Mùa giải Nobel 2016: Những khám phá làm thay đổi thế giới
Mùa giải Nobel năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những công trình khoa học vĩ đại, góp phần thay đổi thế giới.
![]() |
Chủ nhân giải Nobel Y học 2016 - Giáo sư Yoshinori Ohsumi. |
Năm nay, giáo sư người Nhật, Yoshinori Ohsumi (71 tuổi), làm việc tại Viện Công nghệ Tokyo là người duy nhất chiến thắng giải Nobel Y học. Ông được công bố đoạt giải Nobel hôm 3.10 với công trình khoa học nghiên cứu về các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Công trình của ông Ohsumi từ những năm 1990 nghiên cứu về cơ chế tự thực (tự ăn chính mình) của tế bào, một quá trình sửa chữa tế bào gọi là autophagy.
Khám phá này đã mở ra cơ hội cho những nghiên cứu ứng dụng tiếp theo về điều trị bệnh ung thư, tiểu đường, Alzheimer và Parkinson… Đây là những căn bệnh đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là bệnh ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm, 12,7 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 7,6 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến căn bệnh này. Hay Parkison, một bệnh thoái hóa tiến triển của hệ thần kinh trung ương thường gây ra cho những người lớn tuổi, nay nhiều người trẻ tuổi từ 21 đến 45 cũng mắc phải, chiếm 2 - 10% trong tổng số những trường hợp mắc bệnh. Nhờ vào công trình của Yoshinori Ohsumi mà giới y học biết được rằng, cơ chế tự thực điều khiển các chức năng sinh lý quan trọng, nơi các thành phần tế bào cần thoái hóa và tái tạo, để tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp điều trị hay ngăn ngừa phát triển các bệnh nói trên.
Dù khá bất ngờ so với dự đoán của nhiều chuyên gia, rằng giải Nobel Vật lý năm nay chắc sẽ về tay Ronald Drever, Kip Thorne và Rainer Weiss, 3 nhà khoa học từng thông báo về phát hiện các sóng hấp dẫn và sự tồn tại của vật chất tối trong vũ trụ vào tháng 2.2016, hứa hẹn giải đáp nguồn gốc vũ trụ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về “các trạng thái lạ của vật chất” của 3 nhà khoa học người Anh, sinh sống và làm việc tại các trường đại học ở Mỹ là David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz đã được Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển công bố đoạt giải Nobel hôm 4.10. Công trình này, bằng ứng dụng lý thuyết toán học (to po học) trong vật lý đã giải thích các trạng thái bất thường của vật chất.
Nghiên cứu này đã mở ra cánh cửa của thế giới bí ẩn, nơi mà vật chất có thể chuyển sang các trạng thái kỳ lạ. Ví như trạng thái siêu bán dẫn, siêu lỏng hoặc màng từ tính mỏng. Nghiên cứu của họ góp phần minh họa cách thức một số vật chất có thể tồn tại ở những trạng thái khác thường, giúp các nhà khoa học tìm ra những dạng vật chất mới. Theo đánh giá của Ủy ban Nobel: “Nghiên cứu mới này có thể giúp cuộc tìm kiếm các vật chất lạ bước sang giai đoạn mới. Nhiều người hy vọng có thể ứng dụng nó vào các lĩnh vực khoa học vật chất và điện tử trong tương lai”. Vì thế, sau khi nhận được thông tin về giải thưởng danh giá này, nhà khoa hoc Duncan Haldane cho biết, ông rất ngạc nhiên nhưng cảm thấy hài lòng và hy vọng trên cơ sở đó, thế giới sẽ tiếp tục có những khám phá quan trọng cho nhân loại.
Giải Nobel ra đời vào năm 1901, theo nguyện vọng của nhà khoa học và phát minh nổi tiếng người Thụy Điển, Alfred Nobel (1833-1896), hiện được trao cho 6 lĩnh vực Y tế, Vật lý, Hóa học, Kinh tế, Hòa bình và Văn học. Lễ trao giải chính thức diễn ra vào ngày 12.10 hằng năm, nhân kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel. Tiền thưởng được trích từ lợi nhuận của Quỹ Nobel với số tài sản khổng lồ, hiện ước tính khoảng 200 triệu USD của Alfred Nobel để lại. Những người nhận được giải Nobel danh giá năm nay sẽ được nhận phần thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 930.000USD). Đến nay, có khoảng 870 người nhận giải Nobel, cao tuổi nhất là Giáo sư Leonid Hurwicz, người Mỹ gốc Nga với giải Nobel Kinh tế vào năm 2007 ở tuổi 90 và ông đã qua đời vào một năm sau đó. Người trẻ tuổi nhất là Malala Yousafzai, nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014, ở tuổi 17.
NAM VIỆT