Đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão
Công ty Điện lực Quảng Nam đã chủ độnglên phương án ứng phó mưa bão cũng như nỗ lực đảm bảo việc cấp điện được liên tục, an toàn.
Gia cố các vị trí xung yếu
Theo Công ty Điện lực Quảng Nam, ngành điện lực đã chủ động xây dựng phương án cấp điện bảo đảm an toàn cho người dân và công trình điện trên địa bàn trong mùa mưa bão. Trong quý II năm 2016, công ty đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống lụt bão (PCLB) tại các đơn vị trực thuộc. Hầu hết đơn vị đều chuẩn bị khá chu đáo, đến cuối tháng 7 đã tổ chức xong diễn tập PCLB. Các vấn đề dự trữ vật tư, lương thực, thực phẩm cũng như bảo dưỡng hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện đi lại cũng được quan tâm. Trong đó, việc đảm bảo hành lang tuyến lưới điện và sửa chữa, gia cố các vị trí xung yếu được triển khai khá sớm.
Công nhân Điện lực Tiên Phước xử lý đường dây trung thế cấp điện cho công trình thi công thủy điện Sông Tranh 3. Ảnh: Đ.ĐẠO |
phương án đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão cũng đã triển khai thực hiện tốt ở các huyện thị. Đơn cử như Điện lực Tiên Phước. Hệ thống lưới điện mà Điện lực Tiên Phước quản lý trải rộng trên địa bàn 3 huyện là Tiên Phước, một phần xã Tam Lãnh huyện Phú Ninh và xã Phước Gia huyện Hiệp Đức. Do địa bàn quản lý rộng, nhiều đồi núi nên ngay từ sớm, Điện lực Tiên Phước đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương để triển khai phát quang, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Theo ông Lê Trường Hiền - Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, xã đã cử cán bộ xã, thôn đi khảo sát các tuyến đường dây điện. “Chúng tôi vận động bà con chặt tỉa cành cây, dọn vật kiến trúc ở các hành lang tuyến đường dây điện đi qua địa bàn cũng như các đường dây sau công tơ” - ông Hiền cho biết. Theo ông Ngô Phạm Thế Phiệt - Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Điện lực Tiên Phước, không chỉ đảm bảo an toàn hành lang tuyến đơn vị cũng đã khảo sát lại một số đường dây ở đầu nguồn thường bị lũ quét, sạt lở đất, gây ách tắc giao thông thường gặp nhiều khó khăn trong mưa bão như đường dây 372T42, 374E15, các đường dây cấp điện cho xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức… Đồng thời chủ động sửa chữa, vệ sinh và gia cố các đoạn xung yếu này trước để có thể đảm bảo an toàn khi có bão lũ.
Điện lực Điện Bàn đã kiểm tra toàn bộ các trạm biến áp theo đúng quy trình. Qua đó, những điểm thiếu an toàn còn tồn tại trên đường dây như cột, xà, sứ, điểm đấu nối, hành lang tuyến... đã lập kế hoạch khắc phục. “Chúng tôi đã xử lý dứt điểm các tồn tại sau thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp phụ tải theo nhiệm vụ của Công ty Điện lực Quảng Nam giao. Đồng thời đôn đốc và triển khai thi công dứt điểm các công trình sửa chữa lớn, xây dựng cơ bản trước mùa mưa bão. Thường xuyên kiểm tra điểm xung yếu tại các đường dây vượt các sông như: Quá Giáng, Cẩm Văn, Vĩnh Điện, Tứ Câu, Điện Bình, Triêm Nam để có phương án xử lý kịp thời các điểm bị sạt lở” - ông Bùi Văn Phương - Giám đốc Điện lực Điện Bàn, cho hay. Ông Phương cũng cho biết thêm, đơn vị cũng tăng cường công tác phát quang hành lang tuyến lưới điện, nhất là lưới điện hạ thế tiếp nhận xóa bán tổng.
Chủ động ứng phó
Theo ông Vũ Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, công ty đang quản lý hơn 632km đường dây 35kV, 2.735km đường dây 22kV, 15kV, đường dây 0,4kV khoảng 3.550km và cáp ngầm trung, hạ thế gần 94km. Về trạm biến áp phụ tải có 2.904 trạm và 13 trạm biến áp trung gian. “Trong năm 2015 khu vực Quảng Nam có nhiều thuận lợi trong quá trình vận hành lưới điện do ít chịu ảnh hưởng của bão và lụt lớn. Nhưng trong năm 2015 cơn bão số 3 cũng gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, ảnh hưởng 105 lần dông sét và gió lốc gây mất điện dài ngày đối với nhánh rẽ Trà Leng, Nam Trà My và 2 lần trên đường dây cấp điện cửa khẩu Đắk Ôốc, Nam Giang, thiệt hại gần 500 triệu đồng. Cơn bão số 4 vào giữa tháng 9 vừa qua cũng gây một số thiệt hại cho ngành điện lực” - ông Vũ Văn Nghiêm cho biết.
Để chủ động ứng phó, phòng ngừa sự cố, ngành điện lực đã triển khai kiểm tra thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp phụ tải và hoàn thành xử lý các tồn tại sau thí nghiệm. Đồng thời ngành điện lực cũng hoàn thành việc kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị chống sét và kiểm tra, đo đạc tiếp địa trạm, đường dây để xử lý các vị trí không đạt. “Chúng tôi cũng tranh thủ hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, đã triển khai được khoảng 70 công trình với tổng kế hoạch vốn là 96,32 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác sửa chữa lớn, đã triển khai được gần 30 công trình. Điều này sẽ giúp đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão” - ông Vũ Văn Nghiêm nói. Hiện tại, các phương thức vận hành hệ thống điện khi bão lụt kèm theo diễn biến của từng cấp gió đã được Công ty Điện lực Quảng Nam triển khai xuống từng điện lực trực thuộc để đối chiếu xử lý tình huống. Ngoài ra, trong phương án phòng chống lụt bão 2016, Công ty Điện lực Quảng Nam cũng đề xuất các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão có thể xảy ra trên địa bàn. Trong đó, có việc phân công xử lý từng trường hợp cụ thể theo mức độ ảnh hưởng của bão lụt. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của bão lũ, dông lốc được dự báo, các Điện lực trực thuộc sẽ được triển khai phối hợp theo chỉ đạo để phòng chống, khắc phục nếu có sự cố xảy ra.
ĐOÀN ĐẠO