Điều chỉnh chính sách đối với học sinh trường THPT chuyên: Vẫn chưa đồng thuận

XUÂN PHÚ 13/10/2016 09:03

Các sở, ngành chức năng đang soạn thảo đề án quy định một số chính sách đối với học sinh (HS) và giáo viên trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh khóa IX xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới (tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh đã không thông qua nghị quyết). Dù vậy, qua buổi làm việc của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh với Sở GD-ĐT và 2 trường THPT chuyên mới đây, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Chính sách hỗ trợ học sinh trường THPT chuyên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.  TRONG ẢNH: Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: X.PHÚ
Chính sách hỗ trợ học sinh trường THPT chuyên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. TRONG ẢNH: Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: X.PHÚ

Lâu nay, HS trường chuyên được hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên (theo Nghị quyết 12 ngày 19.7.2011 của HĐND tỉnh khóa VIII về một số chính sách đối với HS và giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm). Tùy theo đối tượng, hàng tháng mỗi HS được ngân sách tỉnh cấp số tiền bằng 80 - 120% mức lương tối thiểu. Ngoài ra, HS còn được ở ký túc xá miễn phí hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khi chưa có ký túc xá. Sau 5 năm triển khai, nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ đối với HS không thay đổi trong 3 năm học tập ở trường là mang tính bình quân, cào bằng. Trong khi đó, HS không bị ràng buộc bởi kết quả học tập, rèn luyện nên chưa tạo động lực để phấn đấu, vươn lên trong học tập. Do đó, nội dung của dự thảo đề án lần trước có nhiều sự điều chỉnh so với Nghị quyết 12 ban hành năm 2011, trong đó mức hỗ trợ sẽ được xem xét dựa trên kết quả học tập của HS theo từng học kỳ. Tuy nhiên, Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa IX hồi tháng 7 đã không thông qua nghị quyết vì còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ và đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng xây dựng lại đề án để trình tại Kỳ họp thứ 3.

Hỗ trợ chi phí học tập: Bãi bỏ hay tiếp tục?

Theo Sở GD-ĐT, đề án lần này được xây dựng theo hướng tạo ra sự công bằng, hợp lý trong thực hiện chế độ, chính sách đối với HS. Đáng chú ý, điểm khác biệt lớn nhất so với lần trước là chế độ hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên sẽ chỉ còn dành cho HS thuộc diện hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số chứ không đại trà như lâu nay. Điều này cũng đồng nghĩa, ngoại trừ trường hợp con gia đình chính sách, còn phần lớn HS trường chuyên (khoảng 60%) sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ học tập hàng tháng như trước. “HS vào trường chuyên được học tập ở môi trường giáo dục tốt, thầy cô giáo giỏi, có đầy đủ trang thiết bị. Do vậy, chế độ hỗ trợ học tập chỉ ưu tiên cho con em gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành lý giải.

Ông Trần Nam Hưng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ ủng hộ phương án áp dụng chế độ hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên chỉ dành cho HS con gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa như đề án và đề nghị bổ sung thêm con em vùng bãi ngang ven biển với mức được hưởng 100% mức lương cơ sở, vì đây là vùng mà đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo một đại diện Sở Tài chính, không nên cắt hoàn toàn chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với HS trường THPT chuyên được hưởng 80% mức lương tối thiểu như lâu nay. “Nếu chúng ta “cắt cái rụp” sẽ tạo ra cú sốc cho các bậc phụ huynh và HS nên quan điểm của Sở Tài chính là đề nghị giảm xuống 30 - 40%” - vị này nói.

Theo một phụ huynh có con học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ), Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về một số chính sách đối với HS và giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là một chính sách ưu đãi của tỉnh. Nhiều gia đình, dù không thuộc diện chính sách nhưng vẫn khó khăn, rất cần số tiền hỗ trợ để trang trải việc học cho con em.

Hỗ trợ khuyến khích học tập: Bất hợp lý và bất công

Một trong những điểm mới của đề án và nhận được nhiều ý kiến nhất tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh với Sở GD-ĐT cùng 2 trường THPT chuyên vừa qua đó là chính sách hỗ trợ khuyến khích học tập đối với HS trường chuyên. Theo đề án, đối tượng được hưởng là HS đỗ thủ khoa, á khoa từng môn tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10; HS có hạnh kiểm và học lực giỏi, đạt thành tích tại các kỳ thi HS giỏi tỉnh, khu vực, quốc gia. Theo đó, mức hỗ trợ thấp nhất là 363.000 đồng và cao nhất lên tới hơn 19 triệu đồng/tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đề ra chế độ hỗ trợ khuyến khích theo từng tháng cho HS giành giải thưởng mà nên thưởng một lần theo từng thành tích đạt được. Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước đề nghị nên quy định thưởng trọn gói cho HS đạt giải thưởng chứ không nên tính điểm như đề án gây rắc rối, phức tạp. Bà Trần Thị Bích Thu - Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn: “Tại sao chỉ xem xét chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với HS trường THPT chuyên, còn HS các trường THPT giành giải thưởng lại không? Điều này tạo ra sự không công bằng đối với HS”. Cũng có ý kiến phân tích, HS trường chuyên thì chỉ xem xét khen thưởng ở phạm vi tại các kỳ thi về học tập chứ không nên mở rộng ra các cuộc thi khác như Hội khỏe Phù Đổng, Sáng tạo khoa học kỹ thuật hay Đường lên đỉnh Olympia.

Ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cũng đặt vấn đề sẽ tạo ra bất công khi HS các trường THPT khác đoạt giải thì không có khen thưởng còn HS trường chuyên được thưởng. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo đề án là Sở GD-ĐT không tính theo biểu điểm để xem xét mức hỗ trợ khuyến khích học tập như dự thảo, vì quá rối rắm. Cũng theo ông Triều, nếu đã thưởng theo nghị quyết HĐND tỉnh thì không thưởng theo Quyết định 19 (3.7.2013) của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý tổ chức hội thi trên địa bàn tỉnh và khen thưởng thành tích đoạt giải tại các hội thi, kỳ thi quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