ra khỏi vòng quay đó.

1. Điện Bàn “lên” thị xã, 7 xã và thị trấn lên phường thì khu vùng đông này đã chiếm tới 5 phường (Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương). Nhưng, vùng đông đã phố thị từ hơn chục năm trước, khi Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc bắt đầu sôi động. Bây giờ, mặc chiếc áo của thị dân, “cát cứ” trong những hàng rào cao ngất, lòng người bỗng bị ngăn lại, buồn vui cũng ngăn lại. Phải thôi, không thể cứ mở lòng nếu chẳng thể biết được gốc gác, không thể cứ vô ưu nếu ngay bên cạnh nhà là hàng café, nhà nghỉ hay tiệm massage… Tất cả đều là giá rẻ để hướng tới nhu cầu của một lớp người trẻ, xa nhà và đã cắm mặt đến uể oải ở những xưởng sản xuất. Có cung tất có cầu. Công nhân nhiều, dịch vụ càng nhiều hơn. Phố phường đông dịch vụ, thì không thể thiếu đề phòng. Có vấn đề về an ninh, nên người ta ai cũng tự lo lắng cho cái gì mình đang sở hữu, nắm cho chắc những thứ ghi tên mình. Yếu tố an ninh nhiều khi đã đẩy lùi văn hóa làng bởi những cách ngăn cảnh giác.

Thầy giáo Lưu Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc) nói rằng, cũng như Hội An, chuyện đất đai nhà cửa của cư dân vùng đông cũng nóng không kém ở những khu “đất vàng”. Nhưng giá đất thì mau mắn lên xuống theo điều kiện người đến ở. Muốn 100 triệu/lô? Có. Gấp mười mấy lần, cũng có. Nghĩa là giá nào cũng có. Nếu 10 năm trước, công nhân làm việc ở khu công nghiệp là trai gái độc thân. Thì bây giờ, lớp công nhân ấy đã đùm đề con cái. Và dĩ nhiên, có nhà. Dẫu hơn 2/3 điền sản là tiền vay tiền mượn. Nhưng phải có một lô đất để đó, nếu muốn con cái đến trường. Hoặc nữa, phải tìm cách để có sổ đỏ, có giấy phép thường trú.

2. Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng Giáo dục thị xã Điện Bàn nói việc thiếu trường lớp ở các phường vùng đông là điều bất khả kháng, vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Chỉ trong khoảng 5 năm, từ 2010-2015, tổng số dân khu vực này đã tăng đến hơn 2.200 người, trong đó, nếu tính cả số lượng công nhân và thành phần làm dịch vụ hàng quán thì phải có đến 5.000 người mang gia đình đi theo. Và đa số dân cư đến vùng đông là những người trẻ dưới 40 tuổi, còn trong độ tuổi sinh đẻ. Chuyện nhà cửa người lớn có thể tự xoay trở được. Nhưng đến khi con lên 5 thì mới bắt đầu nảy sinh vấn đề. Và khoảng chừng 5 năm trở lại đây, thì chuyện trường lớp ở vùng đông trở thành điều bức bách. Thầy giáo Lưu Cúc mở bản báo cáo số lượng đầu năm học 2016 -2017, và nói, cứ càng về sau, ở những khối lớp nhỏ thì số lượng học sinh càng tăng. “Tăng ghê lắm! 2 năm gần đây cứ vào mùa tuyển sinh là nhà trường bị áp lực” - thầy Cúc nói. Đầu năm này, gần cả trăm con người kéo đến công an xã đề nghị giải quyết chuyện vào trường cho con mình. Công an đẩy về trường tiểu học. Mà dù có khó khăn mấy thì nhà trường cũng phải cố tìm đủ đường để có chỗ cho học trò đến lớp.

Tôi nghĩ vùng đông mai mốt đây thành đô thị hẳn hòi, sẽ còn nhiều lắm những khoảng lặng na ná như chuyện trường lớp, học hành của trẻ con. Bây giờ, những thứ như nguồn nước hay không gian sống, vẫn còn âm ỉ như một điều vụn vặt. Nhưng rồi cũng đến lúc, khi dân đông đúc, khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng mở rộng sản xuất, những thứ tưởng chừng vụn kia, lại gom nhau thành một chuyện lớn. Và câu chuyện đến trường của trẻ vùng đông, dù được nhiều lần kêu lên, vẫn còn dài lắm những bàn bạc từ phía người lớn. Mà trẻ con, thì chỉ biết vui chơi, hồn nhiên đến trường… và đợi chờ.

