Đổi mới hoạt động bưu điện văn hóa xã

BẢO LÂM 07/10/2016 09:05

Sau một thời gian sụt giảm doanh thu do sự phát triển mạnh của điện thoại không dây và internet băng thông rộng, ngành bưu điện đã vực dậy hoạt động của bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) bằng cách gắn kinh doanh với phục vụ hoạt động hành chính công.

Đồng hành với nông thôn mới

Từ khi Quảng Nam phát động xây dựng nông thôn mới (NTM) với tiêu chí số 8 về hoạt động bưu điện, Bưu điện tỉnh đã nỗ lực củng cố, đầu tư, phát triển điểm BĐVHX phục vụ xây dựng NTM, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính tại các vùng nông thôn. Ông Trần Văn Địch - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, bên cạnh các dịch vụ kinh doanh, đơn vị chú trọng cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, tổ chức hoạt động đọc sách báo phục vụ cộng đồng. Đồng thời triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông của nhà nước về nông thôn.

Bưu điện tỉnh chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất theo hộ gia đình tại phường Tân An (TP Hội An). Ảnh: CHÂU NỮ
Bưu điện tỉnh chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất theo hộ gia đình tại phường Tân An (TP Hội An). Ảnh: CHÂU NỮ

Cùng với việc tổ chức cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, BĐVHX duy trì tốt việc phục vụ nhân dân đọc sách báo miễn phí theo chương trình mục tiêu quốc gia về thông tin và truyền thông. Trung bình mỗi điểm BĐVHX có hơn 400 cuốn sách các loại và nhiều báo, tạp chí khác phục vụ người đọc miễn phí.  Ngoài ra, Bưu điện tỉnh còn phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở Thông tin và truyền thông luân chuyển tủ sách từ Thư viện tỉnh sang điểm BĐVHX được gần 1.000 đầu sách. Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc (Nông Sơn) chia sẻ, từ khi Bưu điện tỉnh triển khai mô hình kinh doanh đa dịch vụ tại điểm BĐVHX ở địa phương, bộ mặt đời sống của xã đã thêm phần khởi sắc. Người dân có nơi đọc sách báo miễn phí, truy cập internet, nắm bắt kịp thời các thông tin về thời sự và đời sống xã hội; tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp, nông thôn để áp dụng vào thực tiễn. Hơn nữa, người dân còn được nhận các chế độ của nhà nước tại điểm BĐVHX, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Gắn kinh doanh với phục vụ

Bưu điện tỉnh đang quản lý 276 điểm phục vụ, bao gồm 48 bưu cục giao dịch, 162 điểm BĐVHX, 18 bưu cục phát, 3 đại lý bưu điện và 45 thùng thư công cộng. Trong 2 năm qua, Bưu điện tỉnh đã đầu tư 3,5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, trang bị biển hiệu theo nhận diện thương hiệu Bưu điện Việt Nam cho 137 điểm BĐVHX trong tổng số 162 điểm trong toàn tỉnh, đạt tỷ lệ hơn 85%.
Đặc biệt, với việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ hành chính công, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính cho người dân nông thôn, Bưu điện tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”.

Một trong những hoạt động nổi bật của BĐVHX trong những năm trở lại đây là hoạt động kinh doanh đa dịch vụ và phục vụ hành chính công. Bưu điện tỉnh đã triển khai kinh doanh đa dịch vụ tại hơn 80 điểm BĐVHX và phấn đấu 100% điểm đều tổ chức hoạt động theo mô hình này. Tùy theo nhu cầu thị trường, các điểm BĐVHX cung cấp các dịch vụ như: bưu chính chuyển phát trong nước, quốc tế, phát hành báo chí, thương mại điện tử, truy cập internet, dịch vụ tài chính bưu chính và tiết kiệm bưu điện, cho vay một số đối tượng dưới dạng tín chấp. BĐVHX còn nhận cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính như dịch vụ chuyển tiền; dịch vụ thu hộ, chi hộ; dịch vụ giới thiệu khách hàng gửi tiết kiệm và vay tín dụng tiêu dùng; dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ; dịch vụ chi trả lương hưu và các chế độ BHXH; chi trả các dịch vụ hành chính công khác như trợ cấp người có công, trợ giúp xã hội và triển khai dịch vụ bảo hiểm.

Bà Phạm Thị Sáu (83 tuổi, ở xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) tâm sự, trước đây bà phải đến trụ sở UBND xã để nhận tiền trợ cấp cho người cao tuổi, gần đây, hằng tháng, bà đến điểm BĐVHX gần nhà để nhận chế độ nên rất tiện lợi. Tương tự, ông Phan Tề ở xã Đại An, huyện Đại Lộc cũng cho biết, trước đây, ông nhận các chế độ người có công, lương hưu ở xã; gần đây ông nhận các khoản này ở điểm BĐVXH và cảm thấy khá thuận tiện. Chị Nguyễn Thị Hồng - nhân viên BĐVHX Quế Xuân 1 cho biết, điểm kinh doanh đa dịch vụ ở BĐVHX Quế Xuân xã đã tổ chức kinh doanh và phục vụ các dịch vụ do Bưu điện tỉnh triển khai, từ bán lẻ một số hàng đến thu hộ, chi hộ, bán bảo hiểm, nhận chuyển EMS… Một số người dân ở xã khác cũng đến nhận chế độ ở điểm BĐVHX Quế Xuân 1 vì thấy thuận tiện.

Kỳ vọng của ngành bưu điện tỉnh là tổ chức các điểm BĐVHX thành các điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, không ít nhà sinh hoạt văn hóa thôn do ít hoạt động và chưa được bảo trì đầy đủ nên xuống cấp. Nếu được sự quan tâm, Bưu điện tỉnh sẽ tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, với nguồn nhân lực sẵn có và được đào tạo bài bản... để triển khai mô hình kinh doanh đa dịch vụ ở các nhà văn hóa thôn. “Với cách này, Bưu điện tỉnh sẽ đem dịch vụ đến gần người dân hơn và phục vụ tốt hơn. Vì ở Quảng Nam, nhiều xã ở khu vực miền núi, nông thôn địa bàn rộng nên việc đi lại để nhận lĩnh chế độ và thực hiện một số thủ tục hành chính khác của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bưu điện tỉnh đã triển khai thí điểm ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) với 5 điểm phục vụ và người dân ở đây rất hài lòng” - ông Địch cho hay.

BẢO LÂM

BẢO LÂM