Vui một nửa...

AN NHI 07/10/2016 13:04

Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ V (ABG 5) vừa kết thúc sau hơn 10 ngày diễn ra sôi động tại TP.Đà Nẵng. Song, câu chuyện mà nhiều người bàn luận trong suốt tuần qua không phải là việc lần đầu tiên đăng cai một đại hội thể thao tầm cỡ châu lục, mà là việc chủ nhà có được thành tích ngoài sức tưởng tượng với 52 huy chương vàng (HCV) và ngôi vị nhất toàn đoàn.

VĐV Văn Ngọc Tú (ngoài cùng bên trái) chỉ giành HCB Judo.
VĐV Văn Ngọc Tú (ngoài cùng bên trái) chỉ giành HCB Judo.

Ngay cả các quan chức lãnh đạo ngành TD-TT cũng bất ngờ khi chỉ tiêu 20 mà giành tới 52 HCV, thì không ngạc nhiên khi những người ít quan tâm đến thể thao nghe thông tin này đã thốt lên “có lẽ nghe nhầm”! Một bài báo trên Báo Tuổi Trẻ còn giật tít: “Chủ nhà Việt Nam giành quá nhiều huy chương ở ABG 5”, thể hiện sự không vui trước sự kiện này.

Trong lịch sử của đấu trường SEA Games - nơi mà người ta quen gọi là thể thao vùng trũng - thì đến nay, Việt Nam mới lần đầu tiên có được ngôi vị nhất toàn đoàn, đó là SEA Games năm 2003 tổ chức trên sân nhà. Nhưng tại sân chơi tầm châu lục như ABG rõ ràng là chuyện khác “một trời một vực”! Cũng là kỳ đại hội cấp châu lục, ở Asiad 17 cách đây 2 năm, chúng ta chỉ giành vỏn vẹn 1 tấm HCV (tất nhiên tính chất, quy mô của 2 đại hội này khác nhau). Trong khi đó ở ABG lần này, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tăng lên 52 HCV và vượt mặt hàng loạt cường quốc về thể thao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng có vui không? Câu trả lời của nhiều người là không vui. Không phải phủ nhận nỗ lực hay hoài nghi năng lực của các vận động viên Việt Nam, cũng chẳng phải chúng ta lợi dụng lợi thế chủ nhà để giành huy chương. Nhưng, việc “bội thực” huy chương ở một đại hội tầm châu lục là một điều đáng suy nghĩ.

Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - cho rằng, nói đến thể thao bãi biển là nói đến thuyền buồm, lướt ván, dù bay…, nhưng ABG 5 lại không tổ chức những môn này. Ngược lại, chúng ta đưa những môn thể thao trong nhà là thế mạnh của Việt Nam ra bãi biển, như: vật, đá cầu, vovinam, võ cổ truyền… Điều này cho thấy, ABG 5 đã làm giảm đi một phần ý nghĩa của thể thao bãi biển. Hơn nữa, ABG là sân chơi phong trào, dùng thể thao để quảng bá du lịch. Thế nhưng, ngoại trừ Việt Nam đưa lực lượng mạnh gồm nhiều vận động viên chuyên nghiệp, còn lại các cường quốc thể thao lại tỏ ra thờ ơ với giải đấu. Thật khó tin khi Việt Nam giành 52 HCV còn một cường quốc thể thao tầm cỡ thế giới là Trung Quốc chỉ 12 HCV. Còn Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ vỏn vẹn 1 tấm HCV, thậm chí tổng số HCV, bạc, đồng của 2 đoàn Hàn Quốc và Nhật Bản cộng lại cũng chỉ dừng ở con số 26 - bằng phân nửa số HCV của đoàn Việt Nam. Cũng bởi vậy mà ABG 5 kết thúc nhưng cờ đăng cai ABG 6 chưa biết trao cho ai do không có nước nào nhận!

Thành tích nào cũng đáng trân trọng, song với thành tích đạt được tại ABG 5 của đoàn thể thao chủ nhà trong lần đầu tiên đăng cai, rõ ràng niềm vui chỉ có một nửa. Vả lại, thành quả này cũng không phản ánh và cũng chẳng đồng nghĩa với sự phát triển của nền thể thao Việt Nam, dù đây là đại hội tầm châu lục.

AN NHI

AN NHI