Ký ức di dân - Kỳ 1: Những người mở lối

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 10/10/2016 09:21

Như nhiều tộc người khác, đồng bào Cơ Tu ở núi rừng miền tây đất Quảng đã trải qua không ít lần di cư tìm kiếm vùng đất mới. Sống giữa rừng, những đôi chân trần đã quen với các chuyến đi. Ký ức hành trình di dân là vô vàn câu chuyện kể, gắn với nhiều tập tục độc đáo của người vùng cao.

KỲ 1: NHỮNG NGƯỜI MỞ LỐI

Bắt nguồn từ chủ trương của chính quyền những ngày đầu giải phóng, một cuộc di dân lịch sử đã được tiến hành ở các bản làng vùng cao phía tây xứ Quảng. Ký ức của hành trình lịch sử ấy gắn liền với tên tuổi hai vị già làng - những cánh chim tring đầu đàn của đồng bào Cơ Tu - là Bh’riu Prăm và Y Kông (ở Đông Giang).

Gươl làng Aliêng đã qua 2 lần dựng lại. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Gươl làng Aliêng đã qua 2 lần dựng lại. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Cuộc thương thảo lịch sử

Hơn 6 vạn dân trải dài từ những bản làng vùng giáp biên nước bạn Lào đến tận vùng rìa địa phận giáp ranh với TP.Đà Nẵng ngày nay, là dấu ấn của những hành trình di cư, tìm kiếm “miền đất hứa” của đồng bào Cơ Tu. Câu chuyện từ thuở xin đất lập làng dần mở ra trong hành trình tìm kiếm những chứng nhân lịch sử một thời, dọc dài các làng Cơ Tu ấy, mà điểm đến đầu tiên là Aliêng (xã A Ting, Đông Giang).

Cách địa phận TP.Đà Nẵng chỉ chừng hơn chục cây số, làng Aliêng nằm lọt giữa thung lũng. Cùng với gia đình của mình là một trong 3 hộ đầu tiên đặt chân tới Aliêng, già làng Bh’riu Nga vẫn còn nhớ, những ngày sau giải phóng, đích thân già Bh’riu Prăm - khi ấy đang làm lãnh đạo huyện đến làng Abưl (xã Ch’Ơm, Tây Giang ngày nay) để vận động bà con xuống lập nghiệp ở vùng thấp. “Già Prăm phải đi bộ mấy ngày đường, đến họp dân, bàn chuyện dời làng. Hồi đó, đường sá cách trở, cuộc sống còn rất khó khăn, ra đi là để tìm một tương lai mới cho con em đồng bào. Nhưng bà con cũng còn băn khoăn lắm. Cuối cùng, 3 hộ rời làng đi trước, tìm một tương lai khác ở vùng đất mới” - già Bh’riu Nga kể.

Ở vùng cao, lúc còn sống, lời của Bh’riu Prăm được đồng bào Cơ Tu trân trọng như tiếng trống K’thu của già làng. Nhưng rời bỏ mảnh đất cha ông bao đời, không phải ai cũng gật đầu đồng ý. Vậy là, vừa phải tuyên truyền vận động, già Prăm vừa phải tìm cách để xin đất, xin nhà cho người từ vùng cao về. Hành trình miệt mài chuẩn bị ấy đưa đến một cuộc thương thảo lịch sử giữa hai làng. Đồng hành với già Prăm là một vị già làng khác, uy tín cũng không kém, là Y Kông. Những cánh chim tring đầu đàn ấy đứng ra kết nối cho cuộc gặp giữa người dân Abưl và Aliêng. Kết quả của cuộc thương thảo là sự đồng thuận nhường đất, nhường nhà của người Cơ Tu vùng thấp cho những người anh em từ vùng cao về. “Kể thì ngắn gọn, nhưng tôi và anh Prăm đã phải đi hàng chục lần, mất nhiều tháng trời để bà con vùng cao đồng ý di dân. Rồi cũng mất thêm chừng đó thời gian để tìm được đất, xin được nhà cho họ. Ban đầu từ vài ba hộ, đến nay là cả hàng chục làng được lập, cùng sống chung với người Cơ Tu vùng thấp” - già Y Kông nhớ lại.

Nhắc lại cuộc thương thảo lịch sử mang dấu ấn của hai vị già làng, nhiều người ở Aliêng bây giờ vẫn rất biết ơn. Người xin đất không có trâu bò; người cho đất, cho nhà chẳng những không đòi hỏi mà còn để lại sắn, heo, gà cho người mới đến. Thứ “đặt cọc” duy nhất chính là uy tín và tiếng nói của hai già Prăm và Y Kông. “Dấu chân của hai già làng vẫn còn in ở đất này, còn trong tim của dân làng này. Cháu con bây giờ cũng được kể về công lao của các bậc tiền nhân. Không có hai già thì chắc chắn không có làng Aliêng bây giờ” - già làng Bh’riu Nga không giấu được xúc động. Vậy nên, năm 2012 khi “cánh chim tring” Bh’riu Prăm về với Giàng, người làng Aliêng lũ lượt đến viếng, đau buồn như mất một người thân.