Tranh với nhau để đưa con đến trường. Mỗi mùa tựu trường, người lo thon thót. Đa số con cái của công nhân theo cha mẹ về đất vùng đông đều chịu nhiều thiệt thòi hơn bạn bè cùng lứa, là con của người dân có hộ khẩu lâu đời. Mà chỉ riêng khu công nghiệp, đã có đến 25 ngàn công nhân làm việc. Chị Nguyễn Thị Bê, con bây giờ đã vào cấp 2, hai vợ chồng đều làm công nhân, thuê nhà trọ tại Điện Nam Trung. “Hồi nó nhỏ thì gửi ở nhà nhờ ông bà chăm. Nhưng con càng lớn thì phải có ba mẹ quản lý. Nên mang con theo xin cho nó đi học tại đây. Khó khăn trăm bề nhưng vẫn phải ráng” - chị Bê nói. Ở cương vị nhà trường, các thầy cô giáo cũng tạo đủ mọi điều kiện để giúp đỡ các em. Thầy Đào Văn Quang, Hiệu phó Trường THCS Võ Như Hưng (phường Điện Nam Trung) tỏ ra rất đồng cảm với những học trò đang phải ở trọ cùng cha mẹ làm công nhân tại đây. “Mấy thầy cô đều nói, dù sao cũng phải tìm mọi cách cho các em tới trường, nhiều gia đình chưa có hộ khẩu, nhà trường bày cách cho gia đình đi làm thủ tục hợp pháp tạm thời để con không bị đi học trễ” - thầy Quang nói. Có trường tận dụng tất cả không gian trống, như trường thầy Cúc thì dùng phòng sinh hoạt đội, phòng dạy tiếng Anh, thậm chí cả phòng giáo viên, ngăn ra dùng làm phòng học cho các em. Trường Võ Như Hưng thì nhượng cả phòng của ban giám hiệu để cho các em học bồi dưỡng học sinh giỏi. Và 7 trường tiểu học, 3 trường THCS ở các phường vùng đông này đều tìm cách tận dụng như thế.

3. “Bắt đầu từ năm 2017, tất cả hạng mục đầu tư cho giáo dục, chúng tôi đều dành cho các phường vùng đông”, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn trả lời chắc nịch như vậy. Mấy hộ dân sống dọc trục đường chính nối vào khu công nghiệp, nói với chúng tôi, hồi xưa dân ít cũng từng ấy trường. Giờ dân số tăng gấp mấy lần, phòng học cũng từng đó, biểu sao không chen chúc, không thiếu thốn. Chưa kể, các ngôi trường sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp rất nhiều. Trong định hướng giáo dục của Điện Bàn đến năm 2020, là sẽ xã hội hóa giáo dục. Nghĩa là nếu kêu gọi được tư nhân cùng vào làm giáo dục, hoặc kêu gọi các nhà tài trợ đầu tư, xin được các dự án thì càng tốt. Cũng đã từng có một trường đa cấp học, mở ngay bên cạnh khu công nghiệp, nhưng đã thất bại về tuyển sinh lẫn chất lượng giáo dục. Cũng tại khu vực này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đầu tư xây dựng một cụm thiết chế văn hóa, như một khu liên hợp sinh hoạt cộng đồng cho công nhân, trong đó sẽ dành 2 phòng để mở lớp mầm non. Nhưng đến bây giờ, vẫn chưa có bộ máy quản lý và phòng ốc cũng chưa hoàn thiện hẳn.

Những khu phố mới hình thành nên chuỗi đô thị của Điện Bàn đã dần ra dáng vóc. Và trong các bản quy hoạch, đều có quỹ đất công cộng, trong đó có đất dành cho giáo dục. Nhưng ông Ngọc nói: “Quy hoạch quỹ đất dành cho giáo dục ở khu đô thị mới quá manh mún. Mỗi chỗ một ít. Mà giáo dục thì nên làm thành một cụm, không thể chia nhỏ và tính theo từng lô”. Và hình như, trong tất cả khu đô thị mới, chưa có nơi nào dành đất cho trường học theo đúng chuẩn và mong muốn của những người làm giáo dục. Trong khi đó, ở rất nhiều địa phương của thị xã Điện Bàn, từ nguồn nông thôn mới, có rất nhiều ngôi trường khang trang bề thế mọc lên. Và dĩ nhiên, sẽ dư ra số phòng trống và bàn ghế tại những ngôi trường đó. Khi chúng tôi hỏi, rằng các doanh nghiệp đang đóng tại khu công nghiệp có hỗ trợ gì cho địa phương về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những thiết chế công cộng như trường học và khu sinh hoạt văn hóa cho người dân lẫn công nhân, thì ông Nguyễn Xuân Hà nói: “Khu công nghiệp do tỉnh quản lý, điều tiết các nguồn thu, nên địa phương cũng hạn chế tiếp xúc với các doanh nghiệp tại đây”.

Hình như có nỗi buồn len ở đâu đó, trong mắt những người già, trong giọng nói của những người phụ nữ. Họ không trông chờ vào doanh nghiệp, nhưng họ muốn thấy được chất lượng cuộc sống nâng lên khi có những nhà đầu tư trên đất của họ, dù họ là người làm thuê trên chính đất của mình. Mặc dầu đất ấy, nếu giao cho họ, thì khó mà rủng rẻng kim tiền hay vun đầy sức sống như bây giờ.

SONG ANH

SONG ANH