Những cánh rẫy còn xanh
Vạt nắng vàng ươm bên kia sườn dốc, nơi những cánh rẫy của đồng bào Cơ Tu vẫn đang xanh. Sau khi trở thành triệu phú, họ vẫn không bỏ những mảnh rừng cha ông đã đời đời cần mẫn, dù màu xanh ấy vẫn hằn in lắm nhọc nhằn trên núi đá…
Những nóc nhà khang trang của đồng bào Cơ Tu ở Pà Rum sau khi tái định cư. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Làng “triệu phú”
Từ Chà Vàl, nơi còn phảng phất chút tấp nập bán mua của trung tâm 6 xã vùng cao huyện Nam Giang, rẽ ngoặt vào Zuôih là ngay lập tức bắt gặp một bức tranh đối lập. Đường vắng, lau lách um tùm hai bên và chi chít ổ gà ổ voi suốt quãng chừng hai mươi cây số vào trung tâm xã. Con đường vòng vèo quanh Sông Bung, nơi đang được đắp đập tích nước phục vụ cho thủy điện, còn những làng cũ giờ đã nằm đâu đó dưới con nước thăm thẳm lòng hồ. Người dân làng Pà Rum được di dời về nơi ở mới, cách làng cũ chừng 30 phút đi bộ. Từ con đường nhựa nhìn xuống, những nóc nhà lợp tôn xanh đỏ nối dài hai bên con đường bê tông như một mảng màu đặc biệt giữa trập trùng đồi núi đang xanh.
Ông A Viết Trọng (63 tuổi) đon đả mời tôi vào nhà uống nước, khi thấy khách từ nơi xa đến hỏi thăm. Một nếp quen đã thành tục của người Cơ Tu. Đang chịu cái nắng hầm hập từ đường nhựa, bước vào nhà ông Trọng, không khí mát mẻ như lắp điều hòa, bởi xung quanh toàn bằng gỗ. Nhà dựng theo lối nhà sàn, chỉ có nền bằng gạch, còn tuyền gỗ. “Căn nhà này tôi dựng 3 năm rồi. Từ tiền đền bù thủy điện. Gỗ tôi cất để dành lâu rồi. Tiền công xây dựng và mua xi măng, gạch hết chừng ba trăm triệu đồng. Còn mua một cái xe máy cho con trai nữa” - ông Trọng hồ hởi kể về căn nhà của mình.
Tôi hỏi về những căn nhà gỗ ở Pà Rum. Trị giá của nhiều căn nhà ở nơi này, theo lời của những chủ nhân, là cả tỷ đồng nếu tính luôn tiền gỗ. Nhà nào cũng vậy. Một tốp thợ người Bắc, từ 4 đến 6 người nhận thầu một lúc hai, ba căn nhà. Cứ làm nhà này vài ngày lại chạy sang nhà khác, để giành mối. Hồi mới chuyển về, cả làng Pà Rum chỉ là những căn lều tạm, dọc theo vạt đất được cấp sẵn. Khi làm xong hết nhà cửa, họ cùng dọn về ở một lần, cùng làm lễ ăn mừng chung cho cả làng. Nhà ông Trọng, rồi các nhà lân cận, cũng na ná nhau như mô típ chung, chỉ khác về kích cỡ và chất liệu gỗ. Ông Trọng bảo, từ hồi thủy điện về làm, cả làng được đền bù tiền rẫy, tiền nhà do phải di dời nhường cho công trình. Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến cả tỷ đồng.
Câu chuyện khiến chúng tôi nghĩ ngay đến thôn 2, xã Tà Pơơ (Nam Giang), nơi cư dân cũng chính là anh em bà con với người thôn Pà Rum ở đây, cũng thuộc diện tái định cư thủy điện. Từng được mệnh danh là “làng tỷ phú”, người Cơ Tu ở thôn 2 xã Tà Pơơ xài tiền như... lá mít. Nhà gỗ hàng trăm triệu, to như biệt phủ. Đến hốt mùn cưa cũng bỏ tiền ra thuê, dân làng chỉ uống bia, hát hò và… chi tiền. Cánh thợ mộc ở các tỉnh phía Bắc từng “vớ bẫm” ở thôn 2, khi người dân dốc tiền thuê thợ làm nhà rất to, rất hoành tráng và không cần mặc cả. Và rồi, sau hai năm rơi vào hũ tiền, họ mau chóng trở lại với quá khứ nghèo đói của mình, thậm chí còn khổ hơn. Ruộng rẫy nay đã mất hết rồi, hết tiền, nhiều nhà trở lại cuộc sống lay lắt bằng săn bắt hái lượm và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Những căn nhà gỗ nay cũng đã bắt đầu nứt toác vì mưa nắng, lớp sơn PU sáng bóng ngày nào bong tróc, tàn phai chóng vánh như giấc mơ triệu phú của các chủ nhân...
Tiền tỷ, vẫn đi làm rẫy
“Ông còn làm rẫy không?”, tôi hỏi ông Trọng, cắt ngang câu chuyện kể về những ngôi nhà hàng tỷ đồng mà ông đang kể. “Có chớ. Không làm rẫy lấy lúa đâu ăn. Nhà tôi còn rẫy, phía bên kia đồi kìa, chuẩn bị thu hoạch”. Tôi chắc mẩm bi kịch đang lặp lại ở nơi này, hệt như ở Tà Pơơ. Hết tiền lại quay về rẫy. Nhưng già Cơ Tu ấy, như đoán được, đã kịp thanh minh: “Làm rẫy mới có cái bỏ bụng chớ, còn tiền để dành lại cho con cho cháu!”.
