Các thiết chế văn hóa cơ sở: Chờ đợi mô hình hoạt động hợp lý
Nhiều nhà văn hóa khối phố, nhà văn hóa thôn im ỉm đóng cửa, cỏ dại mọc đầy và sân chơi công cộng thành chỗ… nhốt bò. Năm 2015, lại thêm sự xuất hiện của các trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, với kỳ vọng sẽ “cải thiện” các hoạt động văn hóa thể thao, thu hút người dân, và cũng để… “đón đầu” danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của các địa phương.
Trung tâm VHTT xã Tam Phước. Ảnh: LÊ QUÂN |
Tháng 4.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1196 phê duyệt đề án xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến hiện tại, đã có 120 trung tâm VHTT xã đi vào hoạt động, trên tổng số 244 xã phường, thị trấn.
Đón đầu NTM?
Thực tế, các trung tâm VHTT cấp xã dù được xây mới hay tận dụng lại các cơ sở vật chất cũ, vẫn là những thiết chế văn hóa chắp vá và tẻ nhạt theo mô hình hoạt động cũ, được khoác thêm áo mới cho phù hợp với mục tiêu xây dựng NTM của hiện tại. Một cán bộ hoạt động văn hóa tại xã Cẩm Thanh (Hội An) cho biết, để đạt yêu cầu của tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã đó phải có nhà văn hóa - khu trung tâm xã và 5 phòng chức năng cùng các trang thiết bị kèm theo với kinh phí đầu tư lên đến vài tỷ đồng. Nhưng vấn đề đặt ra là, dù biết hoạt động của các trung tâm VHTT xã khó hiệu quả, dễ gây lãng phí nhưng các cấp, ngành vẫn phải đầu tư nếu muốn một xã nào đó được công nhận đạt chuẩn NTM.
Nếu tính tất cả hạng mục xây dựng, mỗi trung tâm VHTT cấp xã “ngốn” đến gần 2 tỷ đồng cho việc xây mới toàn bộ. Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết, tổng kinh phí xây dựng của Trung tâm VHTT xã Tam Phước là 1,9 tỷ đồng, chưa tính kinh phí mua sắm trang thiết bị hỗ trợ cho mỗi hoạt động. Hiện tại, sau nhiều năm trả nợ cho các hạng mục xây dựng NTM, sau 5 năm đạt chuẩn và tiếp cận được nguồn vốn từ Trung ương, xã Tam Phước vẫn còn nợ đến 5 tỷ đồng, chưa tính các khoản nợ do UBND tỉnh đứng tên chi trả - chừng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, tất cả thôn của xã Tam Phước đều đã có nhà văn hóa thôn, thậm chí nhiều nhà văn hóa thôn chỉ cách trung tâm VHTT xã hơn 1km, được xây dựng khá khang trang, nhưng lại thường xuyên đóng cửa.
Phần lớn các nội dung hoạt động của một trung tâm VHTT cấp xã cũng không khác mấy với các nhà văn hóa thôn, khối phố. Mỗi năm, các nhà văn hóa này hoạt động vài lần ở các dịp lễ lớn, ngày hội đoàn kết hay tổ chức thêm một số hoạt động thể thao để quy tụ người dân địa phương với quy mô lớn hơn. Lý do ngành văn hóa đưa ra khi xây dựng đề án thành lập trung tâm VHTT cấp xã, là sẽ có “nhiều nội dung phong phú đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phục vụ tốt nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ VHTT của nhân dân”. Nhưng ở phía người dân, họ cho rằng các thiết chế mới xây dựng sau này, nếu không tính toán được phương án hoạt động hợp lý, thì sẽ rơi vào cảnh đìu hiu như chính thực trạng của các nhà văn hóa thôn, khối phố lâu nay.
Ý tưởng hợp nhất các thiết chế
Mới đây, Sở VH-TT&DL có một cuộc họp nhằm lấy ý kiến các nhà quản lý tại địa phương sau một năm các trung tâm VHTT cấp xã đi vào hoạt động theo Quyết định 1196 của UBND tỉnh. Rất nhiều địa phương đã “kêu” vì chưa thể xây dựng được một bộ máy hoạt động hợp lý. Tại cuộc họp, các lãnh đạo ngành văn hóa địa phương chia làm 2 luồng ý kiến. Một bên cho rằng, việc hợp nhất giữa trung tâm VHTT cấp xã và trung tâm học tập cộng đồng sẽ nâng tổng kinh phí hoạt động của thiết chế chung này lên và sau khi hợp nhất sẽ do một bộ máy quản lý thay vì 2 bộ máy như trước đây. Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Mô hình sẽ phát huy tối đa các hoạt động mang tính giáo dục cộng đồng, thông qua các lớp học chuyên đề tuyên truyền về chính sách, dạy nghề, các hoạt động VHTT… Chức năng hoạt động của trung tâm VHTT và trung tâm học tập cộng đồng lâu nay có nhiều điểm chung, hướng đến việc nâng cao dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Khi hợp nhất, chúng ta sẽ có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, tầm ảnh hưởng các hoạt động này trong quần chúng”. Tuy nhiên, khá nhiều cán bộ quản lý của các trung tâm học tập cộng đồng lại cho rằng nếu tổ chức mô hình chung thì bộ máy hoạt động sẽ trở nên cồng kềnh, kinh phí cũng không đủ.
Lãnh đạo ngành văn hóa cho rằng, ý tưởng hợp nhất là của Bộ VH-TT&DL, cũng là mong muốn của địa phương. Nhiều địa phương đã đạt chuẩn về xã NTM, cho rằng ngay từ khi bắt đầu xây dựng các thiết chế, thì nên nghĩ đến việc thành lập một bộ máy hoạt động để có nhiều hoạt động thu hút người dân tham gia. Trung tâm VHTT cấp xã càng không phải là một ngoại lệ khi đây là tiêu chí để hoàn thiện, nâng cao đời sống văn hóa ở những vùng chuẩn NTM. Việc lãng phí các nhà VH thôn, khối phố đã được nhắc nhiều. Nay lại có thêm trung tâm VHTT cấp xã, liệu có phải lãng phí chồng lãng phí, nếu các địa phương và cả ngành văn hóa không linh động xây dựng một bộ máy cũng như cơ chế hoạt động riêng biệt, mang đặc thù của mỗi vùng đất?
LÊ QUÂN