Ký ức di dân - Kỳ 3: Ở đâu cũng là nhà

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 12/10/2016 08:51

Đã từng có những cuộc nội chiến “têng brâu”(săn máu) triền miên gieo rắc thù hận giữa các bản làng Cơ Tu xưa. Đã một thời các vùng người Cơ Tu tồn tại nhiều ranh giới khác biệt. Bước qua lằn ranh của lịch sử, những cuộc di dân trở thành dấu mốc gạt bỏ thương đau quá khứ ấy, viết nên trang đời rất khác cho bộ tộc.

  • Ký ức di dân - Kỳ 2: Ân tình vùng cao
  • Ký ức di dân - Kỳ 1: Những người mở lối
Những lễ kết nghĩa đã dần xóa khoảng cách giữa đồng bào Cơ Tu các vùng. Ảnh: THÀNH CÔNG
Những lễ kết nghĩa đã dần xóa khoảng cách giữa đồng bào Cơ Tu các vùng. Ảnh: THÀNH CÔNG

Bước qua lời nguyền

Cách những ồn ào chớm rộ của thị trấn P’rao chừng vài cây số, cư dân của làng Aréh (xã Tà Lu, Đông Giang) sống yên bình quanh mái gươl. Những nóc nhà hình cánh cung bảo bọc, kiến trúc truyền thống của làng Cơ Tu, dung chứa bao con người qua nhiều cuộc thiên di sinh tồn. Già làng Alăng Giôr mở cánh cửa gươl, dẫn chúng tôi vào. Mái gươl này là công sức cả tháng trời của làng Aréh và cư dân làng kết nghĩa Đhờ Rôồng (cùng xã).

Như lục tìm ký ức từ những chiếc sọ trâu, sọ heo trên mái gươl, già Giôr trầm ngâm kể về lần kết nghĩa anh em (pr’ngoóch gương yên) giữa hai làng Đhrôồng và Aréh. Bắt nguồn từ quá vãng đau buồn của những năm tháng “têng brâu” nên một thời gian dài, khi cư dân làng Đhrôồng chuyển về từ vùng cao khu 7 (Tây Giang), giữa hai làng vẫn còn nhiều xa lạ. Sự xa lạ đó như một lời nguyền trói buộc, khiến các già làng đi đến quyết định tổ chức một lễ kết nghĩa, xóa bỏ hận thù. Vậy là, góp trâu bò, rượu thịt, cư dân hai làng đã cùng nhau uống rượu, hát lý, xem nhau như người một nhà. “Hai cái ché đặt gần nhau, đừng để đụng nhau mà bể”, câu lý ấy vang lên trong đêm hội kết nghĩa, như một lời thề son sắt tình nghĩa anh em giữa hai làng. Già Giôr kể, trước đây trai gái hai làng lấy nhau, nhà trai phải nộp một con heo trắng, một con gà trắng cho làng nhà gái rồi mới được đến nhà xin cưới. “Bây giờ mấy thứ đó hết rồi. Hai làng không còn phân biệt nhau nữa, sống hòa thuận như người trong nhà” - già Giôr nói.

“Chúng tôi vẫn luôn nói với con cháu về lịch sử, về mối tình đoàn kết của người Cơ Tu không phân biệt vùng cao, vùng thấp. Con trâu, con heo lớn nuôi được thì cùng ăn chung. Ché rượu cần, nồi cơm mới cùng chia nhau, không có khoảng cách. Từ nay và mãi mãi sau này vẫn như thế”. (Già Bh’nướch Bao ở làng Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, Đông Giang)