Già A Viết Trọng trong căn nhà gỗ tiền tỷ của mình.Ảnh: THÀNH CÔNG |
Ông Trọng hiểu ý của tôi, ngay từ lúc tôi hỏi về những căn nhà, về giá trị của chúng và tiền thủy điện đền bù. Ông nói ngay là ông không xài phí, kiểu như Tà Pơơ. Dân làng Pà Rum này với thôn 2 Tà Pơơ là anh em, từng ở gần nhau, chuyện của họ, dân ở đây biết hết. Căn nhà ông dựng chỉ bằng phân nửa số tiền đền bù. Số còn lại, vẫn đang được gửi ngân hàng. “Dựng nhà là mơ ước cả đời của tôi. Bà con ở đây cũng thế, nên có tiền, phải làm cái nhà đàng hoàng để ở. Nhưng cũng phải để dành, mai này có cái để lại lo cho con cháu” - ông nói. Trưởng thôn Pà Rum, ông Pơloong Nhiêu xác nhận, không chỉ ông Trọng, mà nhiều nhà trong làng vẫn đang cất tiền, gửi ngân hàng cẩn thận. Chỉ có vài ba hộ không giữ được, nhưng không phải vì tiêu xài hoang phí mà đem tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho con. Họ vẫn đi rẫy, vẫn đều đặn đốt trỉa lúa mỗi mùa. Hết việc thì rủ nhau bứt đót, bứt mây như vài ba năm trước. Có khác, là không sợ bão, không ngán mưa, cũng không du cư nữa, vì nhà cửa giờ đây đã kiên cố hơn trước rất nhiều. Chỉ thiếu đất sản xuất. Vì đất cấp cho dân chỉ hơn một héc ta mỗi hộ; nhiều nhà tách hộ, thêm người, cần thêm đất để làm rẫy vì không ai dám xâm lấn vô rừng phòng hộ. “Em cần đất rẫy để làm. Giờ lấy vợ, sinh con rồi, phải kiếm cách để có cái ăn. Chỉ cần đất thôi, tiền cho mấy triệu rồi tiêu cũng hết” - Bhling Nhước, một thanh niên làng Pà Rum nói.
Bi kịch hết tiền, đói nghèo sau khi nhận tiền đền bù thủy điện đã không xảy ra ở Pà Rum. Chính cán bộ địa phương cũng đã đồng hành, chỉ cho dân cách “tiêu tiền”. Ông Tơngôl Đa - Bí thư xã Zuôih - kể, từ chuyện ở thôn 2, xã nhiều lần về làng nói chuyện với dân. Mời các già làng, rồi mời thanh niên, vận động họ bằng chính câu chuyện của những người anh em ở thôn 2, xã Tà Pơơ. Nhiều thợ mộc lừa lấy tiền của dân thôn 2, nên khi họ đến, xã yêu cầu cán bộ thôn đến từng nhà, lập hợp đồng cho những hộ thuê người dựng nhà, ghi lại giấy tờ tùy thân của họ để cất giữ phòng trường hợp bị lừa thì có cái mà truy.
Cán bộ cũng cảnh báo người dân chuyện dùng tiền hoang phí, sắm sửa xe máy, và vận động để dành tiền mai này còn lo con cháu. Các già làng đứng ra nói chuyện với thanh niên, nên giờ nhiều người ở Pà Rum vẫn giữ được tiền, để dành trong ngân hàng. Ngay cả gỗ dựng nhà, xã cũng thường xuyên cho người kiểm tra, yêu cầu không ồ ạt khai thác trộm gỗ rừng, hoặc lợi dụng làm nhà cửa để chặt cây, bán lấy tiền. Ông Đa kể, năm 2013, một tốp thợ mộc ở Đại Lộc lên dựng nhà, ứng trước của A Viết Có (thôn Pà Rum) 40 triệu để mua đồ đạc nhưng chưa làm ngày nào thì lặng lẽ bỏ về. Nhờ hợp đồng do cán bộ thôn lập giúp, chính quyền đã giúp tìm được người thợ mộc kia, lấy lại tiền. “Tôi nói với dân, làm nhà thì cứ làm nhưng phải cất bớt lại tiền để phòng đau ốm và cho con cháu, vì số tiền đền bù thủy điện rất lớn, cả đời cũng khó kiếm được. Chính quyền huyện, sau vụ Tà Pơơ cũng xuống quán triệt xã phải hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong quá trình về làng mới, tránh lặp lại chuyện tiêu xài hoang phí tiền đền bù” - ông Đa nói.
Sống trong những ngôi nhà hàng trăm triệu, nhưng đồng bào Cơ Tu ở Pà Rum vẫn cần mẫn như con ong trên rừng, ngày ngày làm rẫy, phát nương, sống cuộc đời bình dị như thuở vẫn còn ở ngôi làng cũ. Trên ngọn đồi cạnh làng, cánh rẫy vẫn đang xanh, dù chưa vơi hết những nhọc nhằn…
Phóng sự của PHƯƠNG GIANG