"Tổ ấm" thời công nghiệp
Cuộc sống hiện đại cùng tác phong công nghiệp ở các thành phố đã lôi cuốn nhiều gia đình vào nhịp điệu quay cuồng của nó. Những sinh hoạt đời thường, những quan niệm truyền thống chịu không ít xáo trộn, thay đổi, ngay đến chuyện bếp núc và bữa cơm chung gia đình cũng trở nên khó đủ đầy…
Minh họa: DAD |
Người Việt Nam lâu nay quan niệm việc bếp núc phải là việc của đàn bà, đàn ông vào bếp thì mất oai phong, không “xứng mặt nam nhi”! Thử nhìn lại, trường hợp cả hai vợ chồng đều đi làm, ở nhiều gia đình thậm chí công việc của người vợ còn vất vả hơn. Người đàn ông sau giờ tan sở có thể vui vẻ nhận lời đi chơi với bạn bè đâu đó, chẳng đắn đo. Trong khi ấy, người phụ nữ vừa hết việc cơ quan, liền kề đó là hàng núi công việc ở nhà chờ đón, từ giặt giũ, lau nhà, rửa chén, nấu cơm, ủi đồ... Người đàn ông có thể nói tiếng trước, tiếng sau là vác ba lô lên đường đi công tác. Ngược lại, người phụ nữ muốn đi công tác phải suy nghĩ, cân nhắc, sắp xếp... Thậm chí, nhiều trường hợp phải có sự đồng ý của chồng mới được đi. Mà lúc ở nơi xa, người vợ chẳng yên tâm, phải gọi điện thoại về nhà liên tục để nhắc nhở chồng lo chăm sóc con, quán xuyến việc nhà.
Vợ tôi là công chức nhà nước, tôi làm ở một doanh nghiệp, công việc của tôi làm theo ca bắt đầu từ 14 giờ và kết thúc vào 22 giờ mỗi ngày. Với điều kiện sinh hoạt như vậy, gia đình tôi hiếm khi có bữa cơm chiều đông đủ. Trước đây, khi con cái còn nhỏ, cả nhà còn duy trì bữa cơm gia đình chiều chủ nhật. Sau này, các cháu lớn lên, nhất là khi cháu lớn năm nay thi tốt nghiệp lớp 12, phải học thêm nhiều môn, thế là hầu như trong tuần không ngày nào gia đình tôi có bữa cơm chiều trọn vẹn. Với đặc thù như vậy, chúng tôi chuyển bữa cơm gia đình vào buổi trưa. Hơi trái ngược với những hoàn cảnh gia đình khác, nhưng tôi lại xem đó là một điều hay. Bởi bữa trưa được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là quan trọng (sau bữa ăn sáng).
Buổi sáng, vợ tôi dậy sớm, sau khi đi bộ một vòng tập thể dục, cô ấy ghé vào chợ mua thức ăn. Về đến nhà, cô ấy chuẩn bị hết mọi thứ: rửa rau, thái thịt, ướp cá... Tất cả cho vào tủ lạnh để trưa tôi ở nhà có thể dễ dàng chế biến món ăn mà không sợ mặn hay nhạt. Do đã chuẩn bị sẵn hết mọi thứ nên tôi nấu rất nhanh. 11 giờ 30 tan sở, vợ tôi về nhà thì cơm nước đã dọn lên tươm tất. Con học buổi chiều kịp có cơm ăn để đi học, đứa học buổi sáng vừa về là sà ngay vào bàn ăn để giải quyết bao tử đang réo. Trong bữa cơm trưa ngắn ngủi, chúng tôi vẫn có đủ thì giờ trao đổi về việc học hành của con, những chuyện vui lượm lặt được trong ngày hay đơn thuần là bình luận món ăn nhạt, mặn...
Tất nhiên bữa cơm tối do vợ tôi chuẩn bị. Nhưng, như đã nói ở trên, giờ giấc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình bị lệch pha nên hầu như mỗi người mỗi... tô! Là đàn ông, tôi chẳng thấy áy náy hay than phiền khi phải vào bếp lo cho con cái bữa cơm trưa mà ngược lại, nếu hôm nào không phải nấu, tỉ như con cái đi ăn liên hoan, vợ đi công tác, tôi lại thấy buồn vì không được vào bếp. Bởi do thói quen thường ngày bận rộn vào buổi trưa nên không nấu ăn cảm thấy thiếu cái gì đó. Rảnh rỗi chẳng biết phải làm gì. Lúc đầu vợ tôi còn nêm nếm sẵn để trong tủ lạnh cho tôi khỏi phải lúng túng, lóng nga lóng ngóng. Nhưng dần về sau tôi đã quen khẩu vị, mùi hương và sở thích của cả nhà nên chuyện nấu ăn đối với tôi trở nên đơn giản. Thậm chí có đôi lần các con khen tôi nấu món kho còn hơn cả mẹ của chúng làm! Cũng nhờ thế mà tôi có thêm động lực để chế biến những món mới cho cả nhà đỡ ngán.
Nếu người phụ nữ bận rộn, thì người chồng vẫn có thể gánh vác chuyện nhà một cách hợp lý chứ không có gì phải xấu hổ. Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, tốt nhất, để bữa cơm gia đình ngon hơn, vui vẻ hơn, cần có sự hợp tác của tất cả thành viên trong nhà: người nấu ăn, người dọn, người rửa bát... Con cái qua đó học được những bài học quý giá trên bàn ăn. Chúng sẽ biết yêu thương cha mẹ, có trách nhiệm với gia đình, chịu khó lao động chứ không lười biếng.
NGUYỄN HOÀNG DUY