Giúp người nghèo thoát nghèo
Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện Thăng Bình đã có chuyển biến mạnh mẽ. Đó là tiền đề để huyện Thăng Bình thực hiện công tác này từ nay đến năm 2020.
Những thành quả
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XIX (2010 - 2015) đề ra chỉ tiêu giảm nghèo 2 - 3%/năm. Qua thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 21,70% (năm 2010) xuống còn 6,85% (năm 2015) là thành quả đáng ghi nhận. Theo UBND huyện Thăng Bình, kết quả đó được tạo nên trước hết từ quyết tâm giảm nghèo của người dân.
Tại xã Bình An, phụ nữ đã tận dụng lúc nông nhàn để lao động tăng thu nhập. Ngoài sản xuất nông nghiệp, phụ nữ xã đến cơ sở sản xuất mây tre đan của chị Trần Thị Hồng Anh ở thôn An Thái để nhận đơn hàng về gia công tại nhà. Các sản phẩm bàn, ghế, hộc tủ… được làm bởi đôi bàn tay khéo léo đã có thị trường ổn định trong và ngoài tỉnh. Chỉ bằng lao động làm thêm, chị em đã có thêm nguồn thu nhập không dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. “Trồng lúa, chăn bò, nuôi heo, tôi đều làm được. Tận dụng thêm thời gian nhàn rỗi, tôi nhận nguyên liệu mây tre đan từ cơ sở của chị Hồng Anh về gia công. Học nghề không quá khó, chỉ cần khéo léo và cần mẫn là thao tác thạo nghề thôi. Thu nhập ổn định nên chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện hơn” - chị Nguyễn Thị An ở thôn An Thành 1 cho biết.
Tặng bò giúp người nghèo phát triển kinh tế. Ảnh: N.Q.V |
Mới đây, huyện Thăng Bình đã tặng 32 con bò giống sinh sản cho các hộ nghèo ở thị trấn Hà Lam và 6 xã gồm Bình Trung, Bình Tú, Bình Nguyên, Bình Phục, Bình Định Bắc và Bình Nam. Mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng đã tiếp sức cho người nghèo cải thiện sinh kế. Những con bò giống được trao cùng với gà, vịt, heo giống đã đáp ứng nguyện vọng của các hộ nghèo qua đối thoại, tìm hiểu và lựa chọn trước đó. Cách hỗ trợ của địa phương đã góp phần giúp các hộ nghèo vươn lên. Song hành với hỗ trợ vật chất, huyện Thăng Bình cũng đã chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ nghèo trên địa bàn. Trong vòng 5 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho 13.600 lao động, nhờ thế lao động nông nghiệp đã giảm 20%, giúp người nghèo có thêm cơ hội làm việc, tăng thu nhập. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, các cơ quan, đoàn thể của huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH huyện kiểm tra, thẩm định trình UBND huyện giải quyết cho 407 dự án vay vốn của các hộ nghèo, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, miễn giảm thuế, hỗ trợ tiền sử dụng điện… đã giúp cho các hộ nghèo giảm thiểu áp lực và dồn sức xây dựng mô hình kinh tế, thoát nghèo.
Kế hoạch mới
Theo ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương tập trung đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Phát triển kinh tế cộng hưởng với các nguồn lực hỗ trợ, tiếp tục tạo điều kiện để các hộ nghèo tận dụng cơ hội, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Mục tiêu giảm nghèo cụ thể của Thăng Bình trong giai đoạn này là mỗi năm giảm nghèo từ 0,4 - 0,6%; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,2%; 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. “Các chính sách giảm nghèo của Nhà nước trong thời gian qua phần lớn là chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo thông qua giáo dục, y tế, tiền điện, trợ cấp hộ nghèo đột xuất... Điều đó dễ dẫn đến hệ lụy không mong muốn là “xin nghèo” của một số hộ. Rất may là điều đó chưa thấy xảy ra ở địa phương mà ngược lại có nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tránh trông chờ, ỷ lại sẽ giúp công tác giảm nghèo của huyện đi vào chiều sâu trong thời gian đến” - ông Trần Văn Thức nói.
Huyện Thăng Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo cú hích chuyển biến giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020. Huyện coi trọng việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi để các hộ nghèo có điều kiện sản xuất phù hợp với các yếu tố tự nhiên, xã hội ở 22 xã, thị trấn. Từ nguồn vốn Quỹ vì người nghèo do huyện phát động cộng với nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và trung ương, Thăng Bình sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong thời gian qua đến các gia đình nghèo khó. “Trên cơ sở Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện tổ chức dạy nghề miễn phí cho lao động thuộc diện nghèo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cũng sẽ được chú trọng trong thời gian đến. Huyện cũng sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, rộng mở cơ hội việc làm đến với người dân, trong đó có các hộ nghèo tiếp cận làm việc, ổn định thu nhập” - bà Thủy Thị Ngọc Thảo, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình nói. Mỗi năm, Thăng Bình sẽ bổ sung thêm khoảng 500 triệu đồng vào quỹ cho vay của Ngân hàng CSXH và quỹ cho vay của Hội Nông dân huyện để giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
NGUYỄN QUANG VIỆT