Giảm nghèo nhờ nuôi bò cái lai
Mô hình “Chăn nuôi bò cái lai sinh sản” do UBND xã Bình Nam (Thăng Bình) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện từ năm 2014. Đến nay, có 64 hộ nghèo tại địa phương được nhận hỗ trợ bò, trong đó 19 hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gần 3 năm được nhận hỗ trợ bò đến nay, gia đình chị Mai Thị Thanh (40 tuổi, thôn Đông Tác, xã Bình Nam) chuẩn bị đón thêm con bê thứ ba. Vậy là chỉ chờ vài tháng nữa, gia đình chị Thanh bán con bê thứ hai, hoàn lại số tiền 5 triệu đồng như cam kết với chính quyền địa phương trước đó. Số bò hiện còn lại sẽ là tài sản của gia đình. Chị Thanh cho biết, chồng bị mù lòa, bản thân chị phải gồng gánh nuôi 4 miệng ăn. Xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, địa phương đã hỗ trợ 1 con bò trị giá 15 triệu đồng. “Từ sự quan tâm của địa phương, tôi đã cố gắng chăm bò theo kỹ thuật hướng dẫn. Bây giờ tôi cố gắng chăm sóc con bê thứ 2 chóng lớn để bán hoàn trả vốn ban đầu cho địa phương để tiếp tục hỗ trợ cho những hoàn cảnh còn khó khăn hơn” - chị Thanh chia sẻ.
Từ con bò nhận được vào năm 2014, đến nay chị Mai Thị Thanh chuẩn bị đón con bê thứ ba. Ảnh: Tân Biên |
Chồng mất để lại 3 đứa con thơ cùng mẹ già gần 90 tuổi, gia đình chị Đoàn Thị Tám (thôn Nghĩa Hòa) được xếp vào hộ nghèo nhất của địa phương. Từ sự hỗ trợ sinh kế thông qua mô hình “Chăn nuôi bò cái lai sinh sản”, hiện con bò mẹ của gia đình chị Tám cũng sắp có lứa bê thứ hai. Chị Đoàn Thị Tám cho biết: “Sau khi được cấp bò giống kinh tế của gia đình đỡ bấp bênh, cuối năm 2015 đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của thôn. Dự định, tôi bán con bê thứ nhất để mở rộng chăn nuôi heo nái”.
Năm 2014, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND xã Bình Nam thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò cái lai sinh sản” với tổng số tiền 500 triệu đồng cùng với nguồn huy động đối ứng của địa phương 250 triệu đồng. Địa phương đã chọn hỗ trợ 50 hộ nghèo. Từ mô hình này, địa phương tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân với hội đoàn thể xã hỗ trợ thêm 13 con bò cái lai. Theo ông Nguyễn Đăng Nhật - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam, cùng với việc quản lý, địa phương đã mở các lớp tập huấn chăn nuôi bò cho các hộ. Đến nay, từ việc hỗ trợ bò đã có 19 hộ thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, theo như cam kết ban đầu, con bê thứ hai, hộ gia đình nuôi đến 12 tháng thì bán nộp lại địa phương 5 triệu đồng để gây quỹ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng khác. “Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình “Chăn nuôi bò cái lai sinh sản”. Sau khi nguồn quỹ vì người nghèo thu được từ các hộ dự kiến vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, địa phương sẽ tiếp tục chọn hộ nghèo mới để trao bò giúp các hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vừng” - ông Nguyễn Đăng Nhật cho biết thêm.
Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nhất là mô hình “Chăn nuôi bò cái lai sinh sản” đã và đang triển khai trên địa bàn xã Bình Nam đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình này, các gia đình nghèo đã được hỗ trợ sinh kế kịp thời, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
MINH TÂN - GIANG BIÊN