Hoài niệm thời gian khó

Mái gươl đã hai lần được dựng, sau hơn 30 năm lập làng. Từ vài nóc nhà, Aliêng bây giờ đã có 82 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Con đường làng nay đã trải bê tông, sạch đẹp như câu nói đùa “đi quanh mà chân không dính đất” của người Aliêng. Nhưng những hoài niệm về một thời gian khổ vẫn còn là một phần ký ức không thể nào quên của nhiều người già trong làng. Cụ Alăng Véo, một trong những chứng nhân lịch sử của làng Aliêng cũ nhớ lại, buổi đầu di dân, người làng Abưl phải mất cả chục ngày đường. “Hồi dời về, 3 hộ người Abưl đầu tiên chỉ gùi theo ít gạo, sắn. Đi tới đâu, họ đốt lửa nấu ăn đến đó. Chúng tôi đón họ, dựng một ngôi nhà chung cho 3 hộ ở, góp thức ăn cho họ trong cả tháng đầu tiên. Nhiều người còn đi phát rẫy, trồng sắn giúp để họ yên tâm sinh sống” - cụ Véo nói.

Ống p’luung - kỷ vật còn lại của người dân Abưl kể từ ngày di cư về Aliêng. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Ống p’luung - kỷ vật còn lại của người dân Abưl kể từ ngày di cư về Aliêng. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Kỷ vật của những ngày đầu lập làng, nay chỉ còn vỏn vẹn một p’luung (ống đựng mũi tên) và một chiếc p’nanh (nỏ) của già Bh’riu Nga đã đen bóng sau hàng chục năm lưu giữ. Già Nga kể, do thời đó đi lại khó khăn, đường sá cách trở nên phải bỏ hết nhà cửa, tài sản, chỉ mang gạo và một số vật dụng cần thiết. Chiếc pa’nanh và ống p’luung là vật dụng vừa để phòng thân, vừa dùng để săn thú kiếm thêm thức ăn khi đi đường. Đây là kỷ vật duy nhất còn giữ được từ thời dời làng. Sau này, bà con từ vùng cao xuống thăm, già Nga vẫn hay mang những kỷ vật đó để hoài niệm về một thời còn nhiều gian khó ngày ấy.

Cuộc sống bây giờ, dù đã có phần đủ đầy hơn so với trước, nhưng mỗi lần nhắc về những gian khó ngày cũ, già Bh’riu Nga vẫn nhớ mồn một như chỉ mới hôm qua. “Hồi đó, đi xa quá, nhiều nhà không đủ gạo, sắn gùi đi nên ở lại làng cũ. Ban đầu chỉ có 3 hộ về Aliêng. Mỗi nhà gùi đi 3 ang gạo, khi đến nơi thì vừa hết. Ổn định rồi, mới đón thêm bà con từ vùng cao về” - già Nga tâm sự. Thời điểm mới nhập làng, Aliêng thuộc địa phận xã Ba. Mãi đến tháng 4.1987, khi cư dân đã đông đúc hơn, người Aliêng mới xin chuyển về xã A Ting, do cách trở về đường sá. Một lễ “gả” làng đã được tổ chức, hệt như một lễ cưới quy mô lớn giữa hai địa bàn. Theo lời già Nga, dịp đó người Cơ Tu 2 xã tổ chức hội mừng suốt mấy ngày liền, có đâm trâu, giết heo thết đãi.

Chúng tôi may mắn được gặp, được nghe già Y Kông kể, về chủ trương vận động người dân vùng cao dời làng di cư về vùng thấp. Khi ấy, cùng với Bh’riu Prăm, già Y Kông đang là lãnh đạo huyện, đã họp bàn tìm cách phát triển đời sống đồng bào vùng biên. Xuất phát từ mục tiêu đầu tiên: xóa nạn đói và mù chữ, chính quyền đã thống nhất vận động bố trí, sắp xếp dân cư, từng bước ổn định cuộc sống của đồng bào. Chủ trương này được cấp trên đồng ý, 2 vị già làng đã bỏ công sức nhiều năm trời để tuyên truyền. Thành quả của nỗ lực đó là sự ra đời của hàng chục ngôi làng mới cho đến ngày hôm nay.

Đi theo câu chuyện dài của già Y Kông, chúng tôi lại tiếp tục tìm được thêm nhiều ngôi làng với những hồi ức đặc biệt như Aliêng. Trải dài từ thung lũng Trung Mang (xã Ba) đến dọc đường Hồ Chí Minh, hầu như nơi nào cũng có sự hiện diện của làng người Cơ Tu thượng, mà lịch sử hình thành gắn liền với những cuộc di dân. Mỗi làng là một dòng ký ức, với điểm chung là dấu chân của hai vị già làng Bh’riu Prăm và Y Kông - người mở đất - để đồng bào vùng cao lần theo tìm kiếm miền đất hứa cho riêng mình. Lịch sử của những hành trình ấy nay còn lưu lại qua những cái tên có từ làng cũ, xã cũ. Như A Ting, cũng chính là tên gọi cũ của nguyên một xã ở vùng cao khu 7 (Tây Giang). Và thêm những ngôi làng mà cư dân 2 vùng sống chung, hòa thuận đến bây giờ, như: K9, Bút Nhót (xã Sông Kôn); Éo (xã Ba);…

_______
Kỳ 2: Ân tình vùng cao

Về làng mới chỉ là bước khởi đầu. Giữ chân bà con, vốn “mỏng manh” trước lằn ranh của đói nghèo và hủ tục, là một câu chuyện dài suốt nhiều năm tháng sau đó…

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC