Được mất du lịch cộng đồng - Bài 2: Xung đột lợi ích

THÂN VĨNH LỘC Bài cuối:  Khi cộng đồng trách nhiệm 07/10/2016 08:39

Sau khi dự án kết thúc, tại một số nơi mâu thuẫn lợi ích dần bộc lộ ngay trong chính bộ máy quản lý hoạt động du lịch của làng; giữa làng với doanh nghiệp du lịch; giữa người dân trong cộng đồng với nhau….

  • Được mất du lịch cộng đồng - Bài 1: Khai thác lợi thế bản địa

Câu chuyện Trà Nhiêu

Tháng 10.2008, làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) được chọn triển khai xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng sinh thái. Khí thế ban đầu đã mang đến cho Trà Nhiêu những cơ hội và thay đổi; cơ sở hạ tầng đường làng, cổng ngõ, kè sông, nhà điều hành... được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, các nhóm sản phẩm dịch vụ, làng nghề truyền thống như dệt chiếu, chằm lá dừa nước, vá lưới, đánh bắt thủy sản trên sông, ẩm thực, dịch vụ xe đạp tham quan… cũng được dự án quy hoạch đồng bộ. Nhiều người dân Trà Nhiêu được đưa đi tập huấn tại Huế, Hội An về các kỹ năng giao tiếp, đón khách, nấu ăn, làm hàng lưu niệm... Chỉ trong 2 năm 2012 - 2013, hơn 40 phụ nữ trong làng được tổ chức học nghề đan túi xách tay, mũ, dép… từ cây cói để về làm du lịch cộng đồng. Du khách bắt đầu tìm về Trà Nhiêu. Một không khí háo hức, kỳ vọng ngập tràn...

Du lịch cộng đồng tại hồ Thạch Bàn (Duy Xuyên) tự xoay xở tìm khách. Ảnh: VĨNH LỘC
Du lịch cộng đồng tại hồ Thạch Bàn (Duy Xuyên) tự xoay xở tìm khách. Ảnh: VĨNH LỘC

Tuy nhiên, chỉ qua một thời gian hoạt động, mô hình du lịch làng Trà Nhiêu dần bộc lộ những hạn chế, chủ yếu do thiếu cơ chế quản lý và những quy định ràng buộc trong việc phân chia lợi ích các bên liên quan. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành và du khách tự do đến rồi về Hội An ăn nghỉ. Có ngày Trà Nhiêu đón hơn 100 khách nhưng làng chẳng thu được đồng nào. Một số gia đình làm nghề thỉnh thoảng có khách ghé thăm nhưng số tiền nhận được không nhiều do chưa có mức quy định cụ thể mà tùy vào sự hảo tâm của khách. Lợi nhuận vẫn chảy vào túi doanh nghiệp, mô hình du lịch cộng đồng với mục đích cuối cùng cộng đồng hưởng lợi đã không thành hiện thực. Ngoài ra, cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng kèn cựa nhau trong đón khách giữa các hộ dân làm nghề trong làng. Ông Trần Duy Năm - nguyên Trưởng ban Điều hành du lịch Trà Nhiêu kể, từng có trường hợp khách thăm nhà này nhưng sang nhà bên xin đi vệ sinh đã bị chủ nhà từ chối.

Người dân Trà Nhiêu vẫn chưa được hưởng lợi từ mô hình làng du lịch cộng đồng. Ảnh: VĨNH LỘC
Người dân Trà Nhiêu vẫn chưa được hưởng lợi từ mô hình làng du lịch cộng đồng. Ảnh: VĨNH LỘC

Đặc biệt, từ khi làng khai trương (năm 2010) đến nay hầu như huyện và Sở VH-TT&DL không quan tâm hay hỗ trợ gì. Ban điều hành làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu lập ra với nhiệm vụ điều phối khách, quản lý hoạt động du lịch thì chán nản do không có nguồn thu và quyền hạn gì. “Trước đây mình cũng quy định người dân trích lại phần trăm doanh thu từ khách cho ban điều hành nhưng thấy họ thu một ngày vài chục nghìn cũng ít  nên thôi. Ban cũng vài lần xin phép huyện được thu tiền từ doanh nghiệp và du khách kiểu như phí môi trường hay phí an ninh chẳng hạn, nhưng Phòng VH-TT không chịu. Thật ra, mỗi tháng xã cũng hỗ trợ cho ban điều hành khoảng hơn 1 triệu đồng, chia cho mấy anh em nhưng họ tự ái không nhận. Nên nói ban điều hành lập ra cho vui cũng đúng thôi” - ông Năm chua chát.

Thậm chí, nhà điều hành du lịch và khu rừng dừa nước hiện cũng được xã giao cho một công ty tư nhân thuê quản lý khai thác, khi có khách muốn đi thuyền thì kêu dân vào chèo. Còn hộ dân nào tự ý đưa khách đi phải xin ý kiến doanh nghiệp và đóng tiền. Mục đích du lịch cộng đồng người dân làm chủ xem như thất bại tại Trà Nhiêu.

 Quản lý hậu dự án

Cần nâng cao công tác quảng bá và chất lượng dịch vụ
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng các tổ chức chỉ khuyến khích cộng đồng chứ không quyết định tất cả vì họ không thể làm thay cho thị trường, nên hoạt động như thế nào là tùy thuộc vào khả năng của cộng đồng địa phương, có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không… Cái thiếu hiện nay ở các làng du lịch cộng đồng chính là năng lực quản lý. Thứ hai là tổ chức chất lượng dịch vụ và cuối cùng là đảm bảo an toàn, an ninh, nên cần phải có sự bồi dưỡng hỗ trợ, quản lý, bao gồm cả tiếp thị sản phẩm.
Doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là cánh tay nối dài của cộng đồng đối với công tác quảng bá và xúc tiến nơi đó, chủ yếu người dân địa phương phải làm tốt những khâu trên. Chưa nói, tại một số nơi các dịch vụ của du lịch cộng đồng đều mang tính tự phát, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. “Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên là công tác quảng bá cũng như dịch vụ chưa đạt yêu cầu, dẫn đến hiệu quả thấp. Du lịch cộng đồng là phải mang lại lợi ích cho người dân địa phương nếu nó chưa làm được điều đó thì người dân cũng không thể tham gia một cách tích cực được. Nên nói chất lượng dịch vụ quan trọng là vậy, vì đó là những sản phẩm để bán cho khách du lịch, trong đó người bán là người dân địa phương, khi 2 vấn đề này chưa tương thích thì cần có sự điều chỉnh” - ông Hài nói.

Khảo sát cho thấy, không chỉ Trà Nhiêu mà các mô hình làng du lịch cộng đồng khác ở Quảng Nam như Mỹ Sơn, kể cả Triêm Tây cũng bộc lộ những vấn đề nội tại. Tại Triêm Tây, dù chưa chính thức khai trương nhưng mâu thuẫn về quyền lợi giữa các thành viên hợp tác xã và một số cá nhân bên ngoài cũng đã xuất hiện, nhất là khi các cá nhân nay tự mở nhà hàng dịch vụ ăn uống “cạnh tranh” với hợp tác xã. Theo ông Nguyễn Yên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp làng Triêm Tây, điều này vô lý vì công sức của cả cộng đồng, hợp tác xã xây dựng lên thương hiệu rất khó khăn nhưng chưa hưởng lợi gì, nay bỗng xuất hiện những người nơi khác đến thuê đất xã mở nhà hàng, quán nhậu. “Họ chẳng đóng góp gì cho cộng đồng mà chỉ lợi dụng thương hiệu của Triêm Tây để kinh doanh thu lợi thôi” - ông Yên bức xúc. Mối căng thẳng âm ỉ đến mức UBND thị xã Điện Bàn phải ra quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp trên, đồng thời yêu cầu tháo dỡ một phần kiến trúc công trình chờ xem xét, hoàn thiện quy hoạch. Ngoài ra, cũng khuyến cáo chính quyền xã đã cho phép bên ngoài vào thuê đất để đầu tư du lịch phải đúng quy hoạch và phù hợp với định hướng của thị xã là phát triển du lịch cộng đồng sinh thái làng quê, tránh gây ức chế cho các thành viên hợp tác xã và cộng đồng.

Đặc biệt, một vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay chính là câu chuyện quản lý hậu dự án, mà làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) là một điển hình buồn. Kể từ cuối năm 2015 khi dự án kết thúc, các bên liên quan gồm ILO và Sở VH-TT&DL dường như chưa một lần quay lại, kể cả Công ty Du lịch Trà Kiệu, đơn vị cam kết đưa khách tới làng cũng đã rút lui, mặc cho các thành viên trong Ban điều hành Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn tự xoay xở, kết quả số khách đến với làng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Võ Văn Xoa - Trưởng ban Điều hành Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn thông tin, từ đầu năm đến nay mới có hơn 10 khách đến làng đăng ký chèo thuyền trên hồ Thạch Bàn. Không có khách, các tổ dịch vụ trở nên rệu rã, chán nản. Tổ nấu ăn gồm 7 người thì 2 người đã xin ra khỏi tổ. “Nói ILO bỏ rơi cũng không đúng vì họ chỉ đầu tư giai đoạn đầu thôi, hết dự án họ nghỉ chứ không thể theo suốt mình được. Chủ yếu Sở VH-TT&DL nhưng họ cũng không quan tâm gì, còn huyện, xã cũng chỉ mức độ chứ họ làm sao kiếm khách cho làng được, trong khi mình thì không có chuyên môn nên không có khách” - ông Xoa nói.

Cũng theo ông Xoa, việc hỗ trợ của Sở VH-TT&DL hay Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cũng chỉ dừng lại ở việc đưa thông tin làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn lên website đơn vị, ngoài ra không còn gì. Tập gấp hay catalogue thì càng không có. “Vấn đề bây giờ là làng không có trang web riêng để đưa thông tin lên, chủ yếu quảng bá qua facebook. Nói chung không ai quan tâm gì cả. Chúng tôi tự động viên, vận động bà con cùng cố gắng làm để duy trì hoạt động của làng thôi chứ biết trông chờ ai bây giờ” - ông Xoa nói.

THÂN VĨNH LỘC
Bài cuối:  Khi cộng đồng trách nhiệm

THÂN VĨNH LỘC Bài cuối:  Khi cộng đồng trách nhiệm