Chuyển về vùng thấp, sinh sống cùng anh em Cơ Tu hạ, những bản làng của người Cơ Tu thượng đã cùng tìm cách xóa bỏ lằn ranh trong phong tục, lịch sử, hóa giải hận thù xưa cũ. Suốt những năm tháng di dân, đã có rất nhiều những cuộc kết nghĩa thắm tình như thế diễn ra. Hơn 10 năm trước, khi gươl làng Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) được dựng, những già làng Cơ Tu ở xã Ba đã mang đến một con heo 5 gang tay, cùng một chiêng lớn để tặng, xem như món quà mừng những cư dân mới chính thức trở thành chủ nhân của vùng đất. Già Bh’nướch Bao ở làng Bhơ Hôồng 1 cho biết, kể từ đó đến nay sự hiện diện của các già làng Cơ Tu ở xã Ba và một số vùng lân cận là không thể thiếu trong các dịp trọng đại của làng. Gần đây nhất, trong lễ hội văn hóa Cơ Tu của xã, đích thân các già làng đi mời bà con Cơ Tu ở các xã lân cận đến dự, cùng chung vui với đồng bào. “Chúng tôi vẫn luôn nói với con cháu về lịch sử, về mối tình đoàn kết của người Cơ Tu không phân biệt vùng cao, vùng thấp. Con trâu, con heo lớn nuôi được thì cùng ăn chung. Ché rượu cần, nồi cơm mới cùng chia nhau, không có khoảng cách. Từ nay và mãi mãi sau này vẫn như thế” - già Bao khẳng định.

Ở thôn Đào (xã Sông Kôn), đồng bào vẫn còn giữ lại chiếc ch’gâr (trống) do già làng Bhơ Hôồng tặng từ những ngày đầu mới chuyển xuống. Chiếc ch’gâr đó nay được lưu giữ tại nhà của già làng Alăng Vàng và được xem như kỷ vật quý của tình đoàn kết giữa hai làng. “Khi họ mới về, bà con đã cùng dựng nhà giúp, cắt đất cho. Có con thú, ang thóc cũng chia nhau. Có một lần, người làng Bhơ Hôồng săn được con nai to, bà con bên đó mang sang đây cùng ăn chung, cùng uống rượu, ca hát suốt đêm. Vui lắm!” - già Alăng Vàng nhớ lại.

Hai quê thành mái nhà chung

Năm tháng qua đi, đã có thêm nhiều thế hệ được sinh ra trên vùng đất mới. Họ lớn lên bằng sự bảo bọc chân tình của đồng bào. Nhiều người trong thế hệ ấy đã chọn quay trở về, cùng đóng góp sức trẻ trên quê cũ của cha ông mình. Ký ức những ngày đầu trở về vùng cao công tác là muôn vàn những gian khó. Đường sá cách trở, nghèo đói, hủ tục vây lấy đời sống đồng bào. Khi nhiều người cùng trang lứa chọn tìm kiếm cơ hội ở những vùng đất khác, thì họ - thế hệ những người Cơ Tu trẻ - tìm về với mảnh đất cha ông xưa. Bằng nhiều công việc, họ thầm lặng sống, đóng góp sức mình như một cách để tri ân với quê hương thứ hai.

Chiếc ch’gâr - kỷ vật của mối tình đoàn kết giữa làng Bhơ Hôồng và làng Đào (xã Sông Kôn). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chiếc ch’gâr - kỷ vật của mối tình đoàn kết giữa làng Bhơ Hôồng và làng Đào (xã Sông Kôn). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ka Lâu Den, quê ở xã A Ting (Đông Giang), nhưng hàng tuần vẫn đều đặn vượt hàng chục cây số đến làm việc tại xã A Tiêng (Tây Giang) từ nhiều năm nay. Với anh, Tây Giang là mảnh đất của cha ông đời trước, cũng là quê hương thứ hai mà thế hệ trẻ như anh luôn ghi nhớ. Dù sinh ra ở vùng thấp, song được làm việc, cống hiến cho đồng bào vùng núi cao Tây Giang là tâm niệm của Den, giúp anh vượt qua nhiều trở ngại. “Với mình, Tây Giang hay Đông Giang thì cũng là quê, là nhà của mình thôi. Người Cơ Tu xem nhau như ruột thịt, được đóng góp một phần công sức của mình giúp đồng bào cũng là điều mình luôn mong muốn” - Ka Lâu Den tâm sự.

Đám cưới “lịch sử”

Theo lời kể của già Alăng Vàng (thôn Đào, xã Sông Kôn), lễ cưới đầu tiên của đồng bào Cơ Tu ở hai vùng thượng - hạ là dấu ấn đáng nhớ nhất của tình đoàn kết giữa các cư dân bản địa và anh em từ vùng cao chuyển về. Đó là đám cưới của bà Alăng Thị Cốt với người chồng (nay đã mất). Bà Cốt là người làng Đào, chồng ở Bhơ Hôồng, có gốc ở vùng cao khu 7. “Trong đám cưới, các già làng đặt một hàng sỏi trắng, dùng máu chó tưới lên, rồi cùng nhau bước qua, hàm ý xóa bỏ mọi thù hận, hiềm khích xưa cũ, cùng về một mái nhà. Đám cưới của bà Cốt cũng là đám cưới đầu tiên giữa hai vùng người Cơ Tu. Từ đó cho đến bây giờ, chuyện cưới hỏi giữa trai gái hai vùng đã rất phổ biến, không còn bất cứ ràng buộc gì”  -già Alăng Vàng nói.

Cũng một tấm lòng như thế, Bh’riu Quân (ở làng Bhơ Hôồng 1) lên công tác tại xã A Tiêng tâm sự, khi đặt chân về quê cũ, đồng bào đã giúp đỡ bảo bọc anh như đón đứa con xa trở về. “Đói cơm, lạt muối nhưng ân tình ở nơi này thì luôn đậm sâu. Không ai xem mình như người lạ, nên sau này khi công tác mình cũng dễ tiếp cận, gần gũi với bà con nơi đây” - Bh’riu Quân chia sẻ. Điều anh tâm đắc, là đã thực hiện được lời hứa với bà nội và bố của mình: đưa họ về thăm quê cũ, sau 30 năm rời làng đi. Cuộc đoàn tụ xúc động ấy trở thành niềm thôi thúc giúp Bh’riu Quân thêm tâm huyết hơn với công việc, với bản làng vùng cao nơi này. Những lần đi về sau đó, anh tình nguyện làm cầu nối cho bà con ở hai quê. Năm 2013, Bh’riu Quân cùng một số già làng, người có uy tín tham gia thành lập tộc họ Bh’riu, giúp kết nối bà con ở các huyện miền núi. Con cháu trong tộc họ được giáo dục về tình đoàn kết, về gốc gác, truyền thống, xóa dần những cách trở về địa lý, để hai quê trở thành mái nhà chung của đồng bào.

Vùng cao nay đã khác. Câu lý vang lên trong mái gươl nay ca tụng về nghĩa tình của đồng bào Cơ Tu hòa cùng những đổi thay của bản làng. Những cuộc hội ngộ sau nhiều năm xa cách, hội kết nghĩa giữa các làng Cơ Tu đưa đồng bào xích lại gần nhau như anh em một nhà. Và ký ức đau thương của một thời “têng brâu” đã chìm lắng vào quá khứ, để các thế hệ con cháu sau này lớn lên trong kết đoàn. Người Cơ Tu luôn cùng chung nhịp chiêng, tiếng trống, cùng chung điệu tâng tung da dá, ở nơi đâu cũng đều có thể là nhà…

_______
Kỳ cuối: Làng xuyên biên giới

Trong cuộc thiên di của đôi chân trần người Cơ Tu ngày ấy, có cả những lần bước qua biên giới để tìm kiếm miền đất hứa. Rời đi, nhưng tình anh em thì vẫn luôn còn mãi. Vĩ thanh của mối kết đoàn, là tình cảm đồng bào dành cho nhau ở phía bên kia nước bạn…

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC