Ký ức di dân - Kỳ cuối: Làng xuyên biên giới
Trong cuộc di dân của người Cơ Tu ngày ấy, có cả những lần bước qua biên giới để tìm kiếm miền đất hứa. Ra đi từ cụm bản, họ mang theo tên làng, mang theo nghĩa tình với những người ở lại.
|
Làng Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang), nơi định cư của đồng bào Cơ Tu di cư từ Lào sang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Không phân biệt biên giới hay quốc tịch, với họ, dòng máu Cơ Tu đang chảy trong huyết quản là đủ để trở thành cư dân của làng. Trong lòng Trường Sơn huyền thoại, chỉ tồn tại ngôi làng lớn duy nhất - làng của người Cơ Tu.
Bước ra từ cụm bản
Các già làng nay cũng không còn nhớ rõ tháng, ngày mà cư dân của làng vượt qua biên giới, kiếm tìm một vùng đất mới. Với họ, đó chỉ đơn giản là một cuộc đi. Trong lòng Trường Sơn này, thời đó, biên giới vẫn còn là một khái niệm mơ hồ. Hành trình của những đôi chân như không có điểm dừng. Tên làng, cứ thế dịch chuyển theo hành trình dài ấy. Quả trứng đặt trên 3 hòn đá - hiện thân cho sự quyết định của Giàng - sẽ giữ chân hoặc tiễn biệt những cư dân của làng tiếp tục cuộc hành trình. Cứ thế, xuyên biên giới, xuyên qua những cánh rừng, tên làng lần lượt xuất hiện ở từng thung lũng, triền núi trong lòng dãy Trường Sơn.
“Tây Giang là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Nhưng với các cụm bản của Lào vùng giáp biên, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tây Giang luôn hết lòng sẻ chia với những khó khăn của bạn. Vì thế, nghĩa tình biên giới như một sợi dây của tình đoàn kết, duy trì và thắt chặt thêm tình hữu nghị đặc biệt, tình anh em của đồng bào Cơ Tu, của hai nước Việt - Lào”. (Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc) |
Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang) là một ngôi làng như thế. Bước ra từ một cụm bản ở Lào, cư dân Tà Vàng cứ thế di cư về phía hạ nguồn. Điểm dừng chân bây giờ có lẽ đã kết thúc cuộc đi dài qua hàng thế kỷ xưa. Nhưng ký ức về nơi cũ vẫn được nuôi dưỡng trong tâm trí của mỗi người con Tà Vàng, như một cuống rốn nối dài về hướng đất mẹ. Già làng Alăng Ghêêr kể, chỉ có gốc gác là ở Lào, còn phong tục, văn hóa thì nơi đâu cũng vậy. “Ở đây, ở Lào hay ở bất cứ đâu, truyền thống người Cơ Tu thì không thay đổi. Giữ lại tên làng, để cháu con ghi nhớ về nguồn cội, về gốc gác của ông bà đời trước” - già Ghêêr bộc bạch. Gần 20 năm trước, Tà Vàng được công nhận là “Làng văn hóa cấp tỉnh”, bởi cư dân vẫn giữ nguyên kiến trúc làng, cùng nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Song, đó chỉ là một nửa làng, bởi phía bên kia biên giới cũng có một Tà Vàng khác, thuộc đất Lào. Họ ở lại sinh sống và giữ mảnh đất cũ, trở thành chốn đi về của cư dân “Tà Vàng mới”. Mỗi dịp xuân về, từng nhóm người lại ngược nguồn, mang theo quà tết hồi hương. Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng - ông Bh’riu Quân nói với chúng tôi rằng, không chỉ về thăm quê, bà con dưới này còn giúp đỡ đồng bào bên kia sản xuất, phát triển kinh tế. “Trong những dịp trọng đại, bà con lặn lội vượt cả trăm cây số đường rừng sang trực tiếp gửi lời mời. Dù chia tách đã hàng chục năm, nhưng mối quan hệ giữa hai vùng vẫn khăng khít như cùng chung một làng” - ông Quân cho biết.
Ở Tây Giang còn rất nhiều những ngôi làng “xuyên biên giới” như Tà Vàng. Ngay cả xã Bha Lêê, cư dân phần lớn có gốc gác từ cụm bản Bha Lêê của Lào, ở bên kia biên giới. Sống chung với rừng, những cách trở không làm xa lạ, mà ngược lại còn tô thắm thêm tình anh em ruột thịt. Ông Pơloong Críp - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bha Lêê cũng là một cư dân sinh ra tại Lào tâm sự, có không ít cán bộ ở huyện Tây Giang là người gốc gác từ các cụm bản của Lào. Thời trước, chính đồng bào ở đây đã đùm bọc, chia sẻ với bà con khi di cư. Kể cả ông Críp và các thế hệ sau này đều xem việc cống hiến, xây dựng mảnh đất này như một cách trả ơn.
Nghĩa tình không biên giới
Tháng 4.2013, làng Ch’nóc (xã Ch’Ơm, Tây Giang) rộn ràng đón những người bạn Lào trong một sự kiện trọng đại của cả hai bên biên giới: khai trương cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm. Cư dân các cụm bản vượt rừng đến chung vui từ những ngày trước lễ khai trương, còn dân làng Ch’nóc thì tất bật chuẩn bị nhà cửa, sửa soạn gươl cho lễ đâm trâu chung của đồng bào. Chúng tôi may mắn có mặt và cùng tham dự lễ đâm trâu ấy. Những chàng trai, cô gái Cơ Tu nhịp nhàng theo vũ điệu tâng tung da dá, cùng ngân vang bài ca kết đoàn. Đêm đó, rượu cần mềm môi, câu hát lý dập dìu trong ngày vui đoàn tụ. Một không gian đậm đặc văn hóa truyền thống. Nghĩa tình biên giới vì thế cứ đong đầy trong cách mà bà con cùng ăn, cùng ở, cùng hát ca những ngày vui đó.
Nghĩa tình biên giới, một hoạt động truyền thống gắn kết tình hữu nghị giữa các bản làng vùng biên. TRONG ẢNH: Đại diện chính quyền Tây Giang trao quà hỗ trợ cho đồng bào Cơ Tu cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào). Ảnh: BH’RIU QUÂN |
Cùng là người Cơ Tu Trong số những cư dân đi theo cuộc thiên di lịch sử xuyên qua biên giới trong quá khứ, Pơloong Lới và Pơloong Liếc là hai anh em sinh ra trên đất Lào, nhưng lại trở thành công dân Việt. Vốn gốc gác từ cụm bản Bha Lêê (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông), sau ngày giải phóng hai anh em theo cha mẹ định cư tại xã Tr’Hy (Tây Giang). Nay là bác sĩ, dược sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, đã rất nhiều lần Lới và Liếc đón, khám chữa bệnh cho chính những người bà con ở các cụm bản của Lào sang điều trị. “Cùng là người Cơ Tu mình, cùng giọng nói, văn hóa nên mình cũng ứng xử thân tình như với bà con làng bản mình. Với họ, anh em cán bộ ở đây cũng như người nhà, rất tin tưởng và quý mến” - Pơloong Lới chia sẻ. |
Chính Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc là một trong những người tiên phong đầy tâm huyết trong chương trình hướng về biên giới, với đích đến là các cụm bản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Kà Lừm. “Nghĩa tình biên giới” cũng là tên gọi của các đợt phát quà, thăm hỏi, xây dựng trường học, công trình nước sinh hoạt cho đồng bào. Những chuyến đi ấy, bao giờ cũng để lại nhiều cảm xúc cho những người có mặt. Cách trở địa lý và những khó khăn trong mỗi chuyến đi càng làm chương trình thêm ý nghĩa. “Tây Giang là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Nhưng với các cụm bản của Lào vùng giáp biên, chính quyền và người dân Tây Giang luôn hết lòng sẻ chia với những khó khăn của bạn. Vì thế, nghĩa tình biên giới như một sợi dây của tình đoàn kết, duy trì và thắt chặt thêm tình hữu nghị, tình anh em của đồng bào Cơ Tu, của hai nước Việt - Lào” - ông Liếc chia sẻ.
Không phải đến bây giờ, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bà con ở các cụm bản vùng biên mới được phát động thực hiện. Những lần mưa bão, mùa giáp hạt, các cụm bản này cũng là một “địa chỉ” quen thuộc trong danh sách cứu trợ của chính quyền địa phương. Đó là chưa kể, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, Trạm Quân dân y kết hợp thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân là công dân nước bạn Lào sang điều trị miễn phí. Ngọn lửa của tình hữu nghị vẫn đang được thắp lên, từ những chuyến đi ấm áp nghĩa tình. Còn điệu lăm vông nay cũng dần quen với người dân Tây Giang, khi bạn Lào luôn góp mặt trong các sự kiện trọng đại của chủ nhà. Và, trong suy nghĩ của đồng bào “giúp bạn cũng là giúp mình”, bởi đều là anh em cùng một nhà, để mỗi lần gặp mặt là một dịp uống chung chén rượu cần, hát chung câu lý, cùng đều nhịp chân theo vũ điệu tâng tung da dá rộn ràng…
* *
*
Chúng tôi đã có một chuyến đi dài, góp nhặt từng câu chuyện kể, từ những chứng nhân của cuộc đi trải khắp các cánh rừng. Phía tây xứ Quảng, khuất sâu giữa trập trùng mây trắng là các bản làng của đồng bào Cơ Tu. Họ đã trải qua một hành trình lịch sử trước khi quyết định dừng chân. Sẽ còn nhiều câu chuyện chưa kể hết, nhiều mảnh đất chưa gọi tên, nhưng vĩ thanh về tình đoàn kết, nghĩa anh em của người Cơ Tu mãi vững chãi như bóng gươl làng. Như tiếng trống k’thu của già làng khắc ghi huyền sử vào trái tim, vào dòng máu những người con của núi.
THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